“Hiện tượng marathon” Đoàn Ngọc Hải: Mất tiền có thể làm lại được, mất sức khỏe là hết

Khang Vinh
thứ tư 3-3-2021 10:17:53 +07:00 0 bình luận
Ông Đoàn Ngọc Hải, một trong những người chạy marathon kết hợp lái xe cứu thương đi làm từ thiện nhiều nhất năm 2020, trải lòng về hành trình đặc biệt của mình năm qua…

2020 là một năm đặc biệt với cá nhân ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên phó chủ tịch UBND quận 1 TP.HCM, khi ông rong ruổi trên khắp mọi miền đất nước cùng với chiếc xe cứu thương để chở bệnh nhân, hài cốt liệt sĩ, làm từ thiện và kết hợp chạy marathon.

Ở tuổi 52, ông Hải không chỉ thể hiện sự dẻo dai đáng nể khi chạy tới 12 giải marathon (42,195km), trong đó có tới 8 giải liền nhau tính từ tháng 10 khi vừa lái xe cứu thương đi chạy và làm từ thiện. Bước sang năm 2021, ông Đoàn Ngọc Hải chia sẻ với webthethao.vn về chạy bộ và những dự định lớn hơn nữa của mình.

Webthethao: Xin chào ông, việc vừa lái xe cứu thương đi dọc đất nước để chạy marathon rồi sau đó đi làm từ thiện đã được ông lên ý tưởng và thực hiện như thế nào?

Ông Đoàn Ngọc Hải: Cuối tháng 8 năm ngoái thì tôi nhận chiếc xe cứu thương. Chính xác thì bắt đầu từ 28/8/2020 bắt đầu hành nghề lái xe cứu thương. Trước đó thì đã chạy 5 giải marathon rồi nên thể lực cũng được nâng cao. Vậy là tôi quyết định rong ruổi cùng chiếc xe này và đi chạy marathon.

- Chạy bộ đã thay đổi ông và những thứ xung quanh như thế nào?

Chạy bộ đã thật sự mang lại một thể lực dẻo dai, tinh thần hưng phấn và có nhiều suy nghĩ tích cực trong cuộc sống hàng ngày cho tôi. Mỗi buổi sáng, tôi thường tập chạy nhẹ nhàng từ 5-10km, mỗi tuần nghỉ tập một ngày, vào giải thì sẽ tăng khối lượng và cường độ 15-20-32km, mỗi tuần một giải thì không tập nặng nữa, chỉ nhẹ nhàng 3-5km mỗi buổi sáng.

- Có thời điểm ông chạy 7 giải marathon liên tiếp trong 7 tuần, điều đó có tác động thế nào đến sức khỏe của ông?

3 giải đầu chưa quen lắm thì cũng khá mệt. Nhưng 4 giải sau thì cơ thể đã bắt nhịp hơn nên cũng dễ dàng hơn. Do ảnh hưởng bởi COVID-19 nên giải hai giải ở TPHCM và Ninh Bình bị hoãn. Thật đáng tiếc, nếu không số giải mà tôi có thể chạy trong cuối năm sẽ lên tới 10 giải trong 10 tuần.

- Nghe nói tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã liên hệ để làm hồ sơ công nhận một kỷ lục của ông. Cụ thể về vấn đề này thế nào thưa ông?

Hiện mới giai đoạn nộp hồ sơ, nhưng người đại diện bên tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng sơ bộ xác nhận chưa có ai lái xe cứu thương đi chạy giải marathon nhiều như vậy cả (không đi máy bay). Mọi việc vẫn đang được tiến hành tiếp.

- Vậy kỷ niệm đáng nhớ nhất về chạy marathon trong 2020 của ông là gì?

Có rất nhiều kỷ niệm nhưng có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất là trong lúc đang chạy giải Huế, tôi đang trên đường về đích thì bị một chú rể và một nhóm người trong đám cưới ở khu vực xã Kim Long chặn lại xin chụp hình kỷ niệm. Tôi không thể từ chối nên đã dừng lại chung vui với các bạn một chut. Rất may là sau đó tôi  vẫn phá được kỷ lục của bản thân là 4giờ 43 phút so với giải Hạ Long là 4giờ 56 phút.

- Sau năm 2020, kế hoạch của ông về chạy marathon, làm từ thiện và những ý tưởng khác thế nào ạ?

Nếu sức khỏe vẫn cho phép và các vấn đề khác không trục trặc gì thì tôi sẽ dự nhiều giải 42km hơn nữa trong năm 2021, có thể lên đến 20 giải. Bên cạnh đó, tôi sẽ thực hiện nhiều chuyến xe chở hài cốt liệt sĩ , chở bệnh nhân, chở sữa và quần áo cho người nghèo hơn nữa.

- Thông điệp ông muốn gửi đến những người chưa chạy bộ hoặc còn chưa biết cách bắt đầu là gì?

Tôi rất mong lớp trẻ hãy hạn chế bia rượu và thuốc lá để đến với các môn thể thao. Điều này sẽ hạn chế bệnh tật, tai nạn giao thông, gia đình hạnh phúc và giúp đất nước phát triển hơn. Con số chưa đến 2 ngàn vận động viên chạy cự ly 42km dưới 7 tiếng là rất ít so với Nhật và Hàn Quốc. Tỉ lệ này của các nước phát triển là 1% dân số trở lên.

Với những người ở độ tuổi ngoài 50 như tôi thì cũng không có lời khuyên gì cụ thể bởi có khi họ còn giỏi hơn tôi nhiều. Chỉ biết, từ lúc nghiện marathon, tôi đã bỏ đánh golf, quần vợt, bơi lội và đặc biệt môn bóng đá mà tôi rất thích cũng bỏ luôn.

Còn đối với các bạn trẻ, tôi có lời khuyên thế này: mất tiền các bạn có làm lại được, nhưng nếu để mất sức khỏe là các bạn sẽ mất hết.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Ông Đoàn Ngọc Hải vừa quyết định thành lập quỹ từ thiện mang tên “Vì Đồng Bào” và số tiền ban đầu ông đóng góp cho quỹ là 3 tỷ đồng. Ông cam kết tài khoản từ thiện này chỉ được tiếp nhận tiền quyên góp mà không được phép rút ra. Tiền quyên góp được ông Hải đảm bảo được chia và phân bổ cho nhiều địa phương, cá nhân cần hỗ trợ với mục đích: mổ tim cứu sống cho các bệnh nhi dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; mua sữa, thịt và bánh mì bồi bổ cho các cháu bé nghèo; xây nhà tình thương cho đồng bào nghèo và khuyến học, giúp trẻ em nghèo vùng cao, vùng sâu, vùng xa và hải đảo được đến trường học tập…

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm