Sự lên ngôi của những "kẻ chiếu dưới" như Yuki Kawauchi (Nhật Bản), Des Linden, Sarah Sellers (Mỹ) khiến giải Boston Marathon lần 122 trở nên hấp dẫn.
Thời tiết khắc nghiệt nhất trong 30 năm qua
Hơn 3 vạn VĐV đã trùm kín mít mũ, găng tay, nhiều lớp áo từ đầu tới chân để đối phó với cơn mưa rét buốt và gió mạnh trong ngày diễn ra giải chạy marathon hấp dẫn nhất thế giới. Nhiệt độ xuống thấp kỷ lục trong vòng 30 năm qua. Các runner phải trải qua một trong những cuộc đua marathon khó khăn trong cuộc đời. Ngay cả các VĐV chuyên nghiệp cũng không thể nào trụ được trước sự khắc nghiệt của thời tiết, đặc biệt là các ngôi sao châu Phi.
Xem video điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại Boston: Mưa to, gió mạnh:
Có tổng cộng 81 VĐV đã được đưa đến các bệnh viện để điều trị. 90% số này bị hạ thân nhiệt. Theo một chuyên gia y tế, giải chạy năm nay rét hơn và gió mạnh hơn nhiều so với năm 2015, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của VĐV.
Bất ngờ đã xảy ra khi không có ứng cử viên sáng giá nào giành chức vô địch Boston. Thay vào đó, những người chiến thắng đều không ai ngờ đến. Ở nội dung nam, Yuki Kawauchi đã về nhất với thành tích 2:15:54, hơn ĐKVĐ Geoffrey Kirui khoảng 2 phút. Do mưa rét nên cả Kirui và nhiều VĐV châu Phi khác đều "không chịu nổi nhiệt". Thân nhiệt bị hạ thấp cùng với thể lực suy giảm khiến Kirui đã tuột dần lại ở 5km cuối.
Người hùng nghiệp dư Nhật Bản
Á quân Galen Rupp, một trong những ƯCV sáng giá cho chức vô địch năm nay, đã phải rời bỏ đường đua khi đã chạy được khoảng 30km. Kết quả khám y tế ban đầu cho thấy Galen Rupp có dấu hiệu hen suyễn và hạ nhiệt.
Ngoài Galen Rupp, rất nhiều VĐV hàng đầu khác cũng “rớt đài”: Lelisa Desisa (Ethiopia) ở km 35, Tamirat Tola, Lemi Berhanu, Wilson Chebet, Ruben Sanca, VĐV Olympic của Cape Verde đều DNF (Did Not Finish - Không hoàn thành).
Điều đáng khâm phục là Kawaguchi không phải VĐV điền kinh chuyên nghiệp, lấy chạy bộ làm nghiệp kiếm sống. Anh hiện là viên chức đang làm việc tại một trường cấp 3 tại tỉnh Saitama (Nhật Bản). Việc tập chạy thi đấu chỉ là sở thích ngoài giờ của chàng trai sinh năm 1987 này. Năm 2017, anh đã tham gia tới 12 giải chạy marathon, nghĩa là trung bình mỗi tháng chạy một giải marathon. Mật độ thi đấu dày đặc của Kawauchi đã đi ngược lại lý thuyết sách vở về việc nghỉ ngơi và thi đấu.
Phát biểu với báo giới, Kawauchi cho biết thời tiết khắc nghiệt ở Boston đối với anh lại là điều kiện lý tưởng giúp anh giành chiến thắng trong ngày hôm nay.
Rõ ràng Kawauchi không hề nói đùa. Hồi tháng 1 năm nay, Kawauchi đã lập KLTG ở giải Marshfield Marathon (Massachusetts) trong điều kiện nhiệt độ dưới 0 độ C. Lần gần nhất, Nhật Bản có nhà vô địch ở Boston Marathon cách đây đã 31 năm.
Nữ xáo trộn bởi những "tay mơ"
Sau cú sốc Kawauchi, người Mỹ và thế giới ngỡ ngàng về màn đăng quang của Des Linden khi cô bỏ lại một loạt các ƯCV châu Phi để trở thành VĐV nữ đầu tiên của Mỹ vô địch Boston Marathon sau 33 năm.
Ở cuộc thi của nữ, một loạt các VĐV châu Phi dẫn trước đều không thể trụ lại đến giây cuối cùng. Deena Kastor, Buzunesh Deba (vô địch 2014), và Mamitu Daska, người dẫn đầu trong 30km đầu tiên cũng ở trong nhóm DNF. Chỉ có ĐKVĐ Edna Kiplagat là VĐV châu Phi duy nhất lọt vào Top 10 nữ.
Tương tự nhà vô địch người Nhật Bản, Des Liden không được đánh giá cao trước khi giải diễn ra bởi cô chưa một lần đăng quang ở các giải điền kinh lớn (ngoài HCB Boston 2011, Des Linden còn giành HCB Chicago 2010). Bốn lần dự Boston Marathon, Des Linden chỉ đạt thành tích cao nhất là ngôi Á quân của Boston Marathon 2011 với thành tích 2:22:38, thua kém đúng 2 giây so với nhà vô địch Caroline Kilel.
Với thành tích 2:39:54, Desiree Linden là nhà vô địch nữ có thành tích kém nhất trong lịch sử kể từ năm 1978. Nhưng điều này chẳng hề làm lu mờ những nỗ lực đáng khâm phục của “Des” khi cô tỏa sáng đúng lúc thay cho Shalane Flanagan, niềm hi vọng số 1 của Mỹ bị sự cố "đi theo tiếng gọi của thiên nhiên".
Xem video Shalane Flanagan trao đổi với Desiree Linden, chạy tách khỏi nhóm dẫn đầu để vào buồng vệ sinh:
Shalane Flanagan, VĐV dự 4 lần Olympic và là ĐKVĐ New York City Marathon chỉ về đích ở vị trí thứ 7. Cô đã buộc phải vào nhà vệ sinh di động ở bên đường trong nửa đoạn đường đầu tiên và bị nhóm dẫn đầu cắt đuôi. Điều đáng nói trong sự cố hi hữu này là hành động đẹp của “Des” khi cô quyết định chạy chậm lại và chờ đợi đàn chị đi vệ sinh để kéo Shalane Flanagan trở lại với tốp đầu.
Lúc đó, “Des” chỉ suy nghĩ đơn giản rằng cô có thể rớt lại bất cứ lúc nào nên muốn đợi Shalane để giúp đàn chị trở lại đường đua nhanh chóng. Nói về hành động nghĩa hiệp của Desiree Linden, Shalane Flanagan cho biết: “Người mà tôi biết nếu có thể làm điều đó là đồng đội của tôi Amy Cragg. Hành động này không phải ai cũng làm được. Tôi biết tôi có thể trở lại tốp đầu nếu tốp đầu chạy đủ chậm. Tôi đã tính đến mức độ rủi ro khi quyết định đi vệ sinh. Des chắc chắn không cần phải đợi tôi nhưng cô ấy đã làm điều đó”.
Des Linden quyết định chạy chậm lại chờ Shalane Flanagan để kéo đàn chị trở lại tốp đầu:
Không chỉ Des khiến người Mỹ ngạc nhiên mà Á quân Sarah Sellers, người về đích thứ 2 kém Des Linden 4 phút, cũng khiến tất cả đều bất ngờ. Sarah Sellers như từ dưới đất chui lên bởi cô không phải là VĐV chuyên nghiệp thực thụ.
Chính bản thân Sellers cũng cảm thấy choáng vì bỗng dưng mình tỏa sáng. “Tôi không có khái niệm gì khi chạy qua vạch đích. Tôi đã đi hỏi BTC xem tôi được vị trí thứ mấy”.
Năm ngoái, sau khi chỉ đạt được vị trí thứ 4 với thành tích 2:25:06, Linden đã bỏ ra tới 5 tháng để xa rời thể thao. Trong giai đoạn đó, cô thú nhận “ghét tất cả mọi thứ về chạy bộ”. Không còn phải gắn chặt với đường piste, Linden dành thời gian cho câu cá và kayak, những môn thể thao khác có tính giải trí hơn. Linden mới bắt đầu tập trở lại cho Boston vào hồi tháng 9 năm ngoái.
Xem video Linden mạnh mẽ vượt qua các đối thủ ở những km cuối cùng để tiến về đích, giành chức vô địch cho Mỹ sau 33 năm:
Sarah Sellers là y tá gây mê làm full-time. Đây mới là giải chạy marathon thứ 2 trong đời của nữ y tá này. Giải đầu tiên mà Sarah Sellers tham gia là giải Huntsville Marathon (Utah) hồi năm ngoái. Cô giành chức vô địch với thời gian 2:44:27. “Trường hợp tốt nhất là tôi đạt thứ hạng đủ để có tiền thưởng trang trải chi phí cho chuyến đi. Tôi thậm chí chưa có kế hoạch nào tiêu xài với khoản tiền 75.000 đô-la tiền thưởng cả. Chồng tôi và tôi mới tốt nghiệp nên hi vọng là chúng tôi có thể trả các khoản vay nợ”.
Khi được hỏi về kế hoạch bỏ nghề y tá để theo nghiệp chạy bộ, Sellers vẫn chọn được làm công việc chuyên môn của mình hơn là chạy bộ. “Tôi thích công việc y tá và không muốn từ bỏ công việc bây giờ. Về lâu dài, việc tập luyện sẽ có nhiều thách thức hơn. Tôi yêu cả hai”.
Chồng của Sarah Sellers tiết lộ vợ anh phải dậy từ 4 giờ sáng để tập chạy trước khi đi làm "tối mắt tối mũi" ở bệnh viện.