Thảm cảnh phía sau kỳ tích điền kinh Việt Nam - Kỳ 3: Góc nhìn “thẳng” từ ông Trưởng bộ môn kỳ cựu

Sỹ Minh
thứ tư 23-9-2020 15:55:15 +07:00 0 bình luận
Theo Trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục TDTT Dương Đức Thủy, điền kinh đang là môn chịu thiệt thòi nhất, rõ nhất ở kinh phí đầu tư quá thấp và quá ít. Nó mới chỉ đáp ứng được phân nửa của “phần ngọn” để xoay sở giải quyết bài toán thành tích trước mắt. 

Webthethao: Được biết, nguồn kinh phí cho việc tập huấn thi đấu quốc tế của điền kinh Việt Nam trong những năm qua chỉ từ 120-140 nghìn USD/năm. Ông thấy khoản đầu tư này như thế nào?

Ông Dương Đức Thủy: Tôi có thể khẳng địn thẳng thắn rằng nó quá thấp và quá ít so với nhu cầu thực tế, cũng như vị thế, đòi hỏi đặt ra cho điền kinh với tư cách môn cơ bản hàng đầu, lại được xác định là trọng điểm của TTVN. Có thể thấy điền kinh chưa được đầu tư thích đáng và hợp lý như đáng ra phải thế. Dù vẫn biết vấn đề kinh phí là khó khăn chung của ngành, số đầu môn và nhiệm vụ chung rất nhiều, song theo tôi, điền kinh vẫn xứng đáng và phải được đầu tư nhiều hơn. 

Theo tính toán của ông, số kinh phí tập huấn thi đấu quốc tế mà điền kinh Việt Nam cần phải cỡ bao nhiêu mới đáp ứng được thực tế phát triển? 

Cái này cụ thể thì rất khó, vì nó còn phụ thuộc vào mục tiêu, giải pháp mà chúng ta tiến hành. Tuy nhiên, tôi cho rằng, để đảm bảo một cách tương đối, điền kinh cần ít nhất khoảng gấp đôi mức được phân bổ hiện nay. Bàn thì bàn vậy thôi, chứ trong điều kiện hiện nay, chúng tôi thực sự chẳng dám mong, vì bao năm nay vẫn vậy. Vì thế từ  lâu bộ môn điền kinh chúng tôi đã luôn xác định phải có cách làm hợp lý, hiệu quả của riêng mình để thành công với nguồn lực hạn hẹp được cấp.

Ông Dương Đúc Thủy trả lời phỏng vấn của webthethao.vn

Những thành quả của điền kinh Việt Nam đã hiển hiện rõ trên số lượng và chất lượng của những tấm HCV sáng giá tại SEA Games, ASIAD. Xin ông có thể phân tích thêm về cách làm riêng của môn mình?

Tôi có thể tự tin nói rằng, điền kinh là  một trong những môn tiết kiệm, hiệu quả và thành công nhất của TTVN, đặc biệt nếu xét trên số kinh phí khiêm tốn được cấp. Làng điền kinh khu vực, thậm chí cả châu Á đều thừa nhận điền kinh đã phát triển nhanh, vững nhất khu vực ĐNÁ trong những năm vừa qua, một số nội dung đã đạt tới tầm hàng đâu châu Á. Và họ càng ngạc nhiên hơn khi chúng ta làm được chỉ với số kinh phí ít ỏi như vậy. 

Tự môn điền kinh từ lâu đã phải chống dàn trải quyết liệt mới có thể vượt qua được khó khăn về kinh phí, bằng cách chọn lựa chính xác ra những nội dung, những tuyển thủ xuất sắc để từ đó ưu tiên tập trung đầu tư trong một quy trình chặt chẽ. Điều này đã được chúng tôi thực hiện triệt để và mạnh mẽ từ lâu. Đơn cử ngay từ  2009, chỉ với 4 gương mặt “mũi nhọn”, điền kinh đã giành 7 HCV SEA Games, 1 HCV Asian Indoor Games cùng một số huy chương châu lục khác. 

Dù vậy, quyết tâm và nỗ lực ấy cũng chỉ giải quyết được phần nào, chủ yếu là thành tích trước mắt. Còn thực sự phía sau đó, đã và đang là những nguy cơ, trong đó có nguy cơ tụt hậu và lãng phí tiềm năng.

VĐV Quách Công Lịch (trái) và Trần Đình Sơn

Tức là chúng ta vẫn phải quay về chuyện căn bản nhất, là nguồn kinh phí cùng cách thức đầu tư chung, từ ngành thể thao?

Không phải khác. Tôi có thể lấy ngay ví dụ, điền kinh là môn được tiếng hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng, song với kinh phí thiếu như vậy, chúng tôi đã gần như phải chấp nhận gần như không tập trung được gì cho tuyến trẻ. Các tuyển thủ trẻ, thuộc diện kế cận, có thể cả năm chỉ được dự đúng một giải quốc tế, và không có chuyến xuất ngoại tập huấn nào. Tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm. Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ đánh mất lợi thế ngay ở tầm khu vực, ở một số nội dung vốn là thế mạnh. 

Chưa kể rằng, chỉ có nguồn ấy, kể cả có ưu tiên cân đối thế nào, chúng ta cũng không thể phát huy được cao nhất khả năng vươn cao của các tài năng hàng đầu. Nói  cách khác, chúng ta đang lãng phí. Vì bó buộc kinh phí nên với ngay cả những Bùi Thị Thu Thảo, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh hay Trần Nhật Hoàng, cơ hội xuất ngoại tập huấn thi đấu cũng kém xa các đồng nghiệp nước ngoài, cả về số lượng lẫn chất lượng. Như chuyện tập huấn, mỗi năm họ mới chỉ được đáp ứng một hai đợt tập huấn ngắn hạn ở các nước lân cận.

VĐV Quách Thị Lan

Vấn đề nguồn lực và kinh phí đầu tư của TTVN mà điển hình là điền kinh đã được đặt ra từ lâu. Chính bản thân ông đã nêu ý kiến, thậm chí đấu tranh quyết liệt. Dù vậy, qua nhiều năm, mọi chuyện chưa có gì thay đổi…

Tôi cho rằng chúng ta vẫn đang nằm trong hai “gọng kìm” cản trở mà chưa thoát ra nổi. 

Thứ nhất, chính là sự nhìn nhận, đầu tư dàn trải, thiếu phân cấp nặng nề, trong một mặt bằng chung vốn đã thiếu kinh phí trầm trọng. Môn dự SEA Games với 40 tuyển thủ đoạt 16 HCV cũng chỉ có kinh phi tập huấn thi đấu quốc tế chẳng khác gì môn chỉ đóng góp vài HCV, thậm chí không giành nổi HCV nào. 

Thứ hai là lối mòn bao cấp. Gần như tất cả các nguồn kinh phí đầu tư các ĐTQG, ĐT trẻ QG, các tuyển thủ tuyến trên, đều chỉ dựa vào nguồn kinh phí hạn hẹp nhà nước cấp cho ngành thể thao. Trong khi đó, chúng ta lại thiếu hẳn sự tham gia của các nguồn lực xã hội khác, và  khả năng xã hội hóa, vận động tài trợ quá yếu kém. 

Từ thực tế của môn điền kinh, tôi cho rằng, chuyện đột phá trong cách làm thể thao thành tích cao, trước hết là sự phân cấp rõ ràng trong phân bổ kinh phí giữa các môn từ ngành thể thao, cùng  việc đẩy mạnh các phương thức tạo ra các nguồn lực theo hướng xã hộ hóa, đã đến lúc thực sự… không thể không làm. 

Xin cảm ơn ông.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm