Dùng tiền “mua” thành công: Bình thường thôi!
Rạng sáng thứ Tư (01h45 ngày 26), ManCity sẽ tiếp Real Madrid ở lượt đi vòng bán kết Champions League sau khi vượt qua PSG ở tứ kết. Sự kiện này có thể xem như ví dụ mới nhất cho thấy cái giá lên đỉnh châu Âu hiện đắt đỏ tới mức nào, khi dự án của những người UAE không chỉ đem đến sân Etihad những trung vệ đắt giá như Eliaquim Mangala và Nicolas Otamendi, mà gồm cả các ngôi sao tấn công như Kevin de Bruyne với phí chuyển nhượng cao kỷ lục 56 triệu bảng. Và để biến Man City từ nỗi lo lên xuống Premier League như cơm bữa trở thành thế lực lớn ở cả Anh lẫn Champions League – sánh ngang các “đại gia” như Bayern Munich, Real Madrid và Atletico Madrid ở mùa này, tập đoàn Abu Dhabi United Group đã tiêu tốn hết 776 triệu bảng.
Nhưng đừng cười ManCity, vì muốn thành công, thông thường đều cần phải bỏ tiền mua, thậm chí có lúc muốn mua mà còn chẳng được. Vì ngay từ thập niên của những năm 1890, Sunderland từng đi tiên phong khi HLV Tom Watson xây dựng đội bóng thống trị làng túc cầu Anh bằng cách lôi kéo hết mọi cầu thủ nghiệp dư xuất sắc nhất Scotland. Bởi vậy vào thời đó, “Mèo đen” thường được gọi là “Đội bóng Toàn tài”.
“Mua” thành công theo kiểu cũ và mới
Đến đầu thế kỷ 20, tới lượt Middlesbrough bị cáo buộc “tìm cách giữ chỗ ở giải Hạng Nhất (VĐ Anh thời ấy) bằng cách mua sắm” với những bản hợp đồng chuyển nhượng có giá cắt cổ như Alf Common rời Sunderland với phí chuyển nhượng đầu tiên chạm mốc 1.000 bảng, thay vì tự phát triển cầu thủ “cây nhà, lá vườn”. Trong thập niên 1930 của thế kỷ trước, Arsenal được ví như “CLB Ngân hàng Anh” do 2 lần phá kỷ lục chuyển nhượng với David Jack và Bryn Jones.
Sang thập niên 1940 và 1950, Sunderland lại được nhắc đến qua các vụ chuyển nhượng kỷ lục của Len Shackleton và Trevor Ford. Nguyên nhân khiến các CLB nêu trên không tiếc tiền tậu cầu thủ đắt giá là do muốn gặt hái vinh quang kèm theo thu hút càng nhiều khán giả tới sân nên đánh đổi lại, các ông chủ chẳng ngại vung tiền chiêu mộ những người giỏi nhất và trả lương thật cao.
Cho rằng trong bóng đá, muốn thành công cần phải có tiền, thậm chí thật nhiều tiền chính là vì vậy. Ngay cả kỷ nguyên vàng của bóng đá Italia trong thập niên 1960 hoặc những danh hiệu vô địch Cúp C1/Champions League của Real Madrid huyền thoại cũng không là ngoại lệ. Vấn đề đáng quan tâm thật ra chỉ là hiện nay, phương thức dùng tiền mua thành công không còn như trước do bóng đá phát triển ngày càng phức tạp và tinh tế hơn. Blackburn Rovers đoạt ngôi vô địch Premier League năm 1995 có thể xem như cột mốc chuyển giao từ cũ sang mới với những vụ chuyển nhượng đắt giá ở Anh tiêu tốn hết 25 triệu bảng.
Giá “mua” thành công hiện nay cao tới mức nào?
Một thập niên sau kỳ tích Blackburn Rovers, Roman Abramovich tiếp quản Chelsea và bỏ ra khoản tiền lớn gần 10 lần như thế để có ngôi vô địch Premier League đầu tiên. Bởi chỉ riêng Hè 2003, chủ sân Stamford Bridge đã dùng 120 triệu bảng để “thay máu”, và thêm 92 triệu bảng nữa ở năm sau trước lúc đạt kết quả như ý cùng Jose Mourinho năm 2005. Chiến công này có thể xem là thời điểm cái giá cho thành công bắt đầu lạm phát. Hệ quả là năm 2008 khi Abu Dhabi United Group mua Man City thì tới năm 2012 lúc thầy trò Roberto Mancini đem về sân Etihad ngôi vô địch Premier League đầu tiên, 476 triệu bảng đã được chi để tăng cường lực lượng.
Dù vậy, tham vọng của các ông chủ ManCity như Sheikh Mansour không chỉ có như vậy, khi chấp nhận rót thêm 300 triệu bảng để chủ sân Etihad chen vào hàng ngũ “siêu sao” của Champions League. Vì vậy, HLV Laurent Blanc (PSG) rõ ràng đã lạc hậu khi trước trận lượt đi vòng tứ kết mùa này giữa hai đội, ông cho rằng đội nhà đang được đầu tư “nhỉnh hơn tí”. Trên thực tế, PSG thua xa lắc với vỏn vẹn 444 triệu bảng từ Qatar Sports Investments trong 5 năm qua. Điều đó giải thích tại sao tới nay, PSG vẫn chưa vào được tới bán kết Champions League, khác hẳn đoàn quân của Manuel Pellegrini được đầu tư tới 776 triệu bảng suốt 8 năm nay.
Xem ra, muốn biến một đội bóng vô danh trở thành “trùm” ở trong nước lẫn khu vực, không tốn gần tỷ bảng cùng thời gian gần chục năm e là chẳng xong.