Khi các nhiếp ảnh gia mê chạy bộ

thứ năm 12-10-2017 22:40:43 +07:00 0 bình luận
Với niềm đam mê chụp ảnh và chạy bộ vô tư, không vụ lợi, họ đã và đang âm thầm truyền lửa, góp phần thúc đẩy phong trào chạy bộ ngày càng lớn mạnh ở Việt Nam.

Ở nhiều giải chạy trên thế giới, các VĐV muốn sở hữu ảnh đẹp trên đường chạy để làm kỉ niệm chỉ có cách mua ảnh từ nhà cung cấp chuyên chụp ảnh cho các giải.

Tại Việt Nam, ngoài tấm huy chương dành cho người hoàn thành thì những tấm ảnh đẹp miễn phí là động lực lớn để họ đăng ký tham gia các giải chạy. Đối với nhiều runner, một sự kiện chạy bộ sẽ không thể trọn vẹn nếu họ không có được những bức hình đẹp để có thể đem khoe với bạn bè, người thân. Ngay kể cả trong các sự kiện chạy bộ dù ở qui mô nhỏ, những bức ảnh để “sống ảo” luôn được các runner ngóng chờ nhất.

Tai nạn nghề nghiệp, nhịn đói vì sở thích chụp ảnh chạy bộ

Anh Phạm Quang Linh là một trong những NAG tay ngang có thâm niên trong việc chụp ảnh cho Hội những người thích chạy đường dài (LDR), hội chạy hiện có tới 1 vạn thành viên.

Cách đây 4 năm, LDR khi mới ra đời chỉ có “lèo tèo” vài chục người chung niềm yêu thích chạy bộ đường dài, anh đã vác máy ảnh đi chụp các buổi sinh hoạt chạy bộ cuối tuần của hội. Những bức ảnh chạy bộ "đẹp ngất ngây" do anh Linh chụp không những khiến các runner rất thích thú mà chúng còn gây cảm hứng đến những người vô tình xem.

 

NAG Phạm Quang Linh tại giải chạy Vietnam Mountain Marathon 2016
Runner Phạm Quang Linh tại giải chạy Vietnam Mountain Marathon 2016. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Trước đây, tôi chủ yếu chụp các giải dancesport ở Hà Nội. Lần đầu tiên, tôi tình cờ đi chụp cho các bạn LDR chạy bộ ở Công viên Thống Nhất nhân ngày nghỉ làm. Các bạn có ảnh ai nấy đều cảm thấy rất vui vẻ và như được khích lệ hơn”, anh Linh chia sẻ.

ảnh quoteCác NAG là toàn bộ chân lý chạy bộ. Không có họ thì còn ai ra đường chạy nữa. Tôi ấn tượng nhất với anh Cường không phải vì ảnh đẹp mà vì tinh thần cống hiến ảnh hơn cả runner - Chị Lê Thanh Phương (LDR).

Runner Lê Thanh Phương. Ảnh: Hà Huy Cường
Runner Lê Thanh Phương. Ảnh: Hà Huy Cường

anh quote

Tính đến nay, số sự kiện giải chạy bộ mà chuyên gia tư vấn giải pháp CNTT hiện đang làm việc tại Tp.HCM này chụp không thể đếm xuể. 

“Có lần, tôi tình cờ chụp được một cô gái người Sài Gòn rất dễ thương với dáng chạy đẹp, khỏe khoắn ở CV Thống Nhất (Hà Nội). Sau đó, mọi người bàn tán xôn xao rồi chia lịch chạy trong công viên để tìm lại bạn đó hòng kết nạp vào hội chạy. Đến bây giờ, cô gái ấy thậm chí đã chạy được 100km chinh phục đường núi Sa Pa. Một kỷ niệm thú vị trong thời gian tôi cầm máy”.

Là người chơi ảnh từ những năm 2000 song anh Cường chỉ thực sự chụp nhiều khi đến với chạy bộ cách đây 2 năm. Ra mắt cộng đồng chạy bộ bằng...1000 bức ảnh, anh Cường khiến các runner phải choáng váng về độ chịu chơi và sự nhiệt tình của mình trong lần đầu “khai máy” ở giải chạy Song Hong Half Marathon 2015. Anh hiện giữ kỉ lục là người đăng ảnh khỏe nhất hội chạy.

“Hồi đó, tôi chưa biết hết mặt mọi người nên gặp runner nào tôi cũng chụp. Cá nhân tôi ban đầu cũng không thích chạy đâu vì...chạy mệt lắm”, anh Cường nhớ lại.

“Mỗi runner có vẻ đẹp riêng và tôi yêu những vẻ đẹp ấy. Các giải chạy trail xuyên đêm có sự gian khổ vất vả, việc di chuyển nguy hiểm nhưng bù lại thì cảnh thiên nhiên rất đẹp. Các giải chạy road, việc di chuyển dễ dàng nhưng để có ảnh đẹp thì phải tìm được góc đẹp và bỏ qua những thứ không cần thiết”.

Trong những lần đi chụp, sự cố trong lúc tác nghiệp không thể tránh khỏi. Đôi lúc, anh Cường suýt phải trả giá đắt. Ở giải chạy Tam Dao Mountain Trail (TMT) hồi tháng 5, anh bị đổ xe (xe cào cào mượn của nhà văn chạy bộ Trang Hạ) trong khi di chuyển qua một con suối. Điều đáng sợ nhất là ống kính máy ảnh rơi xuống nước, điện thoại cũng bị ướt. Sau khi phản ứng nhanh để cứu đồ nghề thì đến lượt chiếc xe không chịu nổ máy.

 

NAG kiêm runner Hà Huy Cường. Ảnh: Phạm Phương
NAG kiêm runner Hà Huy Cường. Ảnh: Phạm Phương

 

“Đạp cần khởi động cả nghìn cái mà xe máy cứ trơ ra. Tôi chờ đội cứu hộ của BTC cả tiếng đồng hồ không được. Phải dắt xe trong điều kiện nắng nóng và thiếu nước mới thông cảm cho các VĐV đang phải chạy trên đường”.

Hi sinh và lăn xả để “săn nghệ thuật" đến mức thiệt hại vật chất, hư hỏng đồ nghề là vậy nhưng các NAG như anh Cường hầu như đều chụp tình nguyện và miễn phí. “Tôi mới chụp một lần duy nhất có tính phí ở giải chạy Hạ Long năm 2016. Tiền công chỉ vừa đủ thuê máy móc thật tốt để chụp. Nếu tính chi phí đi lại nữa thì là lỗ. Thực ra, chúng tôi chẳng tính toán gì, nếu BTC giải không thuê thì tôi vẫn xuống chụp cho bạn bè và mọi người”.

 

''Tôi thường nói với người mới chạy ‘cứ chạy đi, rồi quay lại đây mình sẽ chỉ cho bạn những điều thú vị’”. Ảnh: Phạm Phương
"Tôi thường nói với người mới chạy ‘cứ chạy đi, rồi quay lại đây mình sẽ chỉ cho bạn những điều thú vị’”. Ảnh: Phạm Phương

“Tôi chụp miễn phí thôi chứ không ai trả tiền cho tôi cả, chủ yếu chụp cho anh em quen biết trong các hội Trio69, LDR và một số nhóm khác. Càng ngày càng nhiều người muốn tôi chụp. Áp lực ngày càng lớn bởi số lượng ảnh sau mỗi giải chụp làm không xuể trong một vài đêm. Muốn ảnh đẹp thì phải xử lý từng tấm một”, NAG Đỗ Văn Xuân giãi bày.

Anh Xuân vốn là người chơi xe đạp lâu năm và tham gia sinh hoạt ở CLB xe đạp TDF và sau này là Trio69 (cả 3 môn đạp xe, chạy và bơi lội). Anh đã chụp ảnh ở rất nhiều giải đua xe đạp trước khi bén duyên với chạy bộ.

 

NAG Đỗ Văn Xuân (Xuân Đỗ, trái) tại giải chạy Song Hong Half Marathon 2016
NAG Đỗ Văn Xuân (Xuân Đỗ, trái) tại giải chạy Song Hong Half Marathon 2016

Ở giải Ironman 70.3 Vietnam diễn ra hồi tháng 5, anh Xuân tự bỏ tiền bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng, thuê xe ôm bám theo các VĐV đua xe đạp để tác nghiệp. Trong ngày thi đấu, anh ở lì ngoài đường từ 5 giờ sáng cho đến tận 3 giờ chiều, mải mê chụp cho các triathlete đến nỗi quên cả ăn vì sợ để lỡ những khoảnh khắc quí giá.

“Lần đầu tiên chụp mọi người chạy bộ, do chưa có khái niệm nên tôi thấy ngạc nhiên với không khí như một ngày hội. Rồi hình ảnh mọi người xuất phát, những bước chân cố gắng ở những km cuối cùng, những nụ cười...Tôi chợt nhận ra là có rất nhiều cảm xúc ở những người chạy bộ. Quan trọng là họ không chạy quá nhanh nên chụp cũng dễ hơn là món xe đạp. Qua ống kính máy ảnh, tôi được chứng kiến bao nhiêu nhân vật đều cố gắng hoàn thành mục tiêu vượt lên chính mình”, anh Xuân cho biết.

 

NAG Xuân Đỗ và PV Webthethao đang tác nghiệp tại vạch đích giải Ironman 70.3 Vietnam 2016
NAG Xuân Đỗ và PV Webthethao đang tác nghiệp tại vạch đích giải Ironman 70.3 Vietnam 2016 ở Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đạt

 

Gác máy ảnh để...chạy bộ

Sau một thời gian dài nhận được nguồn năng lượng tích cực từ các runner, chính các NAG cũng dần bị “lây” sở thích chạy bộ và muốn được thử sức mình ở các giải chạy. Số ảnh chụp dần ít đi đồng thời số km chạy bộ ngày một tăng lên.   

“Sau giải Song Hong Half Marathon 2016, tôi đã thực sự muốn được chạy như mọi người. Tôi bị tò mò với cái cảm xúc là mình chạy thì sẽ ra sao nhỉ? Sau khi xỏ giầy chạy thử vài buổi thì tôi phát hiện ra chạy bộ giảm stress, giảm mỡ bụng, tăng sức bền và tốt cho tim mạch”, anh Xuân cho biết.

 

NAG Xuân Đỗ và PV Webthethao tại giải VMM 2017
NAG Xuân Đỗ (áo vàng) trên đường chạy với tư cách runner tại giải VMM 2017

Từ một người chẳng hề chạy bộ bao giờ, runner U60 này giờ đây có thể chạy bộ 10km mà không ngại gì. Tại giải Vietnam Mountain Marathon 2017, anh Xuân quyết định không mang máy ảnh theo nữa để tập trung chinh phục 21km đường núi ở Sa Pa. Tuy vậy, anh vẫn thèm được hoàn thành cự ly half marathon đường bằng.

“Rào cản lớn nhất của tôi là khớp gối ở tuổi U60 rồi nên không thể chạy được nhiều. Nhưng có lẽ, tôi vẫn mơ ước chạy một giải half marathon nào đó vào thời điểm thuận lợi bởi vì sau một thời gian chạy bộ tôi cảm thấy rất thèm chạy. Thế nên, mọi người thỉnh thoảng thấy tôi chạy từ nhà lên cơ quan với quãng đường 8,5km vào buổi sáng”.

 

NAG Phạm Quang Linh sau một thời gian chạy bộ đã giảm được 20kg
NAG Phạm Quang Linh sau một thời gian chạy bộ đã giảm được 20kg

Trái với anh Xuân, anh Linh phải đợi đến khi cơ thể mình béo đến mức không thể ngủ nổi ở tư thế nằm ngửa được thì mới bắt đầu chạy bộ và thay đổi chế độ ăn uống. Nhờ quá trình tập chạy đều đặn, anh đã giảm được tới 20kg. Cơ thể thon gọn, sức khỏe tốt hơn trước và hầu như không bị ốm vặt nữa. “Tôi chỉ mong không bị chấn thương càng lâu càng tốt để có thể chạy. Sắp tới, tôi sẽ tham gia giải Hochiminh City International Marathon ở cự ly 21km”.

Không được như 2 “đồng nghiệp”, anh Cường vẫn chưa tham gia một giải chạy chính thức nào dù anh đã chạy bộ được một thời gian khá dài. Đây có lẽ lại là điều khiến nhiều runner vui nhất bởi họ sẽ không mất thêm 1 NAG nhiệt tình, xông xáo ở các sự kiện chạy bộ.

 

Khi NAG kiêm runner ở trong tầm ngắm của máy ảnh
Khi NAG kiêm runner ở trong tầm ngắm của máy ảnh

 

Tuy không xỏ giày chạy trong các cuộc đua nhưng anh Cường tham gia khá sâu trong các hoạt động chạy bộ cộng đồng, điều phối thử thách chạy bộ online, các sự kiện sinh hoạt hàng tháng của CLB chạy SVCLB (quận Long Biên) và gần đây nhất sẽ là giải chạy Longbien Marathon 2017 diễn ra vào cuối tháng này.

“Với tôi, NAG là một nghệ sĩ. Danh hiệu đó quá lớn để có thể nhận vào với bản thân. Đơn giản, tôi là người thích những khoảnh khắc và muốn lưu giữ lại những giây phút đó mà thôi. Tôi thường nói với người mới chạy ‘cứ chạy đi, rồi quay lại đây mình sẽ chỉ cho bạn những điều thú vị’”.

Những điều thú vị hẳn trong đó không thể thiếu được những bức ảnh của anh Cường, anh Linh, anh Xuân và nhiều NAG khác. Với niềm đam mê chụp ảnh và chạy bộ vô tư, không vụ lợi, họ đã và đang âm thầm truyền lửa, góp phần thúc đẩy phong trào chạy bộ ngày càng lớn mạnh ở Việt Nam.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm