Trong mấy năm qua, hình ảnh những người khiếm thị tham dự các giải chạy khiến không ít người ngạc nhiên. Mắt không nhìn thấy gì làm sao chạy? Vậy mà bằng một cách đơn giản nhưng hiệu quả, những người khiếm thị vẫn làm được điều không tưởng.
Tình bạn giữa những người khác biệt
Đặng Thế Lâm là sáng lập viên của Vietnam and Friends, tổ chức phi chính phủ chuyên ủng hộ và hỗ trợ những người kém may mắn trong xã hội. Lâm và những cộng sự đã có những dự án táo bạo để hỗ trợ những người khiếm thính xóa nhòa khoảng cách, tự tin hòa nhập với cuộc sống.
Từ khi còn là một sinh viên đại học Bách Khoa, Lâm đã yêu thích các hoạt động thiện nguyện. Cùng với những người bạn cùng chí hướng, Lâm đã sáng lập và phát triển Vietnam and Friends tới năm thứ 8 như hiện nay.
Khi làm các công việc liên quan đến người khiếm thị, Lâm quen anh Nguyễn Huy Việt, người hiện đang là Chủ tịch hội người mù Hoài Đức (Hà Nội). Tới năm 2017, hai người bắt đầu tập luyện và chạy cùng nhau khi tổ chức của Lâm có ý tưởng sự kiện Chạy với tôi để tạo sân chơi cho những người khiếm thị có cơ hội được tập luyện và thi đấu môn thể thao tưởng chừng chỉ dành cho những người mắt sáng.
Chạy với tôi 2017 ra đời với sự tham gia của nhiều người khiếm thị, được những người bình thường dẫn tốc bằng cách buộc một sợi dây, kết nối hai người. Sự kiện năm đó diễn ra thành công tại Hồ Gươm, tạo được tiếng vang và sự chú ý với cộng đồng.
Năm 2018, sự kiện Chạy với tôi của Lâm tiếp tục thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận và sau đó những dự án dành cho người khuyết tật cứ thế ra đời. “Chúng tôi chuẩn bị khởi động lại dự án Trung tâm tiếng Anh dành cho người khiếm thị sau một thời gian bị ảnh hưởng lộ trình do dịch bệnh. Bên cạnh đó, thư viện đọc cho người khiếm thị mang tên Open Road vẫn đang nhận được sự đóng góp của nhiều người có ảnh hưởng trong xã hội, góp phần giúp người khiếm thị có đời sống tinh thần phong phú hơn” - Đặng Thế Lâm chia sẻ.
Cùng đồng hành trên đường chạy
Với sự động viên của Lâm, anh Việt đã dần xóa bỏ mặc cảm là một người khiếm thị khi anh được chạy và cũng hoàn thành những cung đường mà không phải ai cũng có thể làm được. “Chúng tôi bắt đầu chạy với nhau được khoảng 3 năm nay, tôi thường hay mời anh Việt tham gia những giải chạy phù hợp. Bình thường, anh ấy sống ở Hoài Đức nên thời gian tập luyện là chủ động, không ai liên quan đến ai. Nhưng khi có giải thì sẽ dành một số buổi để tập luyện cùng nhau. Sau một số giải thì cũng không còn khó khăn gì nữa khi cả hai đã quá hiểu nhau” - Lâm cho biết.
Tính đến nay, anh Việt đã chạy được quãng đường xa nhất là 21km, được giới mộ điệu phong cho danh hiệu “Người khiếm thị Việt Nam đầu tiên hoàn thành bán marathon”. Danh sách các giải chạy mà anh Việt cùng Lâm tham gia cũng khá nhiều: từ giải chạy ở Hạ Long, Hà Giang đến Ecopark rồi Hanoi Heritage Marathon…
“Tôi cũng động viên anh Việt nhiều lắm vì tập chạy sẽ tốt cho sức khỏe. Anh ấy thường rất bận, nhiều ngày làm việc đến tận 11-12 giờ đêm mới nghỉ. Giờ thì kéo được cả vợ và các con đi tập chạy cùng rồi” - Lâm kể về người bạn của mình.
Anh Việt năm nay 40 tuổi, có vợ và hai con gái, một đang học lớp 5, một bé đang học lớp 3. Rất may, vợ và các con đều bình thường nên đã hỗ trợ được anh rất nhiều việc. “Giờ thì đã đẩy được cả vợ và các con xuống hố vôi chạy bộ rồi. Giờ cứ có giải phù hợp thì sẽ tham dự thôi” - anh Việt cho biết.
Đầu tháng 10 vừa qua, anh Việt cùng Lâm đã tham gia một giải chạy quanh Hồ Gươm có cự ly 10km. Cùng với 5 người khiếm thị khác, nhóm của Lâm và anh Việt đã hoàn thành đường chạy hết sức đáng nể. Thời gian hoàn thành 71 phút trở thành thành tích cá nhân tốt nhất ở cự ly 10km của anh Việt.
“Anh Việt tương đối lạc quan và vui tính. Khi đi chạy, anh thường hay nói vui với những người mà tôi xin đường là “xin lỗi bọn mình hơi cổng kềnh”. Ngoài việc cùng nhau chạy, và động viên lúc mệt mỏi thì có lẽ là phải cùng nhau cảm nhận không gian xung quanh để tránh người khiếm thị bị lạc lõng vì họ không nhận biết được khung cảnh. Đó là một trong những điều khó của những người chạy dẫn tốc cho người khiếm thị, phải có sự kết nối thì mới có thể cùng nhau chạy tốt được…” - Lâm chia sẻ.
Trong tương lai, Lâm vừa đẩy mạnh các dự án hỗ trợ người khiếm thị, vừa cố gắng nối lại việc tổ chức Chạy với tôi, sự kiện bị dừng tổ chức vào cuối năm 2019 vì không có địa điểm thuận lợi. Năm 2020 sắp qua với ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID, có lẽ những sự kiện thể thao dành cho những người như anh Việt sẽ được Lâm kết nối lại, lan tỏa ý nghĩa nhân văn trong cộng đồng.