Không bình oxy, không dây thừng, Kilian Jornet, một trong những VĐV chạy đường dài xuất sắc nhất thế giới đã một mình chinh phục đỉnh Everest thành công sau 26 tiếng. Đây là kỷ lục nhanh nhất được biết đến đối với một VĐV leo Everest mà không dùng 2 thứ hỗ trợ cơ bản: bình oxy và dây thừng.
Kilian Jornet xuất phát từ Base Camp, ở độ cao khoảng 5100m, gần tu viện Rombuk theo hướng phía Bắc vào lúc 10 giờ tối 20/5 (giờ địa phương) và tiến đến đỉnh vào đúng nửa đêm 21/5.
“Ở độ cao 7700m, tôi vẫn cảm thấy ổn. Tuy nhiên, những cơn đau bụng sau đó khiến tôi leo chậm dần. Cứ vài bước, tôi phải dừng nghỉ để qua cơn dịu đau”, anh nhớ lại. “Lên tới đỉnh Everest một mình, không có dây thừng không phải là công việc đơn giản. Tôi được chiêm ngưỡng cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp và chạm đỉnh vào nửa đêm”. Khu vực cách đỉnh khoảng 700m thường được gọi là "vùng chết" (Death Zone) bởi không khí loãng, lượng oxy ở dưới mức 35%, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Sau khi “check in” đỉnh Everest ở độ cao 8848m, Kilian Jornet liền quay trở xuống Advanced Base Camp (độ cao 6500m) vào lúc 10 giờ sáng ngày 22/5. Thời gian tổng cộng khoảng 36 giờ kể từ lúc anh xuất phát. Do cảm thấy sức khỏe không ổn nên Kilian Jornet hủy bỏ kế hoạch quay trở lại ngay Base Camp như dự định.
Đây là thành tích không tưởng của Kilian Jornet, khó ai có thể bì kịp với ultra runner nổi tiếng thế giới này. Một người có sức khỏe tốt với dây thừng và bình oxy hỗ trợ sẽ phải mất khoảng 4 ngày để chinh phục đỉnh Everest, ngọn núi thiêng của các ngọn núi.
Nóc nhà thế giới Everest được xem là chốn thiêng liêng, hấp dẫn rất nhiều kẻ có máu mạo hiểm, đam mê chinh phục thiên nhiên. Tuy nhiên, Everest đã chôn rất vùi rất bao người vì điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của nó. Cũng trong khoảng thời gian Kilian Jornet tiến hành thử thách, Everest cũng đón nhận tin buồn khi 4 người tử nạn chỉ trong vòng 1 tuần.
Đây không phải là lần đầu tiên Kilian Jornet, huyền thoại sống trong giới chạy ultra, leo Everest. Tháng 9 năm ngoái, Kilian Jornet từng thử chinh phục Everest nhưng không thành công dù thể trạng của anh rất tốt. Do thời tiết không thuận lợi nên kế hoạch đổ bể. Ở lần này, Kilian Jornet thay đổi thời gian leo vào mùa xuân thay vì mùa thu. Các nhà khí tượng thủy văn dự báo thời tiết trong ngày 20-21/5 thuận lợi. Chính vì thế, Kilian Jornet quyết định xuất phát từ tối 20/5.
Để chuẩn bị cho "thuần hóa" Everest lần thứ 2, Kilian Jornet đã dành 2 tuần ở trên núi Cho Oyu (độ cao 8200m) để làm quen với khí hậu: “Trong 4 tuần, chúng tôi leo lên 2 đỉnh 8000m và quá trình thích nghi thời tiết thuận lợi. Trước đó, chúng tôi tập luyện trong tình trạng thiếu oxy trong máu trong vài tuần. Chúng tôi di chuyển đến dãy Alps để tiếp tục tập thích nghi thời tiết. Sau một thời gian, chúng tôi cảm thấy khỏe hơn nhiều khi bước vào thử thách thực sự này”, Kilian Jornet tiết lộ.
Trước khi Kilian Jornet làm được kỳ tích có một không hai trên, một số kỷ lục khác được những người đi trước xác lập nhưng không ấn tượng bằng. Năm 1986, Jean Troillet và Erhard Loretan cũng xuất phát từ phía Bắc từ Base Camp phải mất 43 giờ để chinh phục Everest mà không sử dụng bình oxy và dây thừng. Năm 2004, Pembra Dorji chỉ mất 8 giờ 10 phút để leo lên đỉnh 8848m nhưng có sử dụng bình oxy và dây thừng.
Xem video Kilian Jornet trên đường lập kỷ lục leo đỉnh Everest:
Chinh phục đỉnh Everest trong thời gian ngắn nhất là kế hoạch nằm trong dự án “Summits of My Life” của Kilian Jornet. Anh có tham vọng lập kỷ lục leo lên và leo xuống các đỉnh núi nổi tiếng thế giới trong thời gian ngắn nhất. Trong 6 năm qua, VĐV người Tây Băn Nha này đã chinh phục thành công các đỉnh núi nổi tiếng thế giới như Mont Blanc, Cervino, Denali, Aconcagua, Matterhorn, McKinley.
Một số thành tích nổi bật của Kilian Jornet (1987), ngôi sao chạy bộ đường dài hàng đầu thế giới:
Vô địch giải chạy danh tiếng Ultra Trail du Mont Blanc (2008, 2009, 2011)
Vô địch và lập kỷ lục giải North Face 100, Blue Mountains, Australia (2011)
Vô địch Western States Endurance Run
2013: Lập KLTG leo lên, kết hợp leo lên và leo xuống đỉnh Kilimanjaro (5:23:50, 7:14:00)
Vô địch Hardrock 100 Mile Endurance Run (2014, 2015, 2016)
.