Cũng giống những chân chạy khác trên toàn thế giới, người yêu chạy bộ tại Mỹ cũng rất hay chọn những ngày mang dấu mốc nào đó để chạy. Nếu ở Việt Nam, rất nhiều người đã chạy 29km để chào mừng Ngày Quốc khánh 2/9… thì ở Mỹ, những ngày kiểu như 11/9 hay Tết dương lịch cũng rất hay được chọn để “chạy chào mừng”.
Hôm nay, cộng đồng yêu chạy bộ trên khắp nước Mỹ đã và đang tổ chức hoặc thực hiện những hoạt động để nhớ về ngày 11/9. Tại Mỹ, cách viết ngày tháng khác biệt với Việt Nam nên ngày 11/9 sẽ được viết là 9/11 (September 11th). Chính vì vậy, nhiều nhóm sẽ thực hiện chạy 9.11 dặm (Mỹ sử dụng đơn vị tính dặm, chứ không phải km như ở Việt Nam) trong ngày này. Nhóm chạy PNW Ladies Running Group tại Seattle sẽ tổ chức chạy 9.11 dặm (khoảng 14,5km) vào 9 giờ sáng ngày 11/9 để nhớ về sự kiện 19 năm trước.
Còn anh cảnh sát Bryan Skipworth tại New York thì có cách kỷ niệm ngày này rất đặc biệt. Kể từ sau ngày đen tối cướp đi sinh mạng của gần 3000 người đó, Bryan đều đặn hàng năm đều chạy trong ngày này để tưởng nhớ những người bạn của mình đã thiệt mạng trong vụ khủng bố đó.
18 năm qua, cứ vào 11/9 là Bryan Skipworth lại chạy trên các con phố ở New York với một lá quốc kỳ trên vai. Năm nay, anh dự định chạy khoảng 3 dặm (khoảng gần 5km) từ Fort Monroe đến Trung tâm y tế Hampton VA Medical Center. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên sự kiện không được mở rộng mà chỉ có mình Bryan Skipworth chạy.
Còn tại Summerville, Nam Carolina, ông David Moore (54 tuổi), một cựu lính cứu hỏa, quyết định thực hiện một hành trình chạy đặc biệt để quyên góp tiền cho quỹ 11/9. Ông dự định sẽ chạy 100 dặm (160km) để nhớ về ngày đặc biệt này.
Sau ba chục năm làm lính cứu hỏa, Moore cảm thấy rất mỏi mệt khi mặc bệnh béo phì. Ông đến với chạy bộ để giảm cân, tìm lại sức khỏe và cả làm gương cho hai cậu con trai Carson và Conner. 8 năm trước, Moore nặng hơn 135kg và ông bắt đầu tìm đến với những bài tập đầu tiên như leo cầu thang, chạy trên máy… Từ chạy được khoảng 5km, Moore trở nên khỏe hơn khi giảm được 45kg, bỏ được thói quen hút thuốc lá… và đến năm 2015 thì ông đã hoàn thành được bán marathon (21,1km).
Dần dần, Moore đã chạy được quá 42km, trở thành một ultramarathoner. Và lần này, ông quyết tâm hoàn thành quãng đường 160km để quyên tiền cho quỹ 11/9 với mục tiêu quyên khoảng 2.500 USD (khoảng hơn 51 triệu đồng).
Theo Wikipedia, sự kiện 11 tháng 9 (còn gọi trong tiếng Anh là 9/11)[nb 1] là một loạt bốn vụ tấn công khủng bố có mục tiêu bởi nhóm khủng bố Hồi giáo al-Qaeda chống lại Hoa Kỳ vào sáng thứ Ba, ngày 11 tháng 9 năm 2001. Vụ tấn công làm 2.996 người chết, hơn 6.000 người khác bị thương, và gây ra thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng ít nhất 10 tỉ đôla và gây tổn thất tổng cộng 3 nghìn tỷ đôla.
Bốn chiếc máy bay dân dụng chở khách được điều hành bởi hai hãng hàng không chở khách lớn của Hoa Kỳ (United Airlines và American Airlines). Tất cả đều cất cánh từ các sân bay tại Đông Bắc Hoa Kỳ để đi tới California thì bị không tặc bởi 19 tên khủng bố al-Qaeda. Hai chiếc máy bay trong số đó, Chuyến bay 11 của American Airlines và Chuyến bay 175 của United Airlines, lần lượt đâm vào tòa tháp Bắc và tòa tháp Nam của khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới tại Thành phố New York.
Chỉ trong 1 giờ 42 phút, cả hai tòa tháp cao 110 tầng sụp đổ, mang theo mảnh vỡ và gây ra những vụ cháy khiến tất cả các tòa nhà khác trong khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới bị sụp đổ một phần hoặc hoàn toàn, bao gồm tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới số 7 cao 47 tầng, cũng như gây thiệt hại đáng kể cho mười công trình lớn khác xung quanh.
Một chiếc máy bay thứ ba, Chuyến bay 77 của American Airlines, đâm vào Lầu Năm Góc (trụ sở của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ) tại Quận Arlington, bang Virginia, gây sụp đổ một phần mặt phía tây của tòa nhà. Chiếc máy bay thứ tư, Chuyến bay 93 của United Airlines, ban đầu được nhắm vào Washington, D.C., nhưng đã rơi xuống một cánh đồng tại Xã Stonycreek gần Shanksville, Pennsylvania, sau khi các hành khách cố gắng khống chế các tên không tặc. Đây là thảm họa gây thiệt hại về người lớn nhất của lực lượng lính cứu hỏa và lực lượng hành pháp trong lịch sử Hoa Kỳ, với 343 lính cứu hỏa và 72 sĩ quan hành pháp thiệt mạng.