Bà Châu, một phụ nữ gốc Việt hiện sống ở Kansas City vừa khiến thế giới phải thán phục khi nằm trong số ít người trên TG chinh phục được thử thách khó khăn.
Chạy 7 marathon liên tiếp trong 7 ngày trên 7 lục địa là niềm khát khao của nhiều người trên thế giới. Không phải ai cũng có điều kiện cũng như tham vọng để hoàn thành giấc mơ ấy. Bà Châu Smith, một phụ nữ gốc Việt 70 tuổi hiện sống ở Kansas City vừa khiến thế giới phải thán phục khi nằm trong số vài trăm người chinh phục được thử thách này. Đặc biệt, bà Châu là người cao tuổi nhất hoàn thành thử thách "Triple 7" và đang chờ được công nhận kỷ lục thế giới Guinness.
So với kỷ lục chạy marathon "777" của ultra runner hàng đầu thế giới Michael Wardian, những gì mà bà Châu Smith đã kiên trì, bền bỉ theo đuổi và đạt được cũng rất đáng ngưỡng mộ.
PV Webthethao đã liên hệ để phỏng vấn bà Châu Smith, một người phụ nữ đến 70 tuổi vẫn còn rất bận rộn với việc gia đình.
Chào bà Châu. Chúc mừng bà vừa hoàn thành thử thách không phải ai cũng làm được: chạy 7 marathon liên tục ở 7 lục địa trong 7 ngày. Bà có thể giới thiệu sơ qua về cuộc sống gia đình mình cho độc giả Webthethao được biết?
Xin chào. Tôi là Châu Smith (Trần Thị Châu). Tôi sinh ra và lớn lên ở Củ Chi. Năm nay tôi 70 tuổi, sống ở miền Trung nước Mỹ, Kansas City (Missouri). Tôi sang đây năm 1972 sau đó theo người chồng đầu tiên sang Tây Đức sống dến năm 1975 rồi trở về Mỹ.
Do phải lo giúp gia đình nên tôi không có nhiều thời gian. Sau khi đứa con gái út của tôi đi học đại học, tôi cũng phải đi học 2 khóa vào ban đêm vì ban ngày quá bận rộn để thi lấy bằng trung học Mỹ. Ở Việt Nam tôi mới chỉ học đến lớp 5.
Được biết bà đang mang trên mình mảnh đạn ở chân và tay phải từ thời chiến tranh, mảnh đạn khiến bà có gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và công việc không?
Những vết đạn ấy đến bây giờ vẫn còn trong người tôi. Đôi khi vẫn còn đau trở lại, nhất là phía trước bắp đùi. Dường như khi chạy lên hoặc xuống dốc, phía sau bắp đùi lại không đau. Trên cánh tay phải gần vai, nếu chạy đường dài, tay sẽ mỏi và hay bị đau.
Ông Michael Smith có điểm gì khiến bà yêu và quyết định lấy ông ấy, có phải vì ông ấy là một runner không?
Tính tình Michael rất đằm thắm, lịch sự và nhẫn nại, luôn lắng nghe, rất tốt với mọi người đặc biệt là trẻ nhỏ. Ngày trước khoảng thập niên 70, anh ấy là dân hippy, thường hay đi biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, rất thương và và hay chia sẻ người nghèo.
Trước khi bà tự nguyện đến với chạy bộ, ông Michael Smith có lúc nào thuyết phục, năn nỉ bà chạy bộ cùng?
Cũng ít khi hai vợ chồng chạy bộ nhưng khi tôi bắt đầu chạy bộ, ông ấy rất vui. Tôi không muốn chạy theo ông xã mà muốn chạy song song. Michael rất nhẫn nại và luôn khuyến khích tôi. Sau đó, tôi đăng ký chạy ở Kansas City Runner mỗi chiều thứ 3, với đội For Speed Session mỗi thứ 7.
Để giải tỏa stress có nhiều cách như đọc sách, xem phim hay đi dạo. Vì sao bà chọn chạy bộ?
Không những chạy bộ, tôi vẫn thích đọc sách báo vì thời chiến tranh loạn lạc, tôi phải nghỉ học khi vừa hết lớp 5.
Sau giải chạy 5km nhớ đời đến nỗi phải dùng mặt nạ hỗ trợ thở, bà không sợ “cạch đến già” mà còn tiếp tục muốn tham gia các giải chạy cự ly dài hơn?
Tôi bị dị ứng rất nặng, ngồi gần với người hút thuốc lá và mùi nước hoa là khó thở, hay bị viêm mũi. Khi chạy tôi phải uống thuốc nên việc này gây nhiều khó khăn với tôi. Bây giờ tôi không còn bị như lúc trước.
Bà có thể kể lại diễn biến khi bà buộc phải dừng cách đích khoảng 400m do vụ nổ bom khủng bố Boston Marathon 2013 không? Đó có phải là giải Boston Marathon đầu tiên trong cuộc đời của bà?
Năm 2013, tôi chạy được marathon trong 4 giờ 23 phút cho độ tuổi của mình nên đủ qualify cho Boston Marathon. Tôi rất vui bởi nhiều người mới như tôi đều mơ ước dược vào Boston Marathon.
Trong ngày đua, khi nhìn thấy biển '1 more mile', tôi chạy xuống dốc rất nhanh. Đang vui mừng thì cảnh sát bắt đừng lại. Lúc đó chỉ có tôi và vài người khác. Tôi bắt đầu thấy lạnh và muốn chạy qua. Có nhiều người bị thương và chết. Năm sau Boston Marathon mời nhưng tôi nghỉ.
Con gái của bà (Thy Trần) đã rất may mắn khi không có mặt ở vạch đích để đón bà do lúc đó đi mua bún?
Thy, con gái tôi, vốn là một người chuyên viết về ẩm thực ở California. Mỗi lần đi đến đâu, con tôi cũng phải đi thăm các nhà hàng hoặc tiệm ăn nổi tiếng. Thy hay mua bánh ngọt và làm hoa giấy cho tôi. Rất may mắn nếu không nó sẽ ở ngay chỗ bom nổ tại Boston Marathon.
Vụ nổ này có khiến bà bị ảnh hưởng tâm lý không? Bà có trở lại đường chạy Boston Marathon, nơi bi kịch xảy ra?
Ông xã tôi ở rất gần trái bom thứ 2. Ông ấy biết tôi sẽ chạy đến đó. Hai năm liền sau đó, khi tới Boston, tôi và ông xã đi ngang qua chỗ đứa cháu trai 8 tuổi xấu số, tôi vẫn bùi ngùi nhớ lại Boston năm 2013. Kinh hoàng. Không bao giờ tôi cầm được nước mắt. Năm 2014, khi finish, tôi đã xỉu khi dẫm lên vạch đích. Nhìn bên mặt chỗ em Richard (cậu bé 8 tuổi bị chết vì bom - PV), tôi chỉ biết khóc. Người ta phải dìu tôi vào lều y tế. Tôi chỉ biết khóc. Tại sao những người đó phải chết vì cuộc chạy marathon của chúng tôi?
Lần đầu tôi đạt thời gian tiêu chuẩn nhưng không hoàn thành vì vụ bom khủng bố nên năm 2014, tôi chạy lại để lấy thời gian chuẩn cho giải 2015. Tôi chạy tổng cộng Boston Marathon 3 lần. Năm nay, tôi muốn chạy để kỷ niệm giải 50 năm. Katherine Switzer, người phụ nữ đầu tiên chạy Boston (có số Bib, Bobbi Gibb - nữ VĐV về đích đầu tiên chạy "chui", không có số Bib - PV) bị đuổi ra nhưng vẫn hoàn thành. Bà ấy sẽ trở lại chạy trong tháng 4 tới. Do bận tập luyện cho Triple 7 nên tôi không có thời gian để tập chạy tốc độ.
Nước Mỹ có 3 giải marathon thuộc 6 giải marathon lớn nhất thế giới (Six World Majors), bà có ý định sưu tập đủ 3 giải này (và 3 giải còn lại không? (Berlin, Tokyo và London Marathon).
Có nhiều người người thường hỏi tôi câu này. Ông xã tôi sau khi chạy bộ được 40 năm, đầu gối đau nên chỉ chạy 1 hoặc 2 giải marathon. Chồng tôi muốn chạy giải London Marathon.
Các thử thách 'Triple 8' hay các thử thách phức tạp hơn có thể là gợi ý để chúng tôi có thể tham gia cùng nhau trong thời gian tới.
Động lực nào thôi thúc một phụ nữ 70 tuổi đăng ký tham gia Marathon Challenge '777'? Ở Việt Nam, phụ nữ nói chung và độ tuổi này nói riêng, đa số không có nhiều động lực tập luyện?
Tôi không thích câu nói phụ nữ không được làm cái này, cái nọ. Con trai làm được thì con gái cũng làm được. Khi chạy marathon, tôi đội nón nữ màu hồng tượng trưng ủng hộ đàn bà con gái trên thế giới.
Năm 1966, sau khi nằm nhà thương 1 tuần về nhà, tôi còn nhớ rất rõ. Ông cụ hàng xóm nhìn tôi mà nói "Đứa nào chọc ghẹo con, cứ nhìn thẳng vào mặt nói thế này, bom đạn không giết được tao, tao không sợ thằng nào hết". Không dè câu nói này mang lại sức mạnh tinh thần rất lớn cho tôi. Lớn lên, tôi luôn làm những gì người khác nghĩ tôi sẽ không thành công.
Nhiều runner, trong đó có runner Việt Nam hẳn có mong muốn được chạy giải ở Nam Cực. Chạy ở đó cảm giác ra sao, có như bà hình dung không?
3 năm trước, chúng tôi đã từng chạy Nam Cực. Khi đó nhiều tuyết hơn bây giờ. Gió lạnh và thời tiết thay đổi rất nhanh chóng. Nếu tập luyện được trong điều kiện giá lạnh, mặc đồ cho đúng thì không đến nỗi nào.
Được biết bà tập leo thang ở đài tưởng niệm trong hàng giờ đồng hồ hay chạy trên cầu Golden Gate bất chấp thời tiết, bài tập nặng nhất, workout dài nhất mà bà đã từng tập để chuẩn bị cho việc chinh phục “Triple7”?
Năm 2005, ông xã của tôi tập ở đài tưởng niệm trong 5 tháng trước khi chạy Great Wall Marathon (Trung Quốc). Chúng tôi đến đài tưởng niệm chỉ đế chạy lên xuống mỗi góc 100 bậc. Bắt đầu 3000 bậc, sau đó mỗi thứ 7 tăng lên. Trong ngày thứ 7 cuối cùng trước khi đi Vạn lý trường thành, chúng tôi leo 8500 bậc. Riêng đối với Triple 7, tôi tập chạy leo bậc thang 2-3 lần/tuần ở đài tưởng niệm. Ngoài ra, tôi tập chạy thật nhanh và đi bộ xuống ở các khu đồi cao.
Khi tôi đi thăm con gái ở San Francisco, tôi đều dậy sớm, sửa soạn pha nước và bột Sport, chút ít tiền, balo, áo mưa, áo quần để thay nếu bị ướt khi đổ mồ hôi nhiều. Mỗi ngày tôi chạy cự ly dài từ marathon cho đến 32 dặm. San Francisco đứng hàng số 1 trong số 10 phong cảnh đẹp nhất dành cho người chạy bộ ở Mỹ. Mỗi ngày tôi chạy mỗi chỗ khác nhau.
Chế độ dinh dưỡng mà bà áp dụng trong 7 ngày như thế nào? Trước trong và sau khi chạy 1 marathon
Chuyện ăn uống khá khó khăn khi chạy ở nước ngoài. Tôi đem theo cốm gạo, cơm nấu sẵn trong hộp chỉ cần bỏ nước nóng vào, ăn với nước tương. Tôi thường chọn salmon, cá tươi hấp hoặc nướng, uống thật nhiều nước trái cây.
Bà làm thế nào để thích nghi với việc chênh lệch múi giờ, làm sao có thể quen để ra máy bay là chạy được ngay?
Không biết sao tôi làm được, dường như sau khi từ Mỹ qua Úc, bị kẹt lại ở Hong Kong 8 tiếng. Lúc ấy, thân thể, tinh thần, đầu óc đã quen với giờ giấc. Tôi không còn biết ngày giờ nữa, chỉ xem ở Mỹ là mấy giờ thôi.
Bà có muốn thử sức tham gia một giải chạy giải ultra marathon hay ultra trail trong thời gian tới không?
Tôi đã chạy mấy lần ultra marathon rồi. Michael và tôi thường chạy trail, chạy trên cỏ. Gác giải chạy mục tiêu sắp tới của tôi là Appalachian Trail.
Quá trình đăng ký kỷ lục Guinness người nhiều tuổi nhất hoành thành 7 marathon trên 7 lục địa trong 7 ngày của bà tiến triển đến đâu rồi?
Guinness sẽ cho biết trong khoảng thời gian từ 6 đến 12 tuần.
Thành tích tốt nhất của bà ở các cự ly?
Marathon nhanh nhất: 4 giờ 21 phút
Half Marathon nhanh nhất: 2 giờ 03 phút
Ngoài bà và chồng, còn có ai trong gia đình thích chạy bộ không?
Con gái tôi hồi học trung học có chơi tất cả các môn thể thao.
Ở Mỹ có hàng ngàn giải chạy. Việt Nam chưa được như thế nhưng cũng đã có thêm nhiều giải chạy bộ cho cộng đồng: LDR Half Marathon (tháng 1), Ho Chi Minh City Run, Da Nang Marathon, Longbien Marathon, Vietnam Mountain Marathon, Can Gio Marathon, Song Hong Half Marathon (tháng 12)… bà có mong muốn được ít nhất 1 lần chạy giải marathon ở Việt Nam không?
Ông xã tôi định chạy giải HCMC Run kỳ vừa qua những quá trễ nên ông ấy sang Singapore chạy. Tôi và ông xã muốn chạy Đà Nẵng Marathon nhưng lại trùng tuần lễ với một giải chạy ở bên này. Chúng tôi có thể chọn một giải chạy marathon ở miền Bắc trong một ngày gần đây.
Nhân ngày phụ nữ quốc tế, bà nghĩ thế nào về phụ nữ với thể thao nói chung và chạy bộ nói riêng?
Tôi rất vui. Không những người Việt Nam mà cả ở trên thế giới, phụ nữ chiếm phần nhiều, hơn 50%. Phụ nữ ngày nay không những phải làm việc, còn phải quán xuyến gia đình, con cái. Đa số không có thời gian cho chính mình.
Tôi nghĩ người phụ nữ bị thiệt thòi nên tôi ủng hộ. Nhất là về thể thao. Phụ nữ phải tham dự. Chỉ có chính mình có thể làm cho mình, không ai làm giùm mình được. Nếu chúng ta quan tâm, trân trọng bản thân hơn, chúng ta sẽ có được sức khỏe và hạnh phúc. Từ đó, mọi người trong gia đình cũng vui vẻ, hạnh phúc.
Bà có lời nhắn gửi gì đến độc giả của Webthethao?
Chúc các độc giả của Webthethao sức khỏe, an lành và hạnh phúc.
Cảm ơn bà đã dành thời gian. Chúc bà sức khỏe, giữ lửa đam mê với chạy bộ và có thêm nhiều trải nghiệm thử thách mới.