Nếu như ở nội dung 110m rào nam có 12 VĐV, đủ để chia làm hai đợt thi đấu vòng loại, thì ở nội dung nữ chỉ có vỏn vẹn 4 VĐV tranh tài. Vì thế, nội dung này bước vào chung kết luôn khi đạt số lượng VĐV tối thiểu (4) để có thể tổ chức một tranh một bộ huy chương.
Huỳnh Thị Mỹ Tiên đến từ Vĩnh Long được đánh giá cao nhất ở nội dung này bởi cô gái sinh năm 1999 đã từng góp mặt tại SEA Games 30 ở Philippines cuối năm ngoái và từng giành HCB quốc gia 4 năm qua. Thiếu vắng đàn chị Trần Thị Yến Hoa, người đã giã từ sự nghiệp VĐV sau tấm HCB SEA Games 30, Mỹ Tiên lần đầu lên ngôi vô địch quốc gia sau nhiều năm chỉ xếp nhì.
Nhìn đường chạy 100m rào nữ lần này mới thấy sự đìu hiu ở một nội dung cũng từng nằm trong danh sách “có vàng” tại các kỳ SEA Games trước. Yến Hoa chia tay đường đua khi hết năm 2019 là một lỗ hổng lớn cho nội dung này. Cô gái đang thuộc biên chế đoàn Thừa Thiên-Huế từng giành HCĐ SEA Games 2015, trước khi đổi màu lên tấm HCV 2 năm sau đó ở SEA Games 2017 tại Malaysia. Sau khi tốt nghiệp hệ thạc sĩ điền kinh, Yến Hoa lui về làm công tác đào tạo trẻ tại Trung tâm thể thao Huế. Và tấm HCB 100m rào nữ ở SEA Games 30 là dấu ấn cuối cùng của Yến Hoa trong sự nghiệp VĐV.
Trở lại giải VĐQG năm nay, Huỳnh Thị Mỹ Tiên giành HCV là điều đã được dự đoán trước bởi thành tích của cô gái 21 tuổi bám rất sát đàn chị Yến Hoa. Thiếu vắng người từng 6 năm VĐQG nội dung này, Mỹ Tiên đem về tấm HCV nội dung 100m rào đầu tiên cho những đoàn thuộc thuộc khu vực Nam Bộ sau cả chục năm.
Mỹ Tiên giành HCV với thông số 14 giây 17, còn khá xa kỷ lục quốc gia 13.36 do huyền thoại Vũ Bích Hường lập ở SEA Games 1999 tại Brunei. Thông số này cũng còn khoảng cách dài so với thành tích 13.75 đem về tấm HCB SEA Games 30 cho đàn chị Trần Thị Yến Hoa.
Giành HCB và HCĐ 100m rào nữ quốc gia lần lượt là Nguyễn Thị Linh (2002, Hà Nội, 14.31) và Bùi Thị Nguyên (2001, Quân Đội, 14.38).