Jerzy Dudek, cựu thủ môn ĐT Ba Lan và Real Madrid vừa mới phát hành cuốn tự truyện và ngay lập tức gây tranh cãi khi tiết lộ một số chi tiết liên quan đến Barca, trong đó dĩ nhiên đối tượng cụ thể mà Dudek nhắm tới chính là Lionel Messi.
Đại ý của Dudek, Barca-Guardiola và cá nhân Messi chỉ giỏi đeo cái mặt nạ đẹp đẽ, đạo đức giả tạo. Siêu sao người Argentina và các đồng đội của CLB xứ Catalan thường xuyên khiêu khích, thốt ra những câu chửi mỗi khi có cơ hội đứng gần Sergio Ramos, Pepe hay những cầu thủ Real Madrid khác.
Một đề tài khác liên quan đến cuộc đối đầu tại Berlin cuối tuần này cũng được chú ý không kém: ở sân Olympiasdation sẽ là cuộc tái ngộ giữa Luis Suarez với Giorgio Chiellini – người từng lĩnh nguyên hàm răng của Suarez trên vai tại World Cup 2014, giữa chân sút người Uruguay với Patrice Evra – người từng tố cáo phải nghe ngôn từ phân biệt chủng tộc thốt ra từ Suarez và cựu tiền đạo Liverpool sau đó bị treo giò tới 8 trận.
Chiellini và cả Evra đều khẳng định họ vẫn sẽ bắt tay Suarez, thậm chí trung vệ người Italia còn tuyên bố anh sẽ chủ động ôm Suarez.
Việc Evra bỏ qua quá khứ không phải vấn đề, bởi Chiellini đã chắc chắn lỡ trận chung kết vì chấn thương. Câu chuyện giữa 3 cầu thủ này hay cuốn tự truyện của Dudek có nhắc đến Barca với giọng văn dè bỉu, coi thường có một cái đích chung: “Barca, giờ thêm cả Suarez đang là bậc thầy của nghệ thuật hắc ám”.
Nghệ thuật hắc ám là gì? Một cách đơn giản nhất, là những hành vi phi pháp, xấu xa và đen tối với đối phương. Cuộc sống, hay trong phạm vi hẹp như bóng đá không bao giờ chào đón phong cách sống như vậy, tuy nhiên điều trái ngang là, nghệ thuật hắc ám lại là một trong những yếu tố đòi hỏi cho sự sống còn.
Bài viết không cổ xúy cho phong cách chơi bẩn, hay theo kiểu triệt hạ đối phương nhưng cần phải nói thẳng trong từ điển bóng đá không có từ “đáng yêu”, hay “đẹp” theo đúng nghĩa đen. Nếu ông chủ một CLB cứ mãi rao giảng và tự hào về thứ bóng đá đẹp, bóng đá “có giáo dục”, quả thực ông ta rất “đáng yêu”.
Dudek trong cuốn tự truyện có lẽ cố tình không nhắc đến việc Ramos, Pepe những “nạn nhân” của Messi, cũng là cái tên tiêu biểu cho “nghệ thuật hắc ám”. Hàm ý của Dudek muốn nói Messi và Barca không hề đạo đức như vẻ bên ngoài; vậy thì La Pulga cùng các đồng đội đúng là “bậc thầy của bậc thầy nghệ thuật hắc ám”.
Giờ chúng ta nên thành thật với nhau một chút rằng có bao giờ bản thân mình, có thể vô tình, sử dụng nghệ thuật hắc ám trong cuộc sống, công việc thường nhật?
Q. NGUYÊN