->> Liverpool có thể "lấy công bù thủ" để vô địch Champions League?
Những chiến thắng vang dội mà Liverpool tạo ra ở Champions League cho thấy họ đang ở Top đầu kỷ nguyên "chiến thuật gây bão”, triết lý bóng đá hiện đại gây khiếp đảm cho đối thủ.
Bóng đá của nhiều đội bóng hàng đầu đang thay đổi mà chiến thắng 5-2 của Liverpool trước Roma trong trận bán kết lượt đi Champions League là một trong nhiều ví dụ xác nhận điều đó.
Họ đang chuyển sang một kỷ nguyên chiến thuật mới: Tấn công gây áp lực mạnh mẽ với tốc độ nhanh đến mức nó nên được gọi là “bão tố” với mục tiêu ghi càng nhiều bàn thắng càng tốt.
Đó là lý do tại sao người hâm mộ đang thấy rất nhiều chiến thắng lớn trong các trận đấu lớn.
Chỉ riêng ở các vòng knock-out Champions League mùa này đã chứng kiến những kịch bản như vậy: Porto - Liverpool 0-5, Liverpool - Man City 3-0, Liverpool - Roma 5-2, Barca - Roma 4-1, Roma - Barca 3-0, Basel - Man City 0-4, Bayern - Besiktas 5-0, Juventus - Real 0-3, Real - Juventus 1-3...
Liverpool là đại diện tiêu biểu nhất của “cơn bão” này. Phong cách Gegenpressing như người Đức gọi có nghĩa là gây áp lực cho hàng thủ đối phương ngay thời điểm mất quyền kiểm soát bóng, hòng giành lại bóng ngay gần khung thành đối thủ. Với Gegenpressing, cơ hội tiếp cận khung thành đối thủ và ghi bàn sẽ đến nhiều hơn.
Những kết quả - đặc biệt từ vòng 1/8 Champions League đến bán kết - cho thấy CLB lớn đã “gây bão” trong thời gian dài trước khung thành của CLB nhỏ, hoặc thậm chí tấn công đến cùng trước đối thủ ngang cơ hay kể cả mạnh hơn. Đó là sự thay đổi so với phương pháp tiếp cận cũ.
Bằng chứng cho xu hướng này là mùa giải Champions League năm nay có tỷ lệ ghi bàn cao nhất lịch sử, với 387 bàn trong 122 trận, đạt 3,17 bàn/trận.
Báo cáo của UEFA về mùa giải Champions League gần đây cho thấy, bàn thắng đã được ghi sau trung bình 10,62 giây khi CLB giành quyền kiểm soát bóng. Con số này ít hơn 8% so với 2 mùa trước (2014/15), điều mà UEFA cho rằng đây là bằng chứng về xu hướng tấn công trực tiếp hơn.
Lối chơi pressing "gây bão" nói trên không hoàn toàn mới. Trong những năm 1970, nó được các đội bóng như Leeds và Hà Lan sử dụng. Các CLB của Đức được trợ giúp bằng thể lực ở mức độ cao thường tăng tốc độ chơi, kéo hậu vệ và tiền vệ lên phía trước ngay khi đối phương có bóng.
Tại World Cup 1986, Liên Xô đi tiên phong về phong cách này khi hủy diệt Hungary 6-0. Họ tấn công trong một hai phút với tốc độ điên cuồng, ghi bàn, sau đó nghỉ ngơi một lúc bằng cách chuyền bóng quanh hàng thủ.
So với trước đây, lối chơi của những đội bóng “giội bom” hiện nay được đặc trưng bằng các màn chạy nước rút cường độ cao, được lặp đi lặp lại trong 1-5 phút.
Do đó, mức độ hoạt động của cầu thủ trong một trận đấu có xu hướng thay đổi, so với nhịp độ ổn định hơn theo truyền thống.
Milner là... "chân kiến tạo" hàng đầu ở Champions League mùa này
Trong các đội bóng như vậy, các hậu vệ cánh và cầu thủ chạy cánh thường dâng lên tấn công. Một số đội bù lại bằng cách bố trí 3 trung vệ. Công việc của hàng tiền vệ là để đoạt bóng với cường cao và ngay lập đưa lên cho các tiền đạo.
Đó là lý do tại sao tiền vệ của Liverpool, James Milner, một chuyên gia thu hồi bóng chứ không phải một cầu thủ sáng tạo, lại dẫn đầu Champions League mùa này về số lần kiến tạo.
Chẳng hạn như trong trận thắng Man City 3-0, Milner đoạt được bóng bật ra và chuyền ngay cho Alex Oxlade-Chamberlain thực hiện cú “nã đại bác” tầm xa.
Dưới thời Klopp, Liverpool đang hưởng lợi từ chiến thuật “gây bão” mà nó hứa hẹn sẽ còn phát huy tác dụng trong trận chung kết Champions League với Real Madrid sắp tới.