Giải chạy bán marathon Hà Giang mở rộng lần thứ Nhất đã kết thúc thành công ngoài mong đợi. Vẻ đẹp của Hà Giang, của đường chạy “Cung đường hạnh phúc” để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí các VĐV.
Chính vì bị “mê hoặc” bởi công viên địa chất toàn cầu, cao nguyên đá Đồng Văn nên dù chủ nhà không có kinh nghiệm tổ chức, đường đi khó khăn song số người đến với Hà Giang vượt quá mong đợi. Nhiều VĐV không chỉ đi chạy một mình mà còn kéo theo gia đình hay bạn bè để cùng nhau khám phá Hà Giang. Đây là cơ sở để Hà Giang có thể thúc đẩy du lịch tỉnh nhà phát triển dựa vào các giải thể thao thay vì các phương pháp tiếp cận truyền thống như lễ hội hay sản phẩm du lịch.
Trao đổi với Webthethao.vn, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Trưởng BTC giải cho biết: “Tôi rất bất ngờ, không nghĩ được số lượng VĐV phong trào lại tham gia đông đảo như vậy. Họ đã vượt quãng đường dài từ Hà Nội lên đây gần 500km. Chúng tôi cảm ơn các VĐV chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp đã góp phần thúc đẩy các hoạt động thể thao ở Hà Giang. Giải chạy diễn ra thành công. Tỉnh Hà Giang có kế hoạch tổ chức giải chạy hàng năm”.
Theo ông Trần Đức Quý, Hà Giang cần thay đổi cách làm, huy động xã hội hóa tốt hơn, cộng đồng địa phương cần phải nhận được lợi ích mà giải chạy mang lại nếu muốn phát triển du lịch bền vững. “Hà Giang có lợi thế du lịch trải nghiệm nhờ cao nguyên đá Đồng Văn. Hoạt động thể thao như giải chạy bán marathon này cũng là thúc đẩy du lịch trải nghiệm. Hà Giang có nhiều cung đường rất đẹp để trải nghiệm như đường chạy từ Đồng Văn sang Mèo Vạc, từ khu di tích nhà Vương (Sà Phìn) đến cột cờ Lũng Cú”, ông nói.
Video phỏng vấn ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Trưởng BTC giải chạy:
Hà Giang nhận lại được gì sau giải chạy cũng là trăn trở của những người yêu chạy bộ, yêu thiên nhiên và vùng đất địa đầu Hà Giang. VĐV Mai Văn Hoàng có lẽ là một trong những người nhiệt tình, háo hức nhất giải chạy Hà Giang Half Marathon 2017.
Anh bay từ Nhật Bản về Tp.HCM, rồi bay tiếp ra Hà Nội sau đó bắt xe ô tô lên Hà Giang. Chuyến đi dài vất vả, chi phí bỏ ra khá lớn song đối với anh, trải nghiệm khám phá vẻ đẹp của Hà Giang quan trọng hơn số tiền hỗ trợ mà BTC định dành cho VĐV hoàn thành cự ly.
Theo anh Hoàng, nếu những giải chạy tiếp theo được tổ chức tốt, các nhà tài trợ sẽ tìm đến. “VĐV tham gia giải chạy phải đóng phí. Việc cung cấp tiền hỗ trợ dành cho người hoàn thành là một cách lôi cuốn VĐV nhưng tôi nghĩ không nên làm như vậy bởi người ta thích chạy chứ không phải vì khoản tiền đó”.
Với kinh nghiệm chạy giải ở các nước có phong trào chạy bộ phát triển như Mỹ, Nhật, anh Mai Văn Hoàng cũng đưa ra gợi ý: “Con đường đi lên Hà Giang vất vả nhưng cảnh đẹp hai bên rất đẹp khiến tôi cảm thấy bớt nhọc nhằn. Nếu chúng ta khai thác được các điểm du lịch dọc đường, tạo ra các điểm tham quan trong khoảng thời gian ngắn, ví dụ trong vòng 1 giờ đồng hồ, thì sẽ hấp dẫn được khách phương xa. Nhờ giải chạy này, tôi mới tìm hiểu về Hà Giang. Trong tương lai, tôi muốn mời khách du lịch Nhật về đây do tôi đã từng làm trong lĩnh vực du lịch”.
Video phỏng vấn VĐV Mai Văn Hoàng:
Ảnh bìa: Hà Huy Cường