03h00 (22/12) sân Emirates, Arsenal - Man City: Thế gia & trọc phú

chủ nhật 20-12-2015 22:56:07 +07:00 0 bình luận
Trận đấu tại Emirates rạng sáng mai có ý nghĩa quyết định ngôi vô địch Premier League mùa này hay không còn cần thời gian trả lời, nhưng có điều chắc chắn: Đây là hai mặt đối lập trong cách làm bóng đá của người Anh.

Pellegrini ghen tị với Wenger

Khi bước ra sân Emirates ở trận đấu muộn nhất của vòng 17 vào đầu tuần này, HLV Manuel Pellegrini (Man City) ắt hẳn sẽ không kìm nổi lòng hiếu kỳ và ao ước để quăng ánh mắt hướng về phía đồng nghiệp Arsene Wenger trong khu vực kĩ thuật của Arsenal rồi tự hỏi: “Thế quái nào mà lão ấy lại làm được như vậy!”. Bởi lẽ, chuyện tình giữa “Giáo sư” với các “Pháo thủ” thật sự là một kỳ tích trong bóng đá hiện đại.

Thử hỏi trong lịch sử bóng đá cận đại, có HLV nào như Wenger được trao quyền dẫn dắt một trong những đội bóng nổi tiếng nhất thế giới ở một trong những giải hấp dẫn nhất thế giới, với lượng CĐV thuộc loại đông đảo nhất thế giới, nhưng trong suốt 19 năm qua, có đến 11 năm không vô địch Premier League. Thậm chí tới nay, CLB London này còn chưa đăng quang Champions League lần nào.

Vậy mà trong suốt quãng thời gian dài dằng dặc ấy, Arsenal vẫn được đánh giá là vững mạnh dưới quyền HLV người Pháp. Và cho dù gió táp, mưa sa khiến nhiều đồng nghiệp danh tiếng khác tưởng chừng “bất khả xâm phạm” như Jose Mourinho còn phải xuống đài, Wenger vẫn bình chân như vại.

Ngược lại, Pellegrini lập ngay cú đúp ở mùa đầu tại Man City với ngôi vô địch Premier League và chiếc Cúp Liên đoàn, thậm chí còn có thể giành thêm nhiều danh hiệu nữa ở mùa bóng thứ 3 tại Etihad. Thế nhưng, nhiều khả năng chiến lược gia người Chile sẽ phải khăn gói ra đi vào tháng 5 tới! Lẽ công bằng ở đâu?

Thế gia như trời, trường tồn bất diệt

Đời làm gì có công bằng, chưa kể khác biệt này chủ yếu do Wenger ở Arsenal, còn Pellegrini chọn Man City. Đúng là tuổi thọ của hai đội chẳng xê xích nhiều, khi Man City hiện 135 tuổi, còn Arsenal vừa 129 tuổi. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy Arsenal đã tạo dựng được hình ảnh của một thế gia vững mạnh đủ để đương đầu với mọi thách thức của thời gian. Bằng chứng là cho tới nay, họ chỉ rớt hạng đúng một lần ở mùa 1912/13, thời còn mang cái tên nhà quê “Woolwich Arsenal”. Nhưng từ mùa sau đó, khi cắt bớt chữ “Woolwich”, Arsenal với gia huy mang tình khẩu thần công đã trở thành một trong những biểu tượng lớn nhất của bóng đá Anh.

Lại thêm 13 ngôi vô địch Anh rải đều suốt thế kỷ qua càng khẳng định triết lý để tồn tại của Arsenal không khác các thế gia: Chẳng cầu vinh quang, chỉ cần vững mạnh. Vì thế, nếu Arsenal không tận dụng 5 ngôi vô địch Anh ở thập niên 30 để soán ngôi Liverpool hoặc Man Utd thì cớ gì họ phải kỳ vọng 3 ngôi quán quân Premier League trong kỷ nguyên của Wenger tạo bàn đạp thống trị giải VĐQG và châu Âu?

Điều đó giải thích tại sao BLĐ Arsenal thường tỏ ra kiên nhẫn lạ thường! Họ càng có cơ sở để thể hiện như vậy vì theo quan điểm của các “Pháo thủ”, Wenger đang làm việc rất tuyệt khi biến Arsenal trở thành đội duy nhất luôn đứng trong Top 4 Premier League, thành tích mà chẳng có đối thủ nào so được. Arsenal chỉ cần vậy là đủ. Còn cái cảm giác cho rằng đội bóng thường hụt hơi khi sắp chạm tay vào ngôi vô địch thì họ chẳng quan tâm, cho dù thói quen ấy rất dễ chọc giận NHM.

Trọc phú háo danh, lạnh lẽo vô tình

Thế còn Man City? Đây đúng là gã trọc phú của bóng đá Anh với lịch sử trước lúc Pellegrini đến chỉ vỏn vẹn 3 danh hiệu VĐQG trong bộ sưu tập, mà mỗi danh hiệu thường cách nhau ít nhất 30 năm! Nghĩa là gần như mỗi thế hệ CĐV và BLĐ của Man City chỉ có thể chứng kiến đội nhà lên đỉnh đúng một lần trong đời. Do đó, 2 ngôi vô địch Premier League chỉ trong 5 mùa rõ ràng là bước đột phá kinh khủng. Một phần là do Pellegrini. Mặt khác, quan trọng hơn, đấy là nhờ sự góp mặt của Abu Dhabi United Group.

Thoắt cái trở thành “trọc phú” nhờ nguồn tiền từ Abu Dhabi United Group, Man City nhanh chóng lột xác để mấy năm qua, gần như mùa nào cũng có danh hiệu, khác biệt chỉ là lớn hay bé mà thôi. Và vì là trọc phú, quan điểm sống của Man City cũng rất khác Arsenal: Tiền không thiếu, nên cứ xài xả láng, chỉ cần mang về các danh hiệu. Kết quả là trước khi Pellegrini tới Manchester, HLV Italia Roberto Mancini từng kiếm được 1 Premier League, 1 FA Cup và 1 Community Shield trong 4 năm tại đây.

Ngặt nỗi, trọc phú còn có luật riêng và không nhẫn nại như đám thế gia. Vì vậy mà ngay khi vừa chân ướt, chân ráo tới Etihad, Pellegrini từng bị GĐĐH Ferran Soriano xối cho gáo nước lạnh khi tiết lộ chính sách của CLB là sử dụng HLV theo chu kỳ. Soriano giải thích: “Một chu kỳ ước khoảng 3, 4, 5 năm. Có lẽ một HLV đủ sức làm tốt 1-2 chu kỳ, nhưng làm nhiều quá thì mọi người sẽ mệt mỏi”. Sự thật này giải thích tại sao Mancini phải đi và giờ đây đang rộ lên thông tin Pep Guardiola sẽ rời Bayern Munich sang Man City thay cho Pellegrini.

Hơn ai hết, Pellegrini hiểu rõ đây chẳng phải chuyện đùa. Và bởi Man City không phải thế gia, ông rất dễ mất việc ngay cả kiếm được danh hiệu ở mùa này, không như Wenger chẳng phải lo cho tương lai, kể cả trường hợp Arsenal tiếp tục trắng tay. 

-Olivier Giroud hiện có tới 8 bàn chỉ trong 12 vòng qua của Premier League và 11 bàn ở 13 trận gần nhất tại mọi giải.

-2 bàn thắng ở Premier League mùa này của Kelechi Iheanacho đem về cho Man City 4 điểm, bằng tổng số điểm mà 9 bàn thắng của Olivier Giroud đem đến cho Arsenal.

-Mesut Oezil hiện in dấu giày ở 15 bàn trong 15 trận qua tại Premier League mùa này, bao gồm 2 bàn và 13 pha kiến tạo. Thông số này tốt hơn hẳn so với toàn bộ 22 trận của anh tại Premier League 2014/15, khi chỉ có 4 bàn và 5 pha kiến tạo.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm