Chưa hết, nếu như UEFA thành công trong việc thắt chặt các quy định về số lượng cầu thủ tự đào tạo, bức tranh bóng đá châu Âu hứa hẹn sẽ trở nên tươi sáng hơn.
Chia lại “chiếc bánh” Champions League
Bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất thế giới và có lượng người hâm mộ đông đảo nhất, nhưng sự áp đảo đó lại không xuất hiện trong giá trị bản truyền truyền hình. Đơn cử, kể từ mùa giải 2015/16 thì Premier League ước tính sẽ nhận được khoảng 1,7 tỷ bảng (2,3 tỷ euro) mỗi năm từ truyền hình, còn Champions League kiếm được khoảng 1,6 tỷ euro. Để so sánh, giá trị bản quyền truyền hình của giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) là 2,6 tỷ USD (2,4 tỷ euro) mỗi năm, còn của giải bóng bầu dục Mỹ (NFL) thậm chí còn lên tới 5,8 tỷ USD (5,3 tỷ euro).
Rõ ràng là lượng khán giả của các giải bóng rổ hay bóng bầu dục chủ yếu chỉ tập trung tại Mỹ và không thể nào sánh bằng bóng đá, nhưng vì sao doanh thu từ truyền hình của NBA hay NFL lại cao hơn? Bởi vì ở một chừng mực nào đó thì NBA hay NFL là những cuộc tranh tài hấp dẫn hơn. Mức độ cạnh tranh trong bóng đá châu Âu đang giảm sút khi mà các đội bóng đến từ những nền bóng đá vừa và nhỏ hầu như không có cơ hội xuất hiện ở những vòng đấu cuối của Champions League chứ đừng nói là việc giương cao Cúp vô địch, điều vẫn thường xảy ra trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước. Champions League chỉ là sân chơi của một số CLB siêu giàu, những đội bóng vượt trội hoàn toàn phần còn lại về năng lực tài chính, và một phần nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch ấy là cơ chế phân phối thu nhập từ Champions League của UEFA.
Việc tham dự Champions League đương nhiên sẽ mang lại một khoản thu nhập rất đáng kể cho các CLB, nhưng phần thưởng của mỗi đội bóng lại không giống nhau. Công thức phân bổ thu nhập mà UEFA đang áp dụng cho phép các CLB đến từ những nền bóng đá lớn kiếm được nhiều tiền hơn hẳn so với đại diện của những nền bóng đá vừa và nhỏ ngay cả khi thành tích của họ là tương đương. Cụ thể, bên cạnh 55% tiền thưởng theo thành tích (thắng, hoà, lọt qua vòng bảng….), 45% nguồn thu từ Champions League sẽ được phân chia dựa trên giá trị thị trường truyền hình của từng quốc gia, quy mô thị trường truyền hình của một nước càng lớn thì số tiền mà các CLB ở giải VĐQG đó được hưởng cũng càng cao. Ở mùa giải 2013/14, La Liga được phân bổ tổng cộng 70 triệu euro (chia cho 4 CLB) trong khi giải VĐQG Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nhận được 6,5 triệu euro mà thôi.
UEFA cũng nhận ra điều này và đang dần thay đổi: kể từ mùa giải 2015/16, tỷ lệ tiền thưởng theo thành tích sẽ chiếm 60% và phần thu nhập cố định dựa trên giá trị của từng thị trường truyền hình chỉ còn chiếm 40%. Tất nhiên đây mới chỉ là một sự điều chỉnh nhỏ, nhưng nếu xu hướng này được giữ vững thì các CLB nhỏ sẽ có cơ hội gia tăng thu nhập từ Champions League và khoảng cách về sức mạnh tiền bạc giữa các đội bóng sẽ được thu hẹp.
Thêm cơ hội cho nhóm dưới
Những cải tiến trong cách thức tổ chức và điều hành Champions League chưa dừng lại ở đó. Việc sử dụng cơ chế xếp hạt giống mới (thay vì 8 CLB đứng đầu trên BXH hệ số như hiện nay thì các nhà đương kim vô địch của 7 giải VĐQG mạnh nhất châu Âu và đội ĐKVĐ Champions League sẽ được xếp vào nhóm hạt giống số 1) cũng là một trong những nỗ lực của UEFA nhằm tạo thêm cơ hội cho các đội bóng nhỏ và giúp Champions League trở nên bớt “khép kín”.
Theo đó, những nhà vô địch của BĐN, Nga hay Hà Lan sẽ được xếp vào nhóm hạt giống số 1 và sẽ tránh được những gã khổng lồ như Barca, Bayern, Chelsea hay Juventus ở vòng đấu bảng. Việc chưa phải đụng độ sớm với những đối thủ mạnh vừa nêu sẽ khiến cơ hội lọt vào vòng trong của những Benfica, Zenit hay PSV tăng lên đáng kể (theo nghiên cứu của các chuyên gia ĐH Harvard là Barrett Hansen và Brendan Kent, việc được xếp hạt giống có thể khiến xác suất đi tiếp của một đội bóng tăng thêm 24% nếu là ở vòng bảng và 16% nếu là ở vòng đấu loại trực tiếp).
Đương nhiên ảnh hưởng của việc sửa đổi cơ chế xếp hạt giống này là có hạn, bởi chỉ có khoảng 3-4 đội bóng được hưởng lợi trực tiếp từ nó, nhưng nó cho thấy rằng UEFA đang và (rất có thể) sẽ còn tiếp tục thay đổi. Hơn ai hết, UEFA hiểu rằng vấn nạn “nước chảy chỗ trũng” (các CLB giàu lại càng thêm giàu) là một điều rất tai hại đối với hoạt động kinh doanh của Champions League nói riêng cũng như của bóng đá châu Âu nói riêng và họ không thể trơ mắt ngồi nhìn con bò sữa của mình trở nên gầy guộc.
Có nhiều tiền cũng vô nghĩa?
Nếu không phải vì bị hạn chế bởi những điều luật về tự do cạnh tranh của Liên minh châu Âu, có lẽ UEFA đã tiếp tục thắt chặt các quy định liên quan đến số lượng cầu thủ tự đào tạo mà một đội bóng cần phải có trong biên chế. Trước đây, bắt đầu từ mùa giải 2006/07, UEFA đã yêu cầu các CLB cần phải có tối thiểu 8 gương mặt thuộc diện tự đào tạo, trong đó ít nhất 4 người trưởng thành từ lò đào tạo cầu thủ trẻ của CLB (4 người còn lại có thể được đào tạo tại các CLB khác tại quốc gia đó).
Quy định này ít nhiều đã buộc các đội bóng phải quan tâm hơn đến công tác đào tạo cầu thủ, nhưng chừng đó chưa đủ làm Chủ tịch UEFA Michel Platini cảm thấy thoả mãn. Hồi tháng 3 vừa rồi, Platini đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Chủ tịch LĐBĐ Anh Greg Dyke – người đang muốn gia tăng số lượng cầu thủ tự đào tạo mà các đội bóng Premier League bắt buộc phải đăng ký lên mức 12 kể từ mùa bóng 2016/17 thay vì 8 như hiện nay. “Đó (gia tăng số lượng cầu thủ tự đào tạo) là một điều mà tôi rất ủng hộ, không chỉ tại nước Anh mà còn trên cả châu Âu. Chúng tôi sẽ thảo luận với Uỷ ban châu Âu để áp dụng những điều khoản tương tự cho các giải đấu cấp CLB trên bình diện châu lục” – lời Platini.
Sở dĩ UEFA chưa thể áp dụng điều khoản đó ở Champions League là vì các quy định về số cầu thủ tự đào tạo của họ đang bị cho là mâu thuẫn với nguyên tắc tự do cạnh tranh mà Liên minh châu Âu đề xướng, trong đó mọi người lao động đều được đối xử như nhau mà không hề bị phân biệt đối xử dựa trên quốc tịch. Nhưng nếu như UEFA đàm phán thành công với cơ quan hành pháp lục địa già – một điều không phải là không thể xảy ra bởi bóng đá vẫn được EU xếp vào diện ngành kinh doanh đặc thù – để thắt chặt quy định, sự vượt trội về sức mạnh tiền bạc của các CLB lớn sẽ mất đi khá nhiều ý nghĩa (bởi họ sẽ phải đầu tư thời gian vào việc đào tạo và ươm mầm cầu thủ trẻ thay vì đi vơ vét tài năng từ các CLB nhỏ hơn như hiện nay) và bóng đá châu Âu sẽ trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều…
Cách đây khoảng 3-4 năm, nhờ sự hậu thuẫn của các ông chủ tỷ phú mà nhiều đội bóng Đông Âu như Zenit St.Petersburg hay Shakhtar Donestk đã gặt hái được khá nhiều thành công ở đấu trường châu lục và phần nào đóng vai trò đối trọng với các CLB Tây Âu. Không chỉ rót vốn vào các CLB trong nước, một số nhà tài phiệt Đông Âu còn mạnh tay đầu tư ra nước ngoài mà điển hình là trường hợp của Dmitry Rybolovlev (Monaco). Tuy nhiên những cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như chính trị tại Nga và Ukraine trong thời gian vừa qua đã khiến nhiều CLB ở hai quốc gia này lao đao, nhẹ thì đứng trước nguy cơ bị cắt giảm tiền tài trợ (Zenit) còn nặng thì có khả năng mất tới một nửa đội hình (Shakhtar, do thành phố Donetsk nằm rất gần khu vực chiến sự). Đó cũng là một phần lý do khiến cán cân lực lượng trong bóng đá châu Âu trở nên rất chênh lệch và buộc UEFA phải “ra tay”.
QUANG HẢI