Yuta Shitara, VĐV chủ nhà, bất ngờ lội ngược dòng chiếm ngôi Á quân Tokyo Marathon 2018, được thưởng 100 triệu Yên nhờ xô đổ KLQG sau 16 năm.
Dickson Chumba (Kenya) đã trở thành nhà vô địch mới của giải Tokyo Marathon lần thứ 12 với thành tích hơn 2 giờ 05 phút. Tuy nhiên, Yuta Shitara, VĐV của nước chủ nhà, mới là nhân vật nổi bật nhất của Tokyo Marathon 2018, giải marathon đầu tiên trong chuỗi 6 giải marathon lớn nhất thế giới (6 World Marathon Majors) trong năm 2018.
Tokyo Marathon là thành viên của Abbott World Marathon Majors từ năm 2013. Đây là giải đầu tiên trong chuỗi 6 giải marathon lớn nhất thế giới được tổ chức rải rác trong năm: Tokyo, Boston, London, Berlin, Chicago, New York
Marathoner người Nhật đã về đích ngay sau Dickson Chumba và hoàn thành marathon trong khoảng thời gian 2:06:11. Anh đã vượt qua kỷ lục quốc gia marathon cũ chỉ 05 giây do Toshinari Takaoka lập được cách đây 16 năm tại Chicago Marathon (2:06:16).
Ở giải này, ĐKVĐ Wilson Kipsang, người hiện đang giữ kỷ lục giải (2:03:58), là ƯCV số 1 cho chức vô địch. Ngoài ra, các chân chạy châu Phi Bernard Kipyego (Á quân Tokyo Marathon 2016), Dickson Chumba (Vô địch năm 2014), Feyisa Lilesa (Vô địch năm 2016) đều được nhắc đến cho ngôi vị cao nhất.
Tokyo Marathon có 3 nhóm pacer:
Nhóm pacer để lập KLTG chạy với pace 2:54-2:55 (phút/km)
Nhóm pacer để lập KLQG Nhật Bản chạy với pace 2:58
Nhóm pacer dẫn chạy với pace 3:00
Cả 3 nhóm này sẽ chạy với pace mục tiêu trong 30km đầu tiên
Trái với những dự đoán trước giải, ƯCV hàng đầu Kipsang đã “rớt đài” từ km thứ 16. Sau 30km đầu tiên (có pacer dẫn tốc độ), nhóm dẫn đầu chỉ còn 6 người: Chumba, Feyisa Lilesa, Kenyans Amos Kipruto, Gideon Kipketer, Simon Kariuki, Hiroto Inoue. Tuy nhiên, ở 10km cuối cùng, Shitara đã có cú nước rút ngoạn mục khi anh dần thu hẹp khoảng cách lần lượt vượt qua từng đối thủ và chỉ chịu thua Chumba quá xuất sắc. Đây là màn trả thù ngọt ngào của Shitara bởi trong lần đầu tiên tham dự Tokyo Marathon 2017, anh chỉ đạt vị trí thứ 11 (2:09:27).
Yuta Shitara, sinh năm 1991, là VĐV chạy dài với các cự ly từ 5000m đến marathon. Năm 2015, Yuta Shitara từng tham dự giải VĐTG cự ly 10.000m và xếp hạng thứ 23 (30:08.35). Tại Rio 2016, chàng thanh niên 26 tuổi này xếp hạng thứ 29 cự ly 10.000m mặc dù thành tích cải thiện đáng kể (28:55.23).
Tháng 9 năm ngoái, Yuta Shitara cũng đã lập kỷ lục half marathon Nhật Bản khi anh hoàn thành trong khoảng thời gian 60:17 (60 phút 17 giây) tại một giải chạy ở CH Séc. 8 ngày sau đó, Shitara hoàn thành Berlin Marathon với thành tích 2:09:03.
Đầu tháng 2 năm nay, Shitara cho thấy anh sẵn sàng cho Tokyo Marathon khi đạt thành tích tốt nhất năm (1:01:13) ở một giải chạy khác tại Nhật. Yuta Shitara sẽ nhận được phần thưởng 100 triệu Yên (tương đương 936.000 USD) nhờ kỷ lục quốc gia mới được thiết lập.
Ở cuộc đua của nữ, ĐKVĐ Sarah Chepchirchir vắng mặt, để lại cơ hội đều cho tất cả. Berhanu Dibaba (Ethiopia) đã trở thành nhà quán quân mới với thời gian 2:19:51. Tuy nhiên, Amy Cragg mới gây ấn tượng hơn cả bởi VĐV người Mỹ phá kỷ lục cá nhân của mình tới hơn 5 phút với thời gian 2:21:42 để xếp hạng 3. Với thành tích này, Amy Cragg lọt vào Top 5 VĐV nữ chạy marathon nhanh nhất lịch sử Mỹ. Nhanh hơn 23 giây, Ruti Aga (Ethiopia) giành vị trí thứ Nhì (2:21:19).
Ở giải marathon lớn nhất châu Á này, Việt Nam cũng có vận động viên tham dự. Anh Nguyễn Hà Giang (Hội những người thích chạy đường dài LDR) đã hoàn thành sau khoảng 3 giờ 35 phút.