Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có VĐV nào đạt chuẩn tham dự Olympic Tokyo 2020. Nguy cơ trắng suất dự Thế vận hội ở Nhật Bản mùa hè là rất cao khi gần như không còn giải đấu giành chuẩn nào trước Olympic được tổ chức vì đại dịch toàn cầu Covid-19.
Cách đây 4 năm, điền kinh Việt Nam có hai VĐV giành chuẩn dự Olympic ở 3 nội dung là Nguyễn Thành Ngưng (20km đi bộ nam) và Nguyễn Thị Huyền (chạy 400m nữ và 400m rào). Mặc dù Thành Ngưng chỉ xếp hạng 60 với thời gian 1:30:01 còn Nguyễn Thị Huyền đều không vượt qua vòng loại với các thông số 52 giây 97 (400m) và 57 giây 87 (400m rào)… nhưng ít ra điền kinh Việt Nam vẫn có tên trong danh sách các quốc gia tham dự Olympic Rio 2016 tại Brazil.
Nguyễn Thị Huyền mới trở lại thi đấu sau hơn một năm sinh con, giành 2 HCV SEA Games 30
Hiện tại, Việt Nam hoàn toàn vắng bóng trong danh sách bộ môn điền kinh tham dự Olympic Tokyo 2020 khi chưa có VĐV nào giành suất. Quy định mới về chuẩn dự Thế vận hội lần này đã tăng đột biến khiến các nhà chuyên môn cũng phải… lè lưỡi.
Xét về khả năng những nội dung có các VĐV có thể “mon men” gần chuẩn Olympic thì hiện cũng chỉ có 5. Đầu tiên phải kể đến nội dung có hy vọng nhất là 4x400m hỗn hợp nam nữ lần đầu có mặt tại Thế vận hội. Đội chạy gồm nhà vô địch châu Á Quách Thị Lan, các đàn em Nguyễn Thị Hằng, Trần Nhật Hoàng và Trần Đình Sơn mới đây đã thiết lập kỳ tích giành huy chương vàng đầu tiên ở nội dung trên tại SEA Games 30 tại Philippines năm ngoái với thành tích 3:19.50.
Theo quy định, nội dung 4x400m hỗn hợp nam nữ sẽ có 16 đội tham dự. Xét về thông số trên thì đội Việt Nam hiện đang ở nhóm có thứ hạng từ 17-20 và nếu rút ngắn thành tích xuống tầm 3 phút 17 thì cơ hội cạnh tranh là vẫn có.
Đội chạy 4x400m hỗn hợp nam nữ giành HCV SEA Games 30 hướng tới giành suất dự Olympic Tokyo 2020
HLV Nguyễn Thị Bắc, người đang cùng chuyên gia ngoại Vladimir Simeonov dẫn dắt tổ chạy 400m trên cho biết: “Chúng tôi đầu tư cho nội dung này trong việc giành vé dự Olympic 2020. Hiện các VĐV đang tích cực tập luyện. Xét trong nhóm có khả năng cạnh tranh thì nếu Việt Nam thi đấu tốt, có thể ăn 2/3 đội đang ở gần trên nhất là Nhật Bản, Trung Quốc hay Ấn Độ…”
Ở những nội dung khác, Nguyễn Thị Oanh cũng được đầu tư trọng điểm cho suất dự Olympic cho cự ly 3000m chướng ngại vật sở trường. Oanh đang nắm giữ kỷ lục SEA Games với thành tích 10 phút 00 giây 02 tại Philippines vừa qua. Đây vẫn chưa phải thành tích tốt nhất của cô gái Bắc Giang khi 2 năm trước Oanh từng đoạt huy chương đồng ASIAD 2018 ở Indonesia với thành tích 9:43.83. Tuy nhiên, xét về chuẩn mới mà Olympic công bố thì 9:30.00 quả là một con số không dễ vượt qua.
Nguyễn Thị Oanh phá kỷ lục SEA Games 3000m chướng ngại vật nữ
Nội dung 100m mà Lê Tú Chinh hiện là VĐV duy nhất có khả năng ra quân lấy chuẩn cũng cực kỳ khó khăn. Với chuẩn 11 giây 15 thì “Nữ hoàng tốc độ Việt Nam” phải làm tốt hơn ở SEA Games 30 vừa qua rất nhiều khi lúc đó Tú Chinh đánh bại VĐV Mỹ nhập tịch Philippines Kristina Knott với thành tích 11 giây 54.
44 giây 90 là chuẩn cự ly 400m nam mà hiện tài năng trẻ 20 tuổi Trần Nhật Hoàng vẫn đang phải phấn đấu rất nhiều mới có thể chạm tay tới. Thành tích 46 giây 56 giúp “hot boy điền kinh Khánh Hòa” giành được huy chương vàng tại SEA Games 30 vừa qua vẫn còn quá xa vời.
Lê Tú Chinh giành HCV 100m nữ SEA Games 30 nhưng còn cách chuẩn Olympic 2020 rất xa
Những nội dung có kỳ vọng như 400m hay 400m rào nữ mà Nguyễn Thị Huyền từng giành suất dự Olympic Rio 2016 cũng khó lặp lại khi Huyền mới trở lại sinh con sau hơn 1 năm nghỉ thi đấu. Cho dù vượt qua nhà vô địch châu Á Quách Thị Lan ở SEA Games 30 ở hai nội dung trên thì chuẩn mới 51 giây 35 (400m nữ) và 55 giây 40 (400m rào nữ) cũng là rất khó cho các nữ VĐV Việt Nam.
Không chỉ gặp khó về chuẩn mới từ Ủy ban Olympic, việc hàng loạt các giải có khả năng lấy chuẩn dự Thế vận hội trong vài tháng tới đều đã bị hủy vì dịch cúm virus corona. Ngay cả Olympic Tokyo 2020 cũng có tin đồn bị lùi xuống tận năm 2022 vì sự bùng phát dữ dội của dịch cúm virus nguy hiểm này.
Tài năng trẻ mới nổi Trần Nhật Hoàng sau kỳ tích 3 HCV SEA Games 30
Ông Dương Đức Thủy - Trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục Thể dục thể thao cho biết: “Cửa lấy chuẩn Olympic với điền kinh Việt Nam lúc này khá hẹp vì các nước hạn chế tổ chức giải do dịch cúm virus. Nếu không đạt chuẩn thì lại chờ đợi suất đặc cách.
Ngoài những nội dung như: marathon, 7 môn và 10 môn phối hợp hay 3000m chướng ngại vật không có suất đặc cách… thì việc xét suất đặc cách sẽ phải xem xét kỹ vì các VĐV đó phải là người đại diện cho điền kinh Việt Nam về cả thành tích và tư cách. Sẽ có một nam VĐV và một nữ VĐV nhận được suất đặc cách”.