Nếu có một nơi nào đó có thể gây nguy hiểm cho các runner thì đó là New Delhi bởi đây là một trong những nơi có bầu không khí ô nhiễm nhất thế giới hiện nay.
Tại giải chạy Airtel Delhi Half Marathon 2017 (ADHM) diễn ra mới đây tại Ấn Độ, khá nhiều VĐV vừa chạy vừa phải đeo khẩu trang để tự bảo vệ mình trước tình trạng chất lượng không khí ở New Delhi ở mức đáng báo động. Một cảnh tượng lạ lẫm ở các giải chạy lớn trên thế giới.
Airtel Delhi Half Marathon là giải chạy lớn ở Ấn Độ được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2005. Đây là giải điền kinh hạng Vàng (cấp cao nhất) thuộc hệ thống giải IAAF thu hút khoảng 30.000 VĐV tham gia mỗi năm.
Ashmeet Kapoor, một runner tham gia giải chạy ADHM, cho biết anh thường dậy lúc 6 giờ 30 sáng mỗi ngày để chạy ở công viên gần nhà. Mặc dù chất lượng không khí ở New Delhi rất tệ, Kapoor vẫn tập theo kế hoạch tập chạy marathon để tham gia một giải chạy marathon khác vào tháng 2/2018. “Chắc chắn không khí chất lượng tệ vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi nhưng biết làm sao được, tôi cần phải luyện tập chăm chỉ để có thể chạy marathon trong thời gian tới”. Kapoor vốn là chủ một cửa hiệu thực phẩm sạch nên dĩ nhiên anh không phải là người bàng quan về sức khỏe bản thân.
Trái với Ashmeet Kapoor, Sangeeta Saikia không mất nhiều thời gian đắn đo cân nhắc. Cô quyết định tạm thời không tham gia các giải chạy cho đến khi tình hình sáng sủa hơn. Cô cũng dặn dò cậu con trai 14 tuổi của mình không nên ra ngoài, chú ý sức khỏe cho dù cậu bé chăm chỉ tập chạy bộ trong nhiều tháng qua. Sangeeta Saikia tập chạy trung bình khoảng 200 km/tháng. Gần đây, cô đã hạn chế tập chạy dài.
Eliud Kipchoge, người suýt chạy được marathon dưới 2 giờ trong dự án "Breaking 2" là nhà vô địch ADHM năm 2016 với thời gian 59:44
Trong một ngày mà chỉ số chất lượng không khí PM2.5 ở New Delhi lên tới gần 500, Saikia cảm thấy thực sự khó thở. “Tôi đã phải quay trở về nhà và cảm thấy hối hận vì đã đi ra ngoài trong điều kiện không khí như vậy. May mắn là tôi chạy một mình thay vì chạy với con trai khi đó”, cô nhớ lại. Thay vì tập chạy ngoài trời, cô chuyển hướng sang tập chạy trên máy và ngày ngày theo dõi thông tin chất lượng không khí. Nếu AQI ở mức dưới 300 (mức nguy hiểm, cấp độ cảnh báo cao nhất), cô sẽ chạy ra ngoài bằng không cô sẽ nghỉ.
Trước khi giải ADHM diễn ra, cơ quan y tế Ấn Độ (IMA) đã phải kêu gọi BTC giải hủy bỏ để bảo vệ sức khỏe cho người đã đăng ký tham gia. “Chỉ số chất lượng không khí ô nhiễm tăng cao cao có thể làm tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ”, đại diện cơ quan này cho hay. Cứng rắn hơn, IMA còn gửi yêu cầu đến Tòa án tối cao Delhi ra lệnh hủy bỏ sự kiện nhưng yêu cầu này đã bị bác bỏ và giải chạy vẫn tiếp tục được diễn ra. Công ty viễn thông Airtel, nhà tài trợ chính của giải half marathon cảnh báo họ sẽ không ký tài trợ các giải chạy trong tương lai nếu các bên liên quan không có những quyết định phù hợp nhằm đảm bảo tính mạng và sức khỏe của các VĐV tham gia.
BTC giải ADHM đã phải áp dụng các biện pháp bổ sung nhằm đảm bảo sức khỏe của các VĐV như đặt 150 chiếc quạt phun sương, 6 trạm y tế và rửa đường bằng nước muối để giảm bớt bụi. Đồng thời, bộ phận y tế của giải khuyến cáo các VĐV nếu có tiền sử về đường hô hấp cần tham vấn các bác sĩ để quyết định xem có nên tham gia hay không. BTC cũng sẵn sàng hoàn lại tiền đăng ký nếu ai đó muốn rút lui.
Theo các thiết bị đo trong ngày diễn ra giải chạy ADHM, chỉ số chất lượng không khí ở mức 200, cao gấp 4 lần mức an toàn (chỉ số dưới 50). “Cho dù chúng ta có hưởng lợi thế nào đi chăng nữa từ chạy bộ thì cũng không thể đánh đổi với rủi ro về sức khỏe trong môi trường như vậy, Ashish Shakya, một runner chấp nhận rút lui khỏi giải chạy và chỉ đứng bên đường đeo khẩu trang để xem cuộc đua nhận định.
Nakul Butta, một người đang huấn luyện cho một nhóm runner, đã phải “bê” các bài tập từ ngoài trời vào trong nhà để đối phó với tình trạng không khí tệ hại. Ngay cả khi chạy trên máy treadmill, họ cũng phải tập với chiếc khẩu trang đeo trên mặt. Tuy nhiên, việc chạy trong nhà và đeo khẩu trang sẽ gây cảm giác khó chịu, mệt mỏi khiến nhiều người không quen.
“Thực lòng mà nói, tôi chẳng cảm thấy gì hết”, Suresh Muwal, sinh viên trường ĐH Jawaharlal Nehru cho biết. Anh chàng này vẫn chạy ở ngoài trời bất kể điều kiện không khí tệ thế nào, thậm chí cũng chẳng buồn đeo khẩu trang và phớt lờ những rủi ro có thể xảy ra. “Tôi vẫn chạy và lắng nghe cơ thể của mình”.
Suresh Muwal nhận thức được chuyện chạy bộtrong điều kiện không khí ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài nhưng chẳng vì thế mà lo lắng quá mức. “Nếu chúng ta đã trót đam mê thứ gì đó thì không cần phải thỏa hiệp với nó. Ngay cả khi leo núi Everest thì chuyện chinh phục nó cũng có hại cho cơ thể bạn. Đó là một trong những nơi nguy hiểm bậc nhất thế giới. Nếu chạy bộ là niềm đam mê của bạn, hãy cứ tiếp tục tận hưởng nó thôi”.
Ở Ấn Độ, phong trào chạy bộ cũng đã bắt đầu chuyển mình khi ngày càng có nhiều người quan tâm đến môn thể thao này hơn. Theo thống kê trong vòng 1 năm qua, Ấn Độ có khoảng 1 triệu người đăng ký tham gia các giải chạy.