Tại sao hay bị chuột rút khi chạy?

Thanh Mai
thứ tư 14-8-2019 8:33:33 +07:00 0 bình luận
Khi tập luyện hay tham gia một giải chạy, nhiều vận động viên gặp tình trạng bị chuột rút khi cơ thể, đặc biệt là chân rất đau đớn… ảnh hưởng đến thi đấu. Vậy tại sao lại có hiện tượng chuột rút khi chạy?

Đã có nhiều nghiên cứu định nghĩa, tư vấn cách chống chuột rút khi chạy hay chơi các môn thể thao khác. Hầu hết những người chạy bộ đều đã từng ít nhất một lần gặp phải tình trạng không mong muốn này. Vậy chuột rút là gì?

Chuột rút (cramp) là một hiện tượng cơ bị co rút một cách không tự nguyện và cưỡng bức, gây đau đớn. Chuột rút có thể xảy ra ở bất cứ cơ bắp nào, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là cơ ở bắp chân và bàn chân.

Những người chạy dài, đặc biệt là tham dự các cuộc thi marathon rất hay gặp tình trạng bị chuột rút. Khi bị “chuột ghé thăm”, ta sẽ cảm thấy cơ co rút rất đau đớn. Nhiều người không chịu được cơn chuột rút nên phải lăn ra đất kêu khóc, lăn lộn… Chuột rút có thể kéo dài từ vài giây đến vài phút tùy mức độ vận động và thể trạng từng người. Nếu không được xử lý ngay, chuột rút sẽ tạo ra cảm giác như sắp bị vỡ cơ…

Những vùng cơ hay bị chuột rút thường là: bắp chân, bàn chân, đùi… và những nhóm cơ nằm dưới sự kiểm soát của cơ xương. Chuột rút có thể xảy ra khi tập thể thao, nhưng cũng có thể gặp khi đang ngủ ban đêm.

Tại sao hay bị chuột rút khi chạy?

Nguyên nhân bị chuột rút
1. Vận động mạnh
Chuột rút xảy ra khi các cơ bị hoạt động quá mức, dẫn đến mệt mỏi. Ví dụ bạn tốn khoảng 5-6 giờ để hoàn thành một marathon (42,195km), chạy dưới điều kiện nắng nóng, mất nước, đói... Hoặc chuột rút cũng viếng thăm những người không vận động thường xuyên nhưng có cuộc chạy quá sức… Chuột rút có thể đến ngay trong quá trình vận động, hoặc diễn ra sau khi đã ngừng vận động.

2. Co thắt cơ sau chấn thương
Nguyên nhân gây chuột rút trong trường hợp này là do co thắt có xu hướng giảm thiểu chuyển động và ổn định diện tích thương tích, giống như là một cơ chế tự bảo vệ của cơ thể.

3. Khi cơ bắp mệt mỏi
Khi bạn nằm hoặc ngồi một tư thế trong thời gian lâu, cũng có thể bị chuột rút. Những người có tuổi còn bị chuột rút ngay khi đang nghỉ ngơi. Nhiều người bị chuột rút trong lúc ngủ, gây đau đớn dẫn đến mất ngủ. Nguyên nhân cho hiện tượng chuột rút đêm thường là do cơ thể mất nước, toát mồ hôi nhiều trước đó…

4. Thiếu hụt Natri
Natri là thành phần hóa học phổ biến nhất của dịch cơ thể bên ngoài tế bào nên thiếu chất này cũng làm cơ thể bị mất nước...
Bên cạnh đó, đặc điểm phân bố dịch trong cơ thể bất thường, do xơ gan, dẫn đến sự tích tụ dịch trong khoang bụng (cổ trướng)… cũng dẫn đến hiện tượng chuột rút. Những người thận hư, bị chạy thận cũng dễ bị chuột rút. Cần phải bổ sung các khoáng chất, nhất là Natri cho cơ thể để tránh hiện tượng chuột rút.

Tại sao hay bị chuột rút khi chạy?

5. Kali thấp
Thiếu Kali dẫn đến sự yếu ớt của cơ. Khi chạy, cơ thể mất nhiều khoáng chất, bạn nên bổ sung viên muối, ăn gel và đặc biệt là chuối, loại quả có chứa nhiều Kali… cũng sẽ giúp bạn giảm thiểu khả năng bị chuột rút.

6. Các tế bào thần kinh hoạt hóa trong cơ thể
Chuột rút có thể đến khi mô thần kinh tăng hoạt động do thiếu canxi và magiê. Thiếu canxi trong máu gây ra sự co thắt của cơ bắp tay, cơ cổ tay và cả triệu chứng có cảm giác tê liệt và ngứa ran xung quanh miệng và các vùng khác.

Khi chạy bộ hoặc tập thể thao, việc đổ mồ hôi trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể thiếu hụt các chất như đã liệt kê bên trên. Do đó, trong quá trình chạy, bạn cần bổ sung nước, viên muối, gel, ăn chuối, uống điện giải… đầy đủ để tránh chuột rút.

Bên cạnh đó, để cơ thể quen với cường độ vận động mạnh, bạn cần phải rèn luyện thường xuyên, tích lũy quãng đường chạy, chuẩn bị dinh dưỡng trước, trong và sau chạy đầy đủ để chuột rút không bao giờ có cơ hội “cắn” bạn.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm