Sáng 23/5/2021, thông tin về thảm họa chưa từng có trong việc tổ chức một giải chạy địa hình đã khiến cộng đồng người yêu chạy bộ trên thế giới bàng hoàng. Ban tổ chức cuộc thi chạy địa hình 100km Yellow River Stone Forest Race tại Gansu (Trung Quốc) thông báo về việc có đến 21 người thiệt mạng, 8 người bị thương trong tổng số 172 người dự giải.
Cuộc thi này bước vào mùa giải thứ 4 và diễn ra sáng 22/5/2021. 172 VĐV nhiều quốc tịch tham dự giải chạy có cung đường hiểm trở trải dài 100km. Đến khoảng 13 giờ ngày 22/5, người ta ghi nhận có một cơn bão đổ bộ khu vực này.
Mưa đá, gió mạnh, nền nhiệt độ xuống thấp và đường chạy lại ở địa thế hiểm trở, hàng chục người mất liên lạc và BTC tổ chức phải dừng cuộc thi. Giới chức địa phương cử hơn 1200 người tham gia công tác cứu hộ. Sau nhiều giờ tìm kiếm, người ta tìm được xác của 20 VĐV, một người mất tích. Sau này, nạn nhân cuối cùng cũng được tìm thấy đã chết.
151 người được xác nhận đã an toàn, 8 người bị thương và được đưa đi cấp cứu. Đây trở thành giải chạy địa hình có số người thiệt mạng nhiều và đau lòng nhất trên thế giới. Nguyên nhân ban đầu được phía BTC và địa phương đưa ra là thời tiết xấu khiến các VĐV gặp nạn.
Một nam VĐV cho biết: “Đa số chúng tôi tham dự đều mặc quần áo ngắn và mỏng. Có thời điểm, tôi không còn cảm nhận được các ngón tay của mình vì quá lạnh, lưỡi tôi cũng cứng đơ. Tôi quyết định bỏ cuộc và quay lại khi mới leo được nửa đường và tôi gặp một cabin gỗ của đội cứu hộ. Ở đó đã có hơn 10 người, họ đã chờ ở đó được khoảng một giờ. Sau đó thì có khoảng 50 VĐV nữa đến và trú tại đây”.
Trước thông tin này, cộng đồng người yêu chạy bộ đã thể hiện nhiều cảm xúc trái ngược. Thanh Vũ, một trong những VĐV Việt Nam đã từng tham dự nhiều cuộc thi khắc nghiệt nhất trên thế giới như chạy qua 4 sa mạc, hay những cuộc đua đường dài siêu marathon, chia sẻ:
“Hôm nay tôi thương tiếc cho những vận động viên đã khuất của cuộc đua Yellow River Stone Forest Race. Đó là một lời nhắc nhở cho tất cả chúng ta rằng cuộc sống thật quý giá và mong manh. Bất kể bạn ít kinh nghiệm hơn hay cực kỳ kinh nghiệm và tài năng, chúng ta đều là những sinh vật phàm trần. Đôi khi không có quyết định tốt hay xấu, chỉ là bạn có thực hiện nó hay không. Đôi khi người ta phải tự hỏi bản thân, liệu mình có thể chấp nhận khả năng mình có thể chết sau khi đưa ra lựa chọn này không? Nếu tôi không thể, tôi sẽ không đi tiếp. Chỉ khi chấp nhận được, tôi mới nên đặt thêm bước nữa.
Người ta nên suy nghĩ về câu hỏi này thường xuyên, cả trước và sau, không chỉ trong cuộc đua. Biết được 'Tại sao' là rất quan trọng .. để tiếp tục nhưng cũng để tồn tại. Bạn không chắc chắn và lùi lại một chút, thử lại vào ngày khác hoặc từ bỏ hoàn toàn.
Và đôi khi một người có thể là người lý trí nhất, tài năng nhất nhưng cuối cùng điều đó vẫn chưa đủ tốt… Cuộc sống có thể không công bằng vì nó không nợ chúng ta bất cứ điều gì.
Hãy biết rằng đây là sự phản ánh và nhắc nhở của riêng tôi về sự mong manh của cuộc sống con người trong bối cảnh đầy thử thách. Nó không phải là đánh giá về những gì đã xảy ra tại cuộc đua này. Gửi những người đã gục ngã, xin bạn hãy yên nghỉ.”
Trái với ý kiến này, nhiều người lại cho rằng chạy hàng trăm km là “điên rồ”, hay “chạy để sống hay để chết”… Còn bạn? Bạn nghĩ gì về những cuộc đua siêu đường trường và những hiểm họa khó lường có thể xảy ra với VĐV hay chính bản thân mình nếu tham gia?