Bia rượu ảnh hưởng như thế nào đến chạy bộ?

thứ năm 2-6-2016 17:01:34 +07:00 0 bình luận
Dân nhậu mỗi lần uống bia rượu thường nói vui: “Tôi đang nạp carbohydrate đấy” nhưng sự thật có phải "màu hồng" như vậy không, nhất là với dân chạy bộ?

Webthethao xin giới thiệu bài viết của bác sĩ Đinh Linh - bác sĩ Viện Tim mạch TW và là một vận động viên marathon nghiệp dư nổi tiếng trong cộng đồng chạy bộ Hà Nội. Bác sĩ Đinh Linh đang cộng tác và tư vấn cho chuyên mục Chạy của webthethao.vn, bài viết đã được đăng trên blog cá nhân của bác sĩ Đinh Linh. 

Bạn đang cho rằng uống bia hay rượu tốt cho việc chạy bộ? Bạn đang băn khoăn liệu uống bia trước khi chạy có thể cải thiện thành tích bản thân hay không? 

Điều đó là điều không thể. Đồ uống có cồn có ảnh hưởng xấu đến việc chạy bộ của bạn. Nếu bạn là người ưa nhậu nhẹt, bia rượu, bạn có thể dừng lại không đọc nữa, và vẫn duy trì các thói quen ăn uống hiện tại. Còn nếu bạn muốn cải thiện sức khỏe, tìm hiểu sâu hơn về bia rượu và chạy bộ (hay các môn thể thao nói chung, thông tin khoa học dưới đây sẽ giúp bạn:

Chức năng của gan

Tôi có một người bạn, vừa thích chạy bộ, vừa thích uống bia. Mỗi lần làm một chai bia mát lạnh, anh hay bảo: “Tôi đang nạp carbohydrate đấy”. Thật tiếc, mặc dù bia hay rượu đều có nguồn gốc glucose, anh bạn tôi đã sai lầm hoàn toàn. Sự thật là ngay khi bạn uống bất cứ một đồ uống có cồn nào, gan của bạn sẽ hoạt động hết công suất để thải lượng cồn đó ra khỏi máu. Vì mọi nguồn lực của gan đều được sử dụng cho quá trình thải trừ này, gan tạm thời mất chức năng chuyển đổi glucose thành glycogen.

Glycogen là nguồn dự trữ năng lượng chủ yếu cho cơ thể khi chạy bộ. Trước, trong, và sau khi chạy, bạn đều phải bổ sung carbohydrate để duy trì lượng glycogen này.

Bởi gan mất khả năng chuyển glucose thành glycogen, cơ thể của bạn cần phải làm gì đó với lượng glucose vừa hấp thu. Hãy đoán xem… Đúng vậy, lượng glucose mới hấp thu sẽ được chuyển hoá thành chất béo. Chất béo được tích trữ lại trong cơ thể. Do đó, cần phát biểu chính xác hơn về chuyện uống bia là: “Tôi đang nạp mỡ đấy”.

Không thể chạy bộ tốt nếu uống bia rượu nhiều

Không thể chạy bộ tốt nếu uống bia rượu nhiều

Các ảnh hưởng khác của bia, rượu

Nói chung, đồ uống có cồn có tác dụng lợi tiểu. Tác dụng này đồng nghĩa với việc bạn không thể ngủ ngon vào đêm trước giải chạy nếu bữa tối đó bạn uống nhiều bia. Nó cũng dẫn đến việc bạn mất nước nhiều hơn. Chúng ta đều biết rằng giảm 2% lượng nước trong cơ thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng chạy bộ.

Ngoài ra, các nhà khoa học đã chứng minh uống nhiều bia rượu làm giảm nồng độ testosterone trong máu. Testosterone là chất quan trọng để phát triển hệ cơ ở cả nam và nữ.

Vậy chúng ta phải làm thế nào?

1.  Uống vài lon bia lạnh sau khi chạy vì có cảm giác “tôi xứng đáng được hưởng điều đó”

Hiển nhiên, việc thưởng thức một lon bia sau 2 giờ đồng hồ chạy bộ đem lại khoái cảm tuyệt vời. Nhưng tôi sẽ cố gắng ăn một chút gì đó trước khi thưởng thức niềm vui đó.

2. Uống bia hay rượu trước khi chạy giải

Sẽ là không khôn ngoan nếu bạn ăn nhậu trước khi chạy giải. Cơ thể bạn sẽ mất nước nhanh hơn. Đồ uống có cồn hoàn toàn không có tác dụng “nạp năng lượng” như nhiều người suy nghĩ.

3. Người chạy bộ uống bao nhiêu là đủ?

Dần dần hạn chế bia rượu. Bạn có muốn bụng 6 múi hay không? Bạn có muốn có thành tích cao khi chạy giải hay không?

Kết

Bài viết này có thể làm nhiều người không vui. Rất tiếc đó là sự thật.

Bản thân tôi sẽ không từ bỏ hoàn toàn bia hay rượu. Thực tế, tôi phải làm một chai bia lạnh mới có thể viết xong bài này. Tôi không phải dân chạy bộ chuyên nghiệp, tôi không kiếm tiền từ môn thể thao này. Điều tôi muốn là tận hưởng mọi thú vui của cuộc sống.

Tuy nhiên, những thông tin này có thể giúp chúng ta loại bỏ các quan niệm sai lầm, để chạy bộ tốt hơn. Hy vọng các bạn thấy có ích.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm