Đấy là câu chuyện của Crosetti, một phóng viên nổi tiếng của Italia, người đã tận mắt chứng kiến một trong những tấn bi kịch lớn nhất của bóng đá Italia và thế giới: thảm họa Heysel, xảy ra cách đây đúng 30 năm, ngày 29-5-1985, làm chết 39 cổ động viên, trong đó có 32 người Ý (trong đó có 2 phụ nữ, một trong đó, Giuseppina Conti mới 17 tuổi và 1 trẻ em 11 tuổi), khiến bóng đá Anh bị cấm thi đấu ở Cúp châu Âu trong vòng 5 năm. Một trận chung kết được chờ đợi trong hy vọng đã biến thành một thảm kịch như thế nào?
Một ngày ấm áp và nhẹ nhàng. Và rồi…
“Cô gái ấy có đôi môi nhỏ nhắn đỏ chót, hệt như cô vừa ăn một chút mứt dâu và rồi ngủ thiếp đi. Bầu trời trên đầu cô cũng có một màu đỏ đang loang ra, nhưng nhẹ nhàng, dường như đang bao trùm trong khắp không khí. Những cổ động viên của Liverpool cũng mặc những bộ quần áo màu đỏ rực sống động, với số lượng áp đảo những tifosi của Juventus. Những bức tường bằng đá của Bruxelles cũng có một tông màu đỏ như máu. Ngay từ buổi sáng hôm ấy, đã có một điều gì đó rất lạ lùng, một kiểu đe dọa mà không thể định nghĩa được bằng lời.
30 năm là một quãng thời gian xác định. Những đứa con của các nạn nhân đã ngã xuống ở Heysel bây giờ đã kiếm được việc làm, đã lập gia đình. Nhưng quá khứ, như những ngăn kéo chứa đầy sự kiện một cách thiếu ngăn nắp nhưng sạch sẽ và trong trẻo, bây giờ lại được mở ra. Bruxelles hôm ấy thật bẩn thỉu, ngập trong men bia và mùi nước tiểu. Vào lúc 10 giờ sáng, quảng trường trung tâm của Bruxelles đã đầy những cửa kính bị đập vỡ. Những nhóm cổ động viên Anh say rượu nằm lăn lóc trên các hè phố, đầu gối lên các thùng các tông, ngáy o o đến tận giữa trưa. Thỉnh thoảng, từ một cửa sổ mở toang, một vật thủy tinh nào đó được ném ra, nhắm về phía đám cổ động viên Anh lắm mồm, và rồi vỡ tung tóe như một quả bom. Trong khi chờ đợi trận đấu, đi bộ qua những đám người này cũng có khả năng bị thương. Hôm ấy là một ngày ấm áp và nhẹ nhàng.
Chúng tôi đến sân vận động Heysel trên một chiếc xe bus gắn dòng chữ “Italian press” (Phóng viên Ý). Đấy không phải là một ý tưởng hay. Một đám cổ động viên mặc áo đỏ đã bám lấy xe, gào lên những tiếng ầm ỹ. Khi xe dừng lại và chúng tôi bước xuống, họ phả vào chúng tôi mùi rượu bia nồng nặc. Trận đấu đẹp nhất thế giới đã bắt đầu như vậy sao?
6 giờ tối, chúng tôi có mặt ở lô dành cho các phóng viên trên sân Heysel. Hoàng hôn thật đẹp. Mặt trời lặn ngay phía sau khu khán đài của phía bên trái chúng tôi. Đấy là khán đài được gắn kí hiệu “Z”, chính là nơi diễn ra thảm họa Heysel. Ở đấy, người ta chờ đợi và chờ đợi là một điều tất cả vẫn hồi hộp làm trước những sự kiện thể thao lớn. Những người hâm mộ thể thao hít căng lồng ngực, ghi nhớ tất cả vào đầu. Tôi cũng thế, lúc ấy là một phóng viên trẻ, trong chuyến đi công tác xa Italia đầu tiên của mình. Lúc ấy, làm gì có điện thoại thông minh và những tấm ảnh chỉ có thể được chụp bằng mắt.
Những làn sóng rượu trên khán đài Z
Thế rồi, thảm họa ập đến. Đấy là lúc 7h20 phút tối. Khu khán đài Z đột nhiên rung chuyển vì một làn sóng điên rồ ập vào. Cả một biển áo đỏ các cổ động viên Liverpool, say khướt và điên loạn, cùng với gạch đá, chai bia, pháo sáng ùa vào nơi các tifosi Juventus đang đứng từ trước. Ai đó kêu lên thất thanh: “Nhìn kìa, họ đang tấn công”. Một, rồi hai lần. Không có nhiều người Ý ở đó (hầu hết các tifosi được bố trí ở khán đài đối diện. Những người Ý ở khán đài Z tự mua vé ở bên ngoài chợ đen). Nhưng trước làn sóng những người Liverpool ùa tới, trước sự bất lực của cảnh sát Bỉ, họ chạy dồn về một phía khán đài, bị chặn lại bởi một bức tường và chịu trận. Họ không còn đường thoát nữa. Một số ít người may mắn chạy ra được sân cỏ, thì họ lại bị cảnh sát Bỉ chặn lại và đẩy lùi bằng dùng cui. Thế rồi bỗng nhiên, bức tường của sân vận động cũ kĩ đổ xuống, gần như tất cả bị chôn vùi trong đống gạch đổ. Những người ấy đã bị xô đẩy, giẫm bẹp đến ngạt thở. Những cái xác chồng chất lên nhau.
Từ khu khán đài của tôi, có những người hiểu điều gì đã xảy ra, có những người bàng hoàng không hiểu nổi. Một ai đó thốt lên: “Có người chết kìa”. Và rồi như bừng tỉnh, chúng tôi chạy về phía ấy. Ngay lập tức, chúng tôi nhìn thấy. 5, 10, 12 xác chết được xếp thành hàng. Những xác chết. Những con người bất động. Những thanh sắt của sân vận động được dùng làm cáng. Cảnh sát chạy ngược chạy xuôi, thổi còi inh ỏi và tay khua lên những chiếc dùi cui. Rất ít y tá và cực ít bác sĩ. Cái chết ở khắp mọi nơi…
(Còn nữa)
TRƯƠNG ANH NGỌC (từ Roma, Italia, lược dịch)