Điền kinh Việt Nam “làm lại từ đầu”, nhọc nhằn tìm kiếm vé dự Olympic

Thanh Mai
thứ sáu 17-4-2020 4:19:33 +07:00 0 bình luận
Olympic bị lùi sang năm 2021, các giải đấu lớn trong năm 2020 bị hoãn, hủy vì COVID-19, cộng với cách tính thời điểm lấy chuẩn mới của IAAF… điền kinh Việt Nam chưa bao giờ gặp khó đến thế trên đường kiếm suất dự Thế vận hội.

Vào thời điểm hiện tại, có thể khẳng định không có VĐV điền kinh Việt Nam đạt chuẩn dự Olympic 2021 trong năm 2020 khi có quá nhiều thay đổi trong lịch trình tổ chức các giải đấu và cách tính điểm mới của Liên đoàn Điền kinh Thế giới (IAAF).

Năm 2020 “đóng băng” suất dự Olympic với điền kinh

Ở thời điểm hiện tại, khi dịch COVID-19 đang lan tràn trên thế giới, ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống thì các sự kiện thể thao lớn, nhỏ đều đã bị thay đổi lịch trình. Giải duy nhất có thể trông chờ kiếm suất dự Olympic là Giải điền kinh vô địch châu Á dự kiến diễn ra vào tháng 6/2020 tại Trung Quốc đã bị hủy vì dịch COVID-19.

Chưa kể, mới đây IAAF đã đưa ra lịch trình mới về cách tính chuẩn dự Olympic Tokyo 2021 khi tất cả thành tích của các giải từ 6/4 đến 30/11/2020 sẽ không được công nhận để xét chuẩn dự Thế vận hội. Khi các giải đấu trở lại bình thường, thành tích từ 1/12 đến 29/6/2021 sẽ được xem xét chuẩn dự Olympic.

Đặc biệt, thành tích trước đó ở trong năm 2019 cũng bị “đóng băng” khi IAAF chỉ công nhận thành tính chuẩn dự Olympic Tokyo 2021 cho các VĐV giành được trong khoảng thời gian từ 1/1 đến 5/4/2020. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam cho biết cách tính mới của IAAF cũng tạo cơ hội cho các VĐV Việt Nam có thời gian để chuẩn bị thêm.

“Rất may” là trước đó chưa có VĐV điền kinh nào đạt chuẩn dự Olympic Tokyo trong năm 2019 nên cách tính trên cũng không ảnh hưởng gì đến kế hoạch.

Điền kinh Việt Nam “làm lại từ đầu”, nhọc nhằn tìm kiếm vé dự Olympic

VĐV Nguyễn Thị Huyền (phải) và Quách Thị Lan cạnh tranh nhau quyết liệt tại SEA Games 30 ở các nội dung 400m và 400m rào

Khó khăn vẫn chồng chất

Mặc dù có thêm thời gian để chuẩn bị nhưng coi như năm 2020 đối với các VĐV điền kinh là thời điểm “giáp hạt nhất” về động lực thi đấu. Không có giải quốc tế, giải quốc nội cũng hoãn/hủy gần hết trong quý 2 của năm vì dịch COVID-19. Thậm chí, một số VĐV tiềm năng hay có ưu thế về mặt hình ảnh thời gian qua cũng lỡ kế hoạch được ra nước ngoài tham dự các giải đấu lớn nhờ tài trợ như: Nguyễn Thị Oanh (dự kiến dự London Marathon) hay Phạm Thị Hồng Lệ (dự Boston Marathon 2020).

Bên cạnh đó, xét về những nội dung và cá nhân có khả năng đoạt chuẩn dự Olympic Tokyo 2021 của điền kinh Việt Nam cũng không mấy khả quan. Thế vận hội mùa hè tại Nhật Bản thay đổi chuẩn dự khi nâng thành tích lên khá cao so với các kỳ trước, đã khiến không chỉ VĐV Việt Nam mà ngay cả các nước mạnh ở Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Malaysia… cũng chưa có VĐV giành suất dự Olympic năm tới.

Ở thời điểm sau SEA Games 30, điền kinh Việt Nam tràn đầy hy vọng khi xuất hiện những nội dung hay cá nhân xuất sắc khi giúp Việt Nam hai kỳ liên tiếp giành ngôi nhất toàn đoàn ở môn điền kinh. Tuy nhiên, dù có dàn VĐV tiềm năng như: tài năng trẻ lần đầu dự SEA Games 30 Trần Nhật Hoàng (3 HCV), sự trở lại mạnh mẽ của “mẹ bỉm sữa” Nguyễn Thị Huyền sau một năm sinh con (giành HCV 400m và 400m rào - những nội dung cũng từng giúp Huyền giành suất dự Olympic Rio 2016 ở Brazil); hay sự xuất hiện đáng chú ý của tấm HCV lịch sử nội dung 4x400m tiếp sức hỗn hợp nam nữ… thì cũng chưa chắc đảm bảo điền kinh có vé dự Olympic Tokyo mùa hè năm sau.

Điền kinh Việt Nam “làm lại từ đầu”, nhọc nhằn tìm kiếm vé dự Olympic

Nguyễn Thị Huyền từng đoạt chuẩn chính thức Olympic Rio 2016 nội dung 400m và 400m rào

Thực tế và sự lạc quan cho tương lai

Thẳng thắn nhìn vào thực tế để chọn ra những nội dung có khả năng đoạt vé dự Olympic thì hiện nay có: 400m, 400m rào của Nguyễn Thị Huyền, 4x400m tiếp sức hỗn hợp nam nữ mà Quách Thị Lan, Trần Nhật Hoàng, Nguyễn Thị Hằng và Trần Đình Sơn đã đạt được tại SEA Games 30.

4 năm trước, Nguyễn Thị Huyền đến Olympic Rio 2016 với suất dự nội dung 400m và 400m rào. Tuy nhiên, dù đã trở lại ấn tượng sau thời gian sinh con thì thành tích của cô gái Nam Định này vẫn cần được cải thiện rất nhiều mới chạm đến chuẩn mới.

Ở SEA Games 30, Huyền giành HCV 400m với thời gian 52 giây 80, vẫn còn kém chuẩn A Olympic tới gần 2 giây. Trong khi đó, HCV 400m rào với thành tích 56 giây 90 vẫn khiến Huyền phải nỗ lực hơn bởi chuẩn đang là 55”’40. Ngay cả nhà vô địch ASIAD 2018 Quách Thị Lan cũng cần cải thiện thành tích rất nhiều dù ở Giải vô địch Điền kinh châu Á 2019 cô đạt thành tích 56 giây 10, còn kém chuẩn A 0,70 giây.

Điền kinh Việt Nam “làm lại từ đầu”, nhọc nhằn tìm kiếm vé dự Olympic

Đội 4x400m tiếp sức hỗn hợp nam nữ của Việt Nam giành HCV SEA Games 30

Ở nội dung 4x400m tiếp sức hỗn hợp nam nữ, đội Việt Nam xác lập kỷ lục Đông Nam Á mới (nội dung lần đầu đưa vào SEA Games) với thành tích 3 phút 19 giây 50. Đội Việt Nam hiện xếp thứ 17 thế giới với nội dung này, trong khi Olympic sẽ chọn 16 đội (thành tích trên kém gần 1 giây so với đội xếp thứ 16).

Mọi thứ vẫn còn ở phía trước đối với điền kinh Việt Nam khi lịch trình giải thay đổi, cách tính thời điểm lấy chuẩn dự Olympic mới của IAAF tạo cơ hội cho các VĐV nỗ lực chuẩn bị. Và nếu trong trường hợp xấu nhất là “không đi được bằng cửa chính, thì đi bằng cửa phụ là vé đặc cách” - như cách Trưởng bộ môn Điền kinh Tổng cục Thể dục Thể thao Dương Đức Thủy từng đề cập, thì điền kinh sẽ xét chọn 2 suất dự Olympic Tokyo trong năm sau.

Trong 2 kỳ Olympic gần đây, điền kinh Việt Nam có các suất dự Olympic sau:

Olympic Rio 2016 Brazil: Nguyễn Thị Huyền (400m, 400 m rào nữ); Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ nam).
Olympic London 2012 Anh quốc: Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ nữ), Dương Thị Việt Anh (nhảy cao nữ).

Nếu không có suất chính thức, Việt Nam có 2 vé đặc cách. Tổng cục Thể thao Thể thao sẽ quyết định chọn VĐV tham dự.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm