Chạy bộ: Môn thể thao của những người biết tư duy

chủ nhật 1-10-2017 20:35:16 +07:00 0 bình luận
Nghiên cứu khoa học cho thấy nhiều kết nối neuron ở người chơi thể thao hơn so với những người ít hoạt động thể chất tại các vùng của não liên quan đến trí nhớ.

Nghiên cứu khoa học cho thấy nhiều kết nối neuron ở người chơi thể thao hơn so với những người ít hoạt động thể chất tại các vùng của não liên quan đến trí nhớ.

Dân chạy bộ thường được khen là “đầu óc ngu si, tứ chi phát triển”. Chẳng qua là sự dèm pha của đám dài lưng tốn vải không thể chạy quá 1 km mà không thở hồng hộc. Người ta thường đề cao sự thông minh logic, toán học và xem thường các dạng thức thông minh khác.

Nếu xem định nghĩa thông minh là ”khả năng giải quyết các vấn đề hoặc đưa ra những sản phẩm mới có giá trị trong một hay nhiều nền văn hóa khác nhau” (Gardner&Hatch, 1989) thì theo Howard Gardner, cha đẻ của Thuyết thông minh đa dạng, có 7 hình thức thông minh khác nhau:

1. Thông minh Toán học

2. Thông minh về ngôn ngữ

3. Thông minh về Âm nhạc

4. Thông minh Thể chất

5. Thông minh về Không gian

6. Thông minh Nội tâm

7. Thông minh về Giao tiếp xã hội

Hai hình thức trí thông minh đầu tiên có giá trị điển hình trong trường học; Ba trí thông minh tiếp theo thường được gắn với nghệ thuật và thể thao; và 2 trí thông minh cuối cùng được Howard Gardner gọi là “trí thông minh cá nhân”.

Chạy bộ thường được xem là môn thể thao nhàm chán. Ảnh: Hải Đông
Chạy bộ thường được xem là môn thể thao nhàm chán. Ảnh: Hải Đông

Tôi đang muốn nói về một loại trí thông minh ít được chúng ta thừa nhận: Trí thông minh thể chất. Thường các vận động viên ưu tú, các kỷ lục gia thế giới, vận động viên Olympic có trí thông minh thể chất này.

Chạy bộ thường được xem là môn thể thao nhàm chán và ít cần suy nghĩ nhưng thật ra đòi hỏi một sự suy nghĩ cao cấp hơn phần lớn chúng ta có thể tưởng tượng. Thể thao làm thay đổi cách thức não bộ hoạt động một cách đáng ngạc nhiên theo nhiều báo cáo khoa học mới đây.

Một nghiên cứu điển hình được công bố tháng này trên tạp chí Frontiers in Human Neuroscience cho thấy bộ não của các vận động viên chạy việt dã có những liên kết khác nhau trong nhiều khu vực của não bộ, nơi thể hiện sự hiểu biết phức tạp hơn là bộ não của những người khỏe mạnh nhưng ít vận động. Phát hiện này cho thấy chạy bộ tạo những kết nối neuron hơn là suy nghĩ thông thường của việc đặt một chân này trước chân kia một cách nhanh nhất có thể.

Trong khoảng trung bình 80 tỷ tế bào thần kinh (neuron) mà con người sở hữu thì những kẻ có tư duy phức tạp, những kẻ thông minh, có nhiều kết nối neuron hơn những người bình thường khác. Nghĩa là một bộ não được đánh giá thông minh, thành thạo trong một lĩnh vực bởi số lượng các kết nối neuron chứ không phải số lượng các neuron mà chúng ta có gần như nhau. Chưa kể những kẻ chơi thể thao hay học một môn nghệ thuật như âm nhạc thì bộ não được tăng cường nhiều kết nối, thậm chí sinh ra các neuron mới thay vì bị mất nhiều neuron và bị lão hóa hay bị chứng Alzheimer mà những người ít phải suy nghĩ hay ít sử dụng não bộ khi lớn tuổi hay mắc phải.

''Chạy bộ không phải là một hoạt động đơn giản”
"Chạy bộ không phải là một hoạt động đơn giản”. Ảnh: Hải Đông

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Arizona đã nghi ngờ rằng liệu việc chạy trên thực tế có đòi hỏi về trí tuệ và có thể ảnh hưởng đến các mẫu suy nghĩ (pattern thinking) trong những người chạy bộ ngay cả khi họ không chạy.

Để kiểm tra ý tưởng ngờ vực này, các nhà khoa học đã tuyển dụng 11 người chạy bộ là những nam sinh viên, và 11 nam thanh niên sinh viên khác đã không tập thể dục trong năm qua. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các bảng câu hỏi và các công thức toán học để định lượng mức độ hoạt động thể lực của nam giới và ước tính thể lực hiếu khí (aerobic fitness) của họ. Nhà khoa học tập trung vào nam giới chủ yếu vì họ loại trừ những ảnh hưởng của chu kỳ kinh nguyệt lên cơ thể và bộ não của phụ nữ).

Kết quả là bộ não của những nam sinh viên chạy bộ có một số kết nối khác với não bộ của những thanh niên trẻ kia nhưng không tập thể dục, và những mối liên kết não bộ này liên quan đến các vùng não cần thiết cho tư duy cấp cao, suy nghĩ phức tạp.

Đặc biệt, các nhà khoa học lưu ý có nhiều kết nối neuron ở những người chơi thể thao hơn so với những người ít hoạt động tại các vùng của não liên quan đến trí nhớ làm việc (working memory), sự đa nhiệm, sự chú ý, sự ra quyết định, và xử lý các thông tin giác quan và hình ảnh.

Gene E. Alexander, giáo sư tâm lý học, thần kinh học và khoa học vật lý tại Đại học Arizona, cho biết: "Đối với tôi, điều này cho thấy chạy bộ không phải là một hoạt động đơn giản”. Ông đồng chủ trì nghiên cứu kết hợp với David Raichlen, giáo sư nhân học tại trường đại học này.

Chạy bộ mang lại cho chúng ta niềm vui sống, sự bền bỉ, và khả năng đương đầu hiệu quả với những khó khăn trong cuộc sống. Ảnh: Nguyễn Đạt
Chạy bộ mang lại cho chúng ta niềm vui sống, sự bền bỉ, và khả năng đương đầu hiệu quả với những khó khăn trong cuộc sống. Ảnh: Nguyễn Đạt

"Thay vào đó, chạy bộ dường như là một loại toán đố di động (mobile math puzzle)", tiến sĩ Alexander cho biết thêm: "Nó đòi hỏi những kỹ năng điều hướng phức tạp, cộng với khả năng lên kế hoạch, giám sát và ứng phó với môi trường, rèn luyện trí nhớ và đánh giá điều kiện hiện tại, và tiếp tục với tất cả các hoạt động cơ động của việc chạy, bản thân nó, là rất phức tạp. "

Tương tự như vậy, không rõ là chạy bộ có những ảnh hưởng như thế hay những môn thể thao sức bền khác, bao gồm đạp xe và bơi lội, có liên quan đến các kết nối não tương tự hay không. Nhưng Tiến sĩ Alexander và các cộng sự hy vọng sẽ thực hiện các thí nghiệm trong tương lai có thể cho chúng ta biết nhiều hơn về chạy bộ và các hoạt động thể chất khác làm thay đổi các mô hình tư duy như thế nào và liệu khi chúng ta già đi, chúng ta có thể thoát khỏi sự suy giảm tinh thần nếu thường xuyên vận động không.

Tất nhiên, chúng ta cũng không cần phải nhờ đến các nhà khoa học khẳng định hoạt động thể chất (chạy, bơi, đạp) có giúp chúng ta, những công nhân tri thức của thế kỷ 21 thông minh hơn không nhưng chắc chắn các hoạt động này sẽ mang lại cho chúng ta niềm vui sống, sự bền bỉ, và khả năng đương đầu hiệu quả với những khó khăn trong cuộc sống, đúng không các đồng chí của tôi?

Bài viết cùng tác giả: 

Marathon: Cuộc hành xác vĩ đại

ĐÀO TRUNG THÀNH

Chuyên gia lĩnh vực viễn thông

  • Người viết có hơn 8 năm kinh nghiệm chạy bộ, tham gia nhiều giải chạy: Vietnam Mountain Marathon, Danang International Marathon, Halong Bay Heritage Marathon, Hochiminh City Marathon, Techcombank Hochiminh City International Marathon, Standard Chartered Singapore Marathon...


Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm