Phái đẹp chạy bộ: Điều quan trọng là không bỏ cuộc

thứ tư 8-3-2017 20:09:43 +07:00 0 bình luận
Những phụ nữ bận rộn với công việc, gia đình, con cái làm thế nào để từ số 0 có thể biến chạy bộ thành sở thích, hoạt động không thể thiếu hàng ngày?

Đối với những người mới tập thể thao, chạy bộ là môn khá đơn điệu, thiếu tính giải trí hấp dẫn, lại nặng nhọc khiến cơ thể nhanh mệt, chóng chán. Có lẽ vì vậy, số lượng nữ giới, nhất là những phụ nữ đã có gia đình tham gia chạy bộ vẫn còn khá khiêm tốn.

>> Nữ VĐV nghiệp dư duy nhất giải Việt dã: "Anh cứ đi bên lề đời em đi"

>> Tiểu Phương: "Bông hồng thép" mê chạy bộ

Thực tế, chạy bộ có nhàm chán? Tập chạy có khó không? Hãy cùng đọc những chị Đức Lâm và chị Thanh Vân, 2 trong số những runner bận rộn với chuyện gia đình, con cái ở Hội những người thích chạy đường dài chia sẻ kinh nghiệm từ con số 0 biến chạy bộ thành một hoạt động không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

 Trần Đức Lâm

Tôi đến với chạy bộ nhờ Hội những người thích chạy đường dài (LDR) ở giải chạy lần đầu tiên với vai trò tình nguyện viên. Ban đầu, tôi cũng chỉ theo dõi, đọc bài chia sẻ của mọi người trên Facebook. Lúc tôi có gặp chút áp lực về công việc nên quyết định tham gia MK Challenge, một thử thách chạy bộ đòi hỏi mọi người phải chạy chăm chỉ trong gần 1 tháng với quãng đường tối thiểu 30km/tuần nếu không thì phải đóng góp tiền vào quĩ.

Trước đó, tôi gần như chả chạy bao giờ, xa nhất có 500m. Một cú liều không tưởng. Thế rồi khi tổng kết, không ngờ tôi chạy được những 138km trong 22 ngày và cũng hoàn thành chạy bộ trọn vẹn 1 vòng hồ Tây như một bài tốt nghiệp.

 

Chị Trần Đức Lâm
Chị Trần Đức Lâm cùng các bạn chạy Hội những người thích chạy đường dài

Tôi chủ yếu chạy sáng vì chiều còn đón con, cơm nước cho gia đình, tối đến còn kèm các con học hành. Những hôm phải đi công tác, tôi cũng xách giầy theo để chạy. Cuối tuần, tôi có chồng chạy cùng, các con đạp xe theo để tiếp nước, cổ vũ. Chồng tôi còn nhận đưa đứa út đi học để “giảm tải” cho vợ.

Rất may là công việc của mình có thể chủ động được nên tôi hay chạy từ 7-8 giờ sáng sau khi lo cho các con ăn sáng và đi học, nội trợ. Chạy xong về mới tắm rửa, đi làm. Nhiều hôm, tôi vừa chạy vừa kết hợp đi chợ luôn.

 

Chị Trần Đức Lâm chạy cùng chồng tại giải Hạ Long Bay Heritage Marathon 2016
Chị Trần Đức Lâm chạy cùng chồng tại giải Hạ Long Bay Heritage Marathon 2016. Ảnh: HLHM

Lịch sinh hoạt của bản thân và gia đình kể từ khi tôi chạy bộ trở nên bận rộn hơn đôi chút nhưng lại khoa học hơn, hiệu quả một cách bất ngờ vì chúng tôi phải bố trí lịch rất phù hợp cho từng ngày, từng tuần.

Sau một thời gian tham gia, bản thân tôi thấy mình khỏe hơn, ăn sáng ngon miệng hơn, tác phong linh hoạt, nhanh nhẹn hơn hẳn, luôn cảm thấy phấn chấn hơn, tinh thần cũng tươi vui hơn, không khí trong gia đình cũng vui vẻ hẳn lên. Chỉ có mặt tiêu cực là thời gian xem Facebook nhiều hơn hẳn (cười) vì luôn phải báo cáo và trao đổi với các bạn chạy.

 

Chị Trần Đức Lâm tại giải LDR Half Marathon 2017
Chị Trần Đức Lâm tại giải LDR Half Marathon 2017. Ảnh: LDRHM

Nếu bạn là người mới chạy như tôi thì nên chạy theo sức của bản thân, vừa chạy vừa nghe ngóng, mệt quá thì đi bộ. Quan trọng là phải quyết tâm, kiên trì và chọn đường chạy đẹp như khu Hồ Tây chẳng hạn.
Nếu có quyết tâm, quản lý quỹ thời gian tốt thì chạy bộ hay chơi bất kỳ môn thể thao nào đều có thể thực hiện được.

 

Chị Trần Đức Lâm dẫn người khiếm thị tại giải chạy Run Together tại Hà Nội
Chị Trần Đức Lâm dẫn người khiếm thị tại giải chạy Run Together tại Hà Nội

Chạy bộ là môn thể thao không cần phải đầu tư nhiều về trang phục, phụ kiện hay sân bãi. Chạy bộ rất hay là một mình cũng có thể chơi được, không bị phụ thuộc vào người khác, chỉ có mình mới làm nên thành tích của mình mà thôi. Chạy bộ thực ra cũng dễ lây. Khi thấy mình tham gia chạy, mấy người bạn của mình cũng tham gia chạy theo. Họ thường nói đùa “bà này mà chạy được thì mình cũng chạy tốt”.

 

Ba mẹ con chị Đức Lâm chạy cùng với những người khiếm thị tại giải chạy Run Together
Ba mẹ con chị Đức Lâm chạy cùng với những người khiếm thị tại giải chạy Run Together

"Chạy với tôi": Khi cả thế giới trong một cái nắm tay

Mình  đã đăng ký chạy một vài giải half marathon như một cái đích để luyện tập chăm chỉ và có định hướng. Mình vẫn đang cố gắng từng ngày.

Vũ Thị Thanh Vân

Dạo trước, tôi có đọc cuốn "Tôi nói gì khi tôi nói về chạy bộ" của nhà văn Murakami và cảm thấy rất ấn tượng trước sự bền bỉ, kiên trì, kỉ luật của tác giả. Một ngày đẹp trời, một người bạn của tôi trên Facebook khoe vừa đăng ký giải Hạ Long Bay Heritage Marathon 2016 (HLM) với rất nhiều lời lẽ hấp dẫn. Tôi nghĩ hay mình thử thách bản thân xem. Thế là từ giờ phút đó, tôi bắt đầu dấn thân vào thế giới của những người chạy bộ.

 

Runner Thanh Vân
Runner Thanh Vân: "Thời gian đầu, việc sắp xếp chạy bộ khá là vất vả, vì tôi chưa quen dậy sáng sớm"

Tôi bắt đầu tập chạy từ tháng 8/2016. Thời gian đầu, việc sắp xếp chạy bộ khá là vất vả, vì tôi chưa quen dậy sáng sớm. Tôi đi làm cách nhà 12km nên chỉ có thể tập chạy sau giờ cơm tối. Cứ đến 9 giờ tối, tôi xách giầy ra công viên Cầu Giấy chạy. Tôi đặt cho mình lịch cố định, hàng tuần bắt buộc phải chạy 3-4 lần. Mặc dù thời gian đầu khá là chập chờn, vì chưa quen, vì ngại, vì mệt, vì chạy mãi vẫn ì ạch 4-5km. Nhưng nhất định không chịu bỏ cuộc. Sau 1-2 tuần đầu, tôi rủ thêm được vài người bạn, lên lịch tập cùng nhau và mọi việc cũng trở nên dễ dàng hơn.

 

Chị Thanh Vân cùng Ironman ''Lâm sắt''
Chị Thanh Vân (phải) cùng Ironman "Lâm sắt"

Sau khi tôi đã chạy được 10km và định đăng ký HLM cự ly 21km thì ngay ngày hôm sau, tôi bị thoát vị đĩa đệm. Không đi lại bình thường được. Đứng đau, ngồi đau và chạy càng không được. Không chịu bỏ cuộc, tôi đi bấm huyệt. Bác sĩ yêu cầu kiêng tuyệt đối việc chạy bộ. Nhưng 2 tuần sau, tôi lại lén lút xỏ giầy đi chạy lại, chậm chậm, từ từ. Tôi bấm huyệt chữa lưng liên tục 1 tuần trước khi chạy giải. Kỳ diệu thay, sau giải chạy, tôi đã chạy lại được bình thường, và còn…tốt hơn bình thường.

 

Chị Thanh Vân chạy cùng con trai tại giải Song Hong Half Marathon 2016
Chị Thanh Vân chạy cùng con trai tại giải Song Hong Half Marathon 2016

Sau giải HLM thì việc tập tành đều đặn hơn. Tôi hay chạy sáng sớm ở công viên Nghĩa Đô, có hôm thì chạy ở Bờ Hồ, cuối tuần có chạy ở Hồ Tây. Việc chạy những cung đường khác nhau cũng là một điểm hay của marathon, vì nó tạo hứng thú mới mẻ.

Tôi không thấy chạy bộ là môn thể thao nhàm chán mặc dù đúng là nó có vẻ mang tính cá nhân khá cao. Ngược lại, chạy bộ rất thú vị, giúp người tập rèn luyện tính kỉ luật, sự bền bỉ, kiên trì, đặt ra thử thách cho bản thân và vượt qua nó. Tinh thần sảng khoái hơn, trẻ trung hơn, cơ thể cũng gọn gàng hơn. Đặc biệt tôi được làm quen rất nhiều bạn bè yêu thích môn chạy bộ đều đáng mến và dễ gần.

 

''Chạy những cung đường khác nhau cũng là một điểm hay của marathon, vì nó tạo hứng thú mới mẻ''
"Chạy trên những cung đường khác nhau cũng là một điểm hay của marathon, vì nó tạo hứng thú mới mẻ"

Vì tôi suốt ngày nói về chạy bộ nên cũng có khá nhiều bạn bè lây cảm hứng chạy bộ này. Ở trong nhà thì có bạn bé hay thích chạy cùng mẹ, và cũng đã tham gia chạy giải Sông Hồng và LDR Half Marathon.

Không có lý do gì là chính đáng cho việc không tập thể thao, trừ khi bạn không yêu thích và đam mê nó. Còn gia đình, công việc bận rộn, sức khỏe kém, không thể chạy đường dài... đều là những lý do có thể vượt qua được hết nếu như biết cách sắp xếp, bố trí.

Runner Thanh Vân: ''Điều quan trọng là bạn phải yêu thích, kỉ luật với bản thân, bền bỉ và nhất là không bỏ cuộc''
Runner Thanh Vân (thứ 2 từ trái): "Điều quan trọng là bạn phải yêu thích, kỉ luật với bản thân, bền bỉ và nhất là không bỏ cuộc"

Tôi cũng có thuận lợi hơn là con tôi cũng đã lớn và tự giác. Tuy nhiên, đấy không phải là điều quyết định. Điều quan trọng là bạn phải yêu thích, kỉ luật với bản thân, bền bỉ và nhất là không bỏ cuộc.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm