Boston Marathon là giải chạy marathon lâu đời nhất thế giới với 121 năm lịch sử. Chính vì thế, Boston Marathon là giải chạy trong mơ của những người yêu chạy bộ đường dài. Do cung vượt quá cầu, Boston Marathon phải đề ra thời gian chuẩn tối thiểu để lựa chọn ra các VĐV xuất sắc nhất. Chuẩn này khá cao so với khả năng của một runner phổ thông. Để đạt chuẩn, các runner phải tập luyện rất nghiêm túc, kỷ luật mới có thể đạt thành tích đáp ứng tiêu chuẩn của Boston Marathon.
Số liệu thống kê của Strava, mạng xã hội lớn nhất dành cho những người đam mê chạy bộ và 3 môn phối hợp, thu thập từ hơn 7000 marathoner luyện tập để đạt chuẩn Boston (gọi tắt là nhóm BQ - Boston Qualifier) và hơn 24.000 marathoner không đạt chuẩn (hoặc không có mục tiêu đạt chuẩn giải Boston) đã hé lộ nhiều thông tin thú vị về nhóm BQ.
Dữ liệu phân tích được lấy trong khoảng thời gian 12 tuần trước ngày chạy đua marathon diễn ra. Dưới đây là sự khác biệt căn bản giữa “người thành công” (nhóm BQ) và không thành công (nhóm phổ thông):
1. BQ chạy nhiều hơn
Điều này hoàn toàn dễ hiểu. Muốn tăng thành tích ở cuộc đua thì cường độ và khối lượng luyện tập phải cao hơn mức bình thường. Tuy nhiên, sự chênh lệch tổng quãng đường chạy (milelage) giữa nhóm BQ và nhóm phổ thông rất rõ rệt.
Tổng quãng đường chạy trong 12 tuần của nhóm BQ xấp xỉ 900km (tương đương chạy trung bình 47 dặm/tuần hay 75km/tuần) trong khi nhóm phổ thông chỉ chạy khoảng 480km (nam). Đối với nữ, tỉ lệ chênh lệch cũng cao không kém. Nhóm BQ chạy nhiều gấp 1,7 lần so với nhóm phổ thông (770km so với 450km).
2. BQ chạy với tần suất dày hơn
Các BQ phải tập chăm chỉ hơn runner phổ thông. Khía cạnh này cũng được thể hiện qua số lần tập chạy trong 1 tuần. Mỗi tuần, các BQ có trung bình khoảng 7 lần chạy. Trong khi đó, nhóm phổ thông chỉ có trung bình khoảng 5,3 lần chạy. Tuy nhiên, tần suất tập luyện giữa nam giới và nữ giới của nhóm phổ thông không chênh lệch nhiều như nhóm BQ.
3. BQ chạy “mọi lúc mọi nơi”
Đối với nam giới, các runner tập vào khoảng thời gian ban ngày hay chiều tối đồng đều nhau, bất kể họ có mục tiêu tập luyện cho Boston hay không. Tuy nhiên, tỉ lệ tập sáng/tối đối với nữ giới khá cách biệt. Các runner nữ có xu hướng tập luyện vào buổi sáng nhiều hơn. Cũng có thể vì với vai trò của một người vợ, một người mẹ trong gia đình nên phụ nữ sẽ thu xếp thời gian tập luyện vào ban ngày thuận tiện hơn.
4. BQ biết thời điểm nào thích hợp cần chạy nhanh
Chạy nhanh ở đây được hiểu là chạy với tốc độ bằng hoặc nhanh hơn tốc độ đạt chuẩn Boston Marathon. Thông thường, các VĐV sẽ tập luyện theo giáo án chạy bộ sao cho điểm rơi phong độ rơi đúng vào tuần diễn ra giải chạy. Vì thế, các VĐV nam nhóm BQ chỉ dành 15% khối lượng tập luyện mà họ chạy với vận tốc ngang chuẩn Boston trở lên. Ở nhóm nữ, tỉ lệ này nhỉnh hơn một chút với 23%. Trái ngược với nhóm BQ, nhóm phổ thông chạy nhanh hơn trong các buổi tập luyện khá thường xuyên (tỉ lệ 57% đối với nam và 64% đối với nữ).
Có thể thấy, nhóm BQ biết tiết chế sức lực để tập luyện vừa đủ, chú trọng hiệu quả hơn. Họ biết đâu là thời điểm cần phải “bung lụa”, đâu là lúc nên thả lỏng, không phung phí sức. Trong khi đó, nhóm phổ thông chạy có phần tùy hứng, số lần chạy nhanh nhiều nhưng hiệu quả không cao.
5. BQ chạy...nhanh hơn (tốc độ trung bình)
Mặc dù các BQ chỉ dành một phần nhỏ (khoảng 20%) trong khối lượng tập luyện để chạy nhanh hơn tốc độ đua thực tế nhưng tốc độ trung bình trong 12 tuần của nhóm này vẫn nhanh hơn nhóm phổ thông. Chứng tỏ, tốc độ chạy ở mức thấp hơn của nhóm BQ vẫn nhỉnh hơn so với nhóm phổ thông.
Nhóm BQ đạt tốc độ chạy trung bình (4:49/1km đối với nam, 5:17/km đối với nữ) trong khi đó nhóm phổ thông chỉ đạt mức 5:29/km và 6:07/km tương ứng với 2 giới tính.
6. BQ ít...chụp ảnh "tự sướng"
Strava là ứng dụng mạng xã hội qui tụ đông đảo những người yêu thể thao. Đa số các runner thường chụp ảnh trước, trong hoặc sau khi tập để ghi lại nhật ký chạy bộ của mình. Thống kê từ Strava cho thấy nhóm phổ thông thường đăng ảnh sau khi tập luyện nhiều hơn 30% so với nhóm BQ. Có thể lý giải một cách đơn giản, khi các runner “đầu tư” cho Boston thì họ dồn tâm trí, năng lượng để tập luyện theo bài nhiều hơn cho mục đích đăng ảnh “sống ảo”.
Cũng theo Strava, nhóm BQ thường có số lượng người theo dõi (follower) gần gấp đôi so với nhóm phổ thông. Phải chăng khi các runner có số lượng “khán giả” theo dõi càng đông thì họ tập luyện một cách có trách nhiệm và hào hứng hơn?