Chạy hơn 1000km để… tăng 2kg

thứ hai 21-6-2021 7:10:29 +07:00 0 bình luận
“Nghe có vẻ khó tin, nhưng đó là sự thật. Tôi đã chạy được 1004,8 km trong năm 2021, nhưng cũng là lúc tôi nhận ra mình tăng 2kg…” - chia sẻ của một cây bút thể thao về môn chạy bộ.

Phóng viên Minh Kha, công tác tại Ban Thể thao VnExpress từ tháng 10/2005, đến với chạy bộ từ 6/2017… chia sẻ những kỷ niệm đặc biệt về tình yêu chạy bộ của mình.

Anh hiện có thành tích cá nhân tốt nhất ở nội dung bán marathon (21km) là 1 giờ 53 phút và 4 giờ 39 phút cho marathon (42,195km).

Nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021), webthethao.vn xin giới thiệu câu chuyện về tình yêu chạy bộ của phóng viên thể thao Minh Kha, báo điện tử VnExpress.

Bạn không đọc nhầm đâu! Cách đây ít ngày, khi tài khoản Strava báo tôi đã chạy được 1004,8 km trong năm 2021. Với cá nhân tôi, đó là một cột mốc đáng nhớ, vì từ khi bén duyên với chạy bộ cách đây bốn năm, chưa bao giờ tôi chạy được nhiều như thế chỉ trong nửa năm. Nhưng cũng trong buổi tối hôm đó, khi bước lên cân, tôi nhận ra mình tăng 2kg, từ 77 lên 79kg so với với lần bước lên cân gần nhất đâu đó một tháng trước. 

Nghe có vẻ khó tin, nhưng đó là sự thật. Nhiều anh chị em bạn bè “đồng run” đều thấy khó hiểu với chuyện cân nặng và chỉ số “mileage” (tổng quãng đường chạy tích lũy) mà tôi chia sẻ, nhưng thật ra chính tôi còn thấy… khó hiểu hơn cả mọi người. Dù vậy, chuyện này cũng không mới, bởi tôi khó hiểu như vậy từ khoảng ba năm nay rồi và cũng quen tới mức chả cần phải cố hiểu, vì dù sao, chạy bộ vẫn đem lại cho tôi những trải nghiệm cùng cảm giác vui khỏe chưa từng có.

Tôi bắt đầu chạy từ nửa cuối 2017, khi thấy cần làm gì đó để cải thiện sức khỏe ở ngưỡng tệ hại sau hơn 10 năm không chơi bất kỳ môn thể thao nào. Khởi đầu bằng chạy trên máy trong phòng gym giúp tôi thấy đỡ trì trệ hơn, nhưng đổi lại là cảm giác đơn điệu vì chạy một mình và nhìn trân trân vào mảng tường kính phía trước. Bước ngoặt thật sự chỉ đến sau một giải chạy đường bằng nhỏ ở Ciputra tháng 12/2017, khi bốn đồng nghiệp ở VnExpress rủ tôi tham gia, bắt đầu với cự ly 5km. Quãng đường sau đó tăng lên 10, 15, rồi 21km, sau những cữ chạy nhóm - cá nhân, giúp tôi cải thiện cả về sức bền lẫn tốc độ.

Từ cuối 2018, tôi bắt đầu “giấc mơ 1%” - vào nhóm 1% dân số thế giới có thể chạy marathon 42,195km. Nhưng đời quả thực không như là mơ. Tập với khối lượng và quãng đường chưa đủ, khiến tôi có hai trải nghiệm đau đớn, cả về thể xác lẫn tinh thần trong năm 2019, với thành tích lần lượt 5:45 phút tại Ecopark Marathon, rồi 5:30 phút tại Longbien Marathon.

Thất bại chỉ khiến tôi quyết tâm hơn trong năm 2020, cho mục tiêu “sub 5” (chạy 42,195km dưới 5 giờ) và về đích vui vẻ. Mỗi tuần, tôi đều chạy 4-5 cữ - interval (chạy biến tốc), tempo (chạy đều ở tốc độ hơn trung bình), easy run (chạy thả lỏng ở tốc độ thấp hơn trung bình) và long run (chạy dài). Cũng vì mục tiêu này, tôi kiêng tuyệt đối bia rượu - thứ có thể gây tiêu cơ, và tập như điên trong hai tháng cuối năm. Và sự kiên trì ấy rồi cũng được đền đáp, bằng liên tiếp hai PR với các mốc thành tích 4 giờ 50 phút tại Longbien Marathon, rồi 4 giờ 39 phút tại VnExpress Marathon Huế trong các tháng 11 và 12.

Bên cạnh niềm vui vượt qua chính mình, chạy bộ còn mang lại cho tôi năng lượng tích cực, nhờ được gặp, kết nối với nhiều bạn chạy mới, kéo thêm nhiều người thân, trong đó có chính vợ và hai con gái tôi, “vào hố vôi chạy bộ”. Cùng nhau, chúng tôi đã dự khoảng năm giải chạy, ở các cự ly khác nhau ở Hà Nội, Huế và Quy Nhơn, điều mà các con tôi thật sự hào hứng và chờ đợi mỗi dịp hè đến hoặc thấy ba của các cháu rục rịch chuẩn bị cho một giải chạy với câu hỏi “nhà mình tham gia đủ chứ ba?”.

Những chạy bộ cũng đem lại cho tôi trải nghiệm chưa từng có ở những cung đường, địa danh cả mới mẻ tưởng chừng quen thuộc đến mức nhàm chán.  Ở Hà Nội, bạn hẳn quá quen thuộc với cung đường quanh bờ Hồ, hồ Tây, hồ Công viên Lenin, Ba Đình, cầu Long Biên, cầu Chương Dương, Phan Đình Phùng..., nhưng nếu có thể, bạn hãy thử giống tôi mà xem, hãy chạy bộ vào sáng sớm tinh mơ để cảm nhận vẻ đẹp khác lạ của những con đường ấy và hít căng tràn lồng ngực sự trong lành hiếm có vào ban ngày. 

Thói quen chạy bộ ấy còn giúp tôi khám phá những điểm đến theo một cách khác hẳn. Tôi là người Huế, mỗi năm đều về quê ít nhất một lần, nhưng cảm nhận đi xe máy tại đây với khi chạy bộ khác biệt hoàn toàn. Còn gì tuyệt vời hơn để vừa sống lại những hoài niệm khi sải bước qua các nơi chốn hằng quen thuộc?

Chạy qua Bệnh viện Trung ương Huế để nhớ nơi đây mẹ từng sinh ra và cực nhọc chăm sóc tôi những ngày nhỏ ốm đau sài đẹ. Chạy qua cung đường rợp mát bóng cây trrong Đại nội để nhớ ngày bé thơ cha hay đạp xe chở tôi rong ruổi từ nhà ở hồ Tịnh Tâm ra thăm họ hàng ở Gia Hội, hay xuôi cầu Tràng Tiền bên kia bờ Nam sông Hương, hoặc ngang qua Phu Văn Lâu, Ngọ Môn, Kỳ đài lên chùa Thiên Mụ. Hay khi về Pleiku - nơi tôi trải qua hơn 10 năm niên thiếu, tôi cũng cố thu xếp để chạy một cữ HM, cảm nhận từng con dốc từ Hoa Lư ra Biển Hồ - điều mà ngày còn ở trong đó, tôi chưa bao giờ trải qua.

Đầu năm 2019, trong chuyến công tác ở Đức, tôi quyết định thêm vào hành lý một đôi giày chạy bộ và đã làm hai cữ chạy tương đối dài ở, một HM ở Munich và một cữ 18km ở Leipzig. Cũng là những cung đường đó, khi tôi di chuyển bằng xe buýt hoặc tàu điện hoặc đi bộ tham quan vào buổi tối, nhưng vào sáng sớm tinh mơ, tôi được tận hưởng vẹn nguyên sự tĩnh lặng, trong lành thư thái của quảng trường Marienplatz ở Munich, hay rừng Cottaweg, công viên Rosental ở Leipzig. 

Chính vì niềm vui vượt qua bản thân và những cảm nhận, trải nghiệm chưa từng có ấy, nên thay vì băn khoăn với câu hỏi chạy bộ để làm gì khi cân nặng vẫn không giảm, tôi vẫn sẽ tiếp tục chạy và tận hưởng.

Minh Kha

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm