Tin vui đến từ lâu…
Tháng 7/2019, Cơ quan Liêm chính điền kinh (AIU) chính thức đưa ra thông tin VĐV Kemi Adekoya (Bahrain) dương tính với stanozolol, chất cấm được sử dụng làm tăng cơ bắp và giảm béo. Đây chính là VĐV nhập tịch đã về nhất nội dung 400m rào nữ tại ASIAD 2018 tổ chức tại Indonesia. Với thành tích 54 giây 48 lúc đó, Kemi Adekoya được trao huy chương vàng (HCV). Trong khi đó, dù có thành tích cá nhân tốt nhất 55 giây 30, Quách Thị Lan đành ngậm ngùi nhận huy chương bạc (HCB).
AIU cho biết cấm thi đấu 4 năm với VĐV Bahrain kể từ tháng 11/2018 và không công nhận các thành tích từ 24/8/2018. Qua đó, kết quả giành HCV của Kemi Adekoya tại ASIAD 2018 không có giá trị và Quách Thị Lan được đôn lên nhận vị trí cao nhất, qua đó đoàn Việt Nam có tấm HCV thứ 5 tại ASIAD 2018.
Quách Thị Lan (trái) về sau Kemi Adekoya tại nội dung 400m rào nữ ASIAD 2018 tại Indonesia
Tháng 10/2019, Quách Thị Lan đón nhận thêm tin vui nữa khi AIU cũng ra thông báo phát hiện VĐV Nirmala Sheoran (Ấn Độ) dương tính với chất kích thích. Nirmala Sheoran bị cấm thi đấu 4 năm và mọi thành tích của VĐV này trong khoảng thời gian từ tháng 8/2016 đến tháng 8/2018 sẽ bị hủy bỏ.
Nirmala Sheoran chính là người đã về trước Quách Thị Lan ở nội dung 400m Giải điền kinh vô địch châu Á 2017 diễn ra từ 6-9/7/2017 ở Bhubaneswar, bang Odisha (Ấn Độ). Thành tích 52 giây 01 lúc đó của Nirmala Sheoran giúp VĐV này giành HCV, trong khi Quách Thị Lan đoạt HCB với thời gian 52 giây 78.
Quách Thị Lan thi đấu tại nội dung 4x400m hỗn hợp nam nữ SEA Games 30 và giành HCV
Ngoài ra, Nirmala Sheoran cũng tham gia nội dung chạy tiếp sức 4x400m nữ và đội Ấn Độ giành HCV với thời gian 3 phút 31 giây 34. Trong khi đó, đội Việt Nam gồm Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền, Hoàng Thị Ngọc và Nguyễn Thị Oanh (hoa khôi) giành HCB với thành tích 3 phút 33 giây 22.
Với thông báo trên của AIU, cá nhân Nirmala Sheoran bị tước HCV 400m nữ còn đội Ấn Độ bị tước HCV 4x400m tiếp sức nữ. Quách Thị Lan được đôn lên nhận HCV 400m nữ còn đội Việt Nam nhận HCV 4x400m tiếp sức nữ.
Quách Thị Lan (thứ hai phải sang) cùng các đồng đội Hoàng Thị Ngọc, Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Thị Hằng giành thêm HCV 4x400m tiếp sức nữ SEA Games 30
Tính ra, chỉ trong vòng vài tháng cuối năm 2019, Quách Thị Lan đón nhận tin vui giành thêm 3 HCV các giải đấu lớn tầm châu lục, ngay trước thềm SEA Games 30 tháng 12 năm ngoái ở Philippines, trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên được nhận tới 3 HCV “đôn” chỉ trong một năm.
…nhưng thực tế thì…
Đã 10 tháng kể từ khi có thông báo của AIU, nhưng hiện nay, thông tin về việc Quách Thị Lan có được chính thức công nhận thành tích, được nhận HCV bổ sung hay thay đổi những kết quả liên qua khác vẫn bặt vô âm tín.
Khi được hỏi về vấn đề này, Quách Thị Lan (đang tập trung tại Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Nhổn) cho biết: “Tôi chưa nhận được thông tin gì, vẫn im ắng lắm. Hay mọi người quên tôi rồi?”. Ngôi sao điền kinh sinh năm 1995 cho biết không nhận thông tin gì từ BTC các giải đấu trên lẫn từ phía Liên đoàn Điền kinh Việt Nam. Quách Thị Lan cho biết từng có trường hợp tương tự với đội Pencak Silat Việt Nam ở SEA Games 29 (Malaysia 2017) nhưng sau đó đã được giải quyết, trong khi trường hợp của mình thì chưa có tiến triển gì.
Quách Thị Lan vẫn chưa nhận được thông tin gì về 3 tấm HCV "đôn" của mình
Với câu hỏi “Bản thân Lan nghĩ mọi chuyện sẽ thế nào nếu giành HCV đàng hoàng ngay thời điểm đó?”, Quách Thị Lan trả lời: “Chắc là tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc, tự hào hơn… sẽ được mọi người biết đến nhiều hơn. Chứ giờ không ai quan tâm gì cả”.
Quy trình nào để Quách Thị Lan được công nhận chính thức?
Trước vấn đề này, ông Dương Đức Thủy - Trưởng bộ môn Điền kinh Tổng cục Thể dục Thể thao - cho biết: “Tôi đã liên hệ với AAA (Hiệp hội Điền kinh châu Á - PV), họ nói Liên đoàn cần hỏi BTC ASIAD. Chưa thấy họ trao lại huy chương”.
Ông Dương Đức Thủy - Trưởng bộ môn Điền kinh Tổng cục Thể dục Thể thao
Về quy trình giải quyết việc này, ông Dương Đức Thủy cho biết Liên đoàn Điền kinh Việt Nam (VAF) phải chủ động gửi văn bản cho họ, ngay cả Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC) cũng phải vào cuộc thì mới giải quyết được. Nếu phía Việt Nam không có động thái gì thì “họ cũng sẽ quên luôn”.
“Quản lý nhà nước không thể nhảy vào vụ này được. Cũng như khi bị phạt doping thì quốc tế họ sẽ phạt Liên đoàn Thể thao Quốc gia chứ không thể phạt Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch được. Về lý, cả VOC và VAF phải gửi công văn sang hỏi AAA và BTC ASIAD” - ông Dương Đức Thủy cho biết.
Với tình hình dịch COVID-19 như hiện nay, các giải đấu lớn có khả năng lấy chuẩn Olympic đều đã bị hoãn/hủy. Ngay Olympic Tokyo 2020 tại Nhật Bản cũng đã bị lùi sang hè 2021. Các tuyển thủ điền kinh Việt Nam hiện tập trung tập luyện cho giải đấu gần nhất sẽ là Giải Điền kinh Cúp Tốc độ Thống Nhất (8-14/06/2020) tại TP.HCM.