Kỹ sư cơ khí U50 “tái sinh” nhờ kiên trì chạy bộ

Khang Vinh
thứ hai 19-10-2020 10:29:17 +07:00 0 bình luận
Từng thập tử nhất sinh sau cơn bạo bệnh cách đây 2 năm, một kỹ sư cơ khí nhiệt điện sống ở Hà Nội đã khỏe mạnh trở lại và đạt thành tích chạy đáng nể nhờ kiên trì luyện tập…

Anh Đinh Nam Bình hào hứng khoe với mọi người tracklog (bản ghi thông số chạy) vừa thực hiện tại Rio de Janeiro (Brazil) để đồng hành với giải chạy marathon xuyên đêm Hà Nội sáng 18/10/2020. Từ nửa vòng Trái đất, người đàn ông sắp bước vào tuổi 50 hướng về quê hương, nơi gia đình và bạn bè ở đó, còn anh phải một mình trải qua chuyến công tác xa nhà… và chỉ nhờ chạy bộ làm sợi dây kết nối đam mê.

Chạy bộ kết nối yêu thương

Sống tại Rio de Janeiro đã 2 tháng nay trong chuyến công tác dài ngày, anh Đinh Nam Bình lấy chạy bộ làm niềm vui lớn nhất, sau khoảng thời gian làm việc vất vả trong ngày. Một thân một mình nơi đất khách quê người, anh tâm sự: “Bên này có một mình nên lủi thủi, có người trò chuyện thì vui lắm. Dân ở đây chỉ tập trung nhậu nhẹt. Họ cũng tập thể dục nhưng ít chạy bộ mà chủ yếu đi xe đạp và đá bóng. Chạy ở đây được cái vắng vẻ, không khí rất thích. Thỉnh thoảng chạy thì được người ta vẫy tay chào”.

Từ đất nước Brazil xa xôi, anh Đinh Nam Bình chạy đồng hành với giải mathon ở Hà Nội - Ảnh: NVCC

Là một kỹ sư ngành nhiệt điện có trụ sở công ty đa quốc gia, nên anh Bình thường xuyên phải đi công tác xa. Những chuyến đi vòng quanh thế giới kéo dài từ vài tháng đến nửa năm rồi lại được nghỉ phép đúng 2 tuần, thời gian ở nhà của anh ít hơn cả đi công tác.

“Điểm cầu Rio de Janeiro Brazil xin gửi lời chào các bạn vận động viên, những người rất may mắn có mặt tại Hà Nội để được trực tiếp trải nghiệm niềm hạnh phúc qua từng bước chân, trên những cung đường chạy tuyệt đẹp của Hà Nội vào thu.

Không sinh ra ở Hà Nội nhưng những năm tháng học tập, làm việc và sinh sống ở Hà Nội đã để lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm với những con đường góc phố. Được chạy trên những con đường di sản của phố cổ Hà Nội không phải là mong ước của riêng tôi mà chắc chắn sẽ là mong ước của tất cả các vận động viên.

Anh Đinh Nam Bình chạy ở Brazil, nơi lệch múi giờ 10 tiếng với Hà Nội - Ảnh: NVCC

Rất tiếc là dù tôi đã đăng ký để được chạy trên những con đường quen thuộc đó nhưng vì điều kiện công tác mà tôi không thể tham gia được. Tuy nhiên từ bên kia nửa vòng trái đất, tôi cũng sẽ đồng hành cùng các vận động viên ở khắp thế giới với những bước chạy của mình để hướng về mùa thu Hà Nội.  

Tất cả chúng ta đã rất cố gắng rèn luyện, bền bỉ và nỗ lực không ngừng trên những chặng đường Marathon vì thế nên chúng ta sẽ cùng chạy, khỏe mạnh và giữ an toàn để đạt được những thành công cho riêng mình cũng như thành công của giải nhé” - anh Bình cho biết chia sẻ.

Cùng với anh, cuối tuần qua, đã có hàng nghìn người chạy từ xa để đồng hành với giải chạy ở thủ đô. Với thời gian 1:46:30, anh Bình thực hiện xong quãng đường 21,1km của mình hết sức xuất sắc. Ít ai biết được rằng, ở thời điểm này 2 năm trước, anh đang chống chọi với cái chết cận kề.

Vết xước suýt tước tính mạng

Biến cố năm 2018 suýt làm anh Đinh Nam Bình mất mạng - Ảnh: NVCC

Anh Bình nhớ lại những này kinh hoàng đối với mình và gia đình 2 năm trước. Trong chuyến công tác tại Saudi Arabia tháng 8/2018, anh bị một vết xước ở chân phải. Là một kỹ sư nhiệt điện, đã từng gặp những trường hợp tương tự, nên anh Bình cũng chỉ nghĩ đó là một vết thương bình thường.

Nhưng rồi, vết thương càng trở nên trầm trọng khiến chân anh sưng tấy, đau đớn. Anh Bình được chẩn đoán nhiễm khuẩn tụ cầu vàng, loại vi khuẩn cự kỳ nguy hiểm. Chuyến bay khẩn cấp về nhà khiến vợ anh chết điếng khi nhìn thấy tình trạng của chồng.

Chỉ vài ngày sau khi bị thương, tình trạng sức khỏe của anh Bình nguy kịch đến mức các bác sĩ cho biết gần như không thể cứu chữa. Thậm chí, ở nhà, mọi người đã lo hậu sự để đón anh. Nhưng thật kỳ diệu, phác đồ điều trị sau đó đã hiệu quả một cách khó tin. Các bác sĩ đã tìm ra cách để cứu chữa, dù anh Bình được chẩn đoán là hoại tử nặng phần chân, chỉ còn rất ít cơ và có khả năng khó giữ cái chân phải.

Anh Đinh Nam Bình tích cực tham gia các sự kiện chạy bộ sau khi hồi phục - Ảnh: NVCC

Một tháng sau đó, anh hồi phục và bắt đầu bước vào giai đoạn hồi phục. Vợ anh, chị Đinh Thị Hải nhớ lại: “Tháng 9/2018, dẫn chồng ra đầu ngõ tìm mua đôi dép thật nhẹ thật vừa chân để anh ấy có thể tập đi. Cùng đi 500m mà cứ ngỡ như mất nửa cuộc đời. Nước mắt chảy ròng vào trong…”

Bắt đầu từ những cuộc đi bộ chầm chậm, tập tễnh… anh Bình kiên trì để có thể hoàn thành những quãng đường dài hơn. “Vết thương vẫn tê nhức mỗi khi trở trời. Nhưng nhờ tập chạy và kết hợp bơi, tôi đã tìm lại sức khỏe” - anh Bình cho biết.

Chạy bộ đã tái sinh cuộc sống

Chạy bộ là cầu nối giữa anh Đinh Nam Bình (thứ hai trái sang) và nhiều bạn bè khác - Ảnh: NVCC

Anh Bình tham gia nhóm chạy HBPR ở công viên Hòa Bình (Hà Nội) và nhóm Con Nhà Gia Giáo để lấy động lực tập luyện. Khi có thời gian, anh chạy quanh Hồ Tây cho những bài chạy dài. Sau khi hồi phục, anh trở lại với công việc vào tháng 4/2019. Những chuyến đi xa nhà khiến anh phải tự lên dây cót tinh thần để giữ được đam mê chạy bộ. “Khi còn ở nhà, tôi còn tập thêm bơi, nhưng xa nhà thế này thì chỉ có điều kiện chạy bộ.

Đợt dịch COVID-19 vừa rồi, thành ra tôi lại được ở nhà dài nhất. Có thời gian tập chạy với anh em, tham gia một số sự kiện cộng đồng. Bà xã mình thì thường đạp xe và đi bộ thôi. Nhưng cả hai cùng động viên nhau phải tập thể dục vì tuổi này thì sức khỏe xuống dốc nhanh lắm” - anh Biết kể.

Anh Đinh Nam Bình đặt mục tiêu chạy marathon tại một giải chính thức trong tương lai - Ảnh: NVCC

Đợt ở Việt Nam, anh kịp tham dự hai giải chạy quanh Hồ Tây và Quy Nhơn nhưng đều ở cự ly 21km. Ngoài ra, anh chỉ đăng ký chạy ảo từ xa để có thêm động lực tập luyện. “Tôi mới thử chạy 42km được hai lần, một lần chạy tham dự sự kiện chạy ảo và một lần tự chạy. Cũng muốn thử chạy marathon tại một giải mà vẫn chưa có điều kiện” - anh Bình tâm sự.

Vẫn còn 3 tháng làm việc tại Brazil, anh Bình chưa biết điểm đến tiếp theo là đâu. Anh dần quen với lịch trình chạy bộ của mình: “Tôi thường chạy giữa thảo nguyên vào cuối tuần, đường lên xuống dốc nhưng thẳng tắp, giữa tuần chạy biến tốc và chạy nhẹ. Tính ra, tôi mới thật sự tập chạy nghiêm túc được nửa năm nay. Tôi cố gắng giữ lịch tập đều đặn nhất để duy trì cân nặng của mình. Tôi cao 1m63 mà trước đây lúc nào cũng trên 70kg. Giờ thì duy trì 62kg và có thể chạy 21km pace 5…”

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm