Nhà nghèo hết mơ trèo cao
Champions League mùa này có vẻ cởi mở, chí ít là tới vòng 1/8. Nhóm “Big 3” vẫn nguyên vẹn với Barcelona, Real Madrid và Bayern Munich, nhưng bên cạnh họ còn có các tân binh Gent và Wolfsburg. Song song đó, Gent đánh dấu sự trở lại của Bỉ sau 15 năm vắng bóng, còn PSV Eindhoven chấm dứt 9 năm sớm chia tay giải của người Hà Lan. Không chỉ vậy, những lá thăm ngẫu nhiên còn tạo ra một cặp đấu đặc biệt. Tuy nhiên, nó không phải đại chiến giữa các tân binh, mà chính là cuộc thư hùng giữa Benfica với Zenit Saint Petersburg. Điều làm nên sức hấp dẫn của cặp đấu này ở chỗ: Benfica đại diện cho BĐN, còn Zenit thuộc Nga, có nghĩa là cả hai đều không thuộc nhóm 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu (“Big 5”).
Đối với UEFA, đây ắt hẳn là thành công lớn nhất của lễ bốc thăm khởi đầu cuộc đua nước rút tới Milan ở Hè 2016. Vì trong nhiều năm qua, tổ chức này thường bị chỉ trích về những cải tổ có phần thiên vị các đội mạnh, đặc biệt đại diện của “Big 5”. Bằng chứng là trước năm 1997 khi UEFA chỉ cho phép các nhà ĐKVĐQG được dự Champions League, mỗi mùa trước có tới 75% số đội dự vòng bảng đến từ các nền bóng đá không thuộc “Big 5”. Đến năm 1999, Champions League được mở rộng ra tới 32 đội thì đến mùa 2000/01, có tới 50% số đội góp mặt ở vòng bảng là thành viên của “Big 5”.
Còn trong hơn thập niên qua, số CLB nằm ngoài “Big 5” từng tiến vào tứ kết Champions League chỉ có đúng 10 đội, và chẳng có đại diện nào của nhóm này chen được vào bán kết. Thực trạng này hoàn toàn khác với thập niên trước, khi số đại diện nằm ngoài “Big 5” có mặt ở vòng tứ kết lên đến 16, bao gồm 6 đội đột phá tới bán kết, hai đội từng vào tận chung kết, thậm chí có đội còn lên ngôi vô địch. Từ thực tế ấy không khó nhận thấy cứ mỗi lần UEFA điều chỉnh hệ thống thi đấu của Champions League, ngôi vô địch càng khó thoát khỏi tay “Big 5”.
Muốn giàu phải chơi với giàu
Tiền phải đẻ ra tiền, đấy rõ ràng là phương châm hành động của UEFA mỗi khi cảm thấy cần phải cải tiến Champions League. Một chuyên gia nghiên cứu về thương mại trong bóng đá phân tích: “Không khó nhận thấy hệ thống thi đấu của Champions League và phương án phân phối doanh thu của UEFA kết hợp cùng các yếu tố khác trong suốt thập niên qua đã làm hỏng cán cân sức mạnh giữa phần còn lại của châu Âu với nhóm nhỏ CLB thuộc ‘Big 5’, đặc biệt là các đại diện của Đức, TBN và Anh. Thế nhưng, đừng ngạc nhiên, vì ‘Big 5’ đều thuộc các nước đông dân và có sức mạnh kinh tế hàng đầu châu Âu”.
Chuyên gia này cũng giải thích: “Dưới góc nhìn tích cực, điều kiện kinh tế khách quan tạo cơ hội cho các đội mạnh ở những cường quốc này đạt doanh thu tương đối cao nên họ có ưu thế trong việc đầu tư và thu hút những cầu thủ giỏi nhất trên thị trường chuyển nhượng. Nhờ sức mạnh kinh tế cho phép mua cầu thủ hay hơn để có những màn trình diễn xuất sắc hơn, họ dễ dàng thống trị ngôi cao trong BXH hệ số của UEFA. Về mặt tiêu cực, các CLB thuộc những cường quốc này có đội ngũ CĐV đông đảo và giàu có nên giúp UEFA bán bản quyền truyền hình với giá tốt hơn so với các nước khác”.
Khoảng cách giàu nghèo rõ ràng ngày càng tăng vì được dự vòng bảng mùa này đồng nghĩa với bỏ túi 22 triệu USD và góp mặt ở vòng 1/8 có giá 6 triệu USD nữa. Trong cuộc chiến sặc mùi tiền ấy, sở dĩ vài đại diện ngoài “Big 5” còn lọt sổ phần nào nhờ ý tưởng tách vòng play-off ra làm đôi của Michel Platini - Chủ tịch UEFA đang bị ngưng chức vốn rất ưu ái các nền bóng đá tí hon. Nhưng khi Platini xuống đài, rất có thể UEFA sẽ lại điều chỉnh hệ thống thi đấu theo hướng càng có lợi hơn nữa cho đám “Big 5” như đá xong vòng bảng thì xếp lại hạt giống ở từng vòng đấu loại trực tiếp để đôn các đội mạnh như Arsenal, PSG, Juventus lên và đẩy Zenit, Wolfsburg xuống… Trong bối cảnh cứ phải liên tục đối mặt “đại gia” cho tới tận trận chung kết, nhóm ngoài “Big 5” còn có đại diện vô địch rõ ràng là chuyện xưa nay hiếm, và điều đó có thể giải thích tại sao khi giúp Porto lên đỉnh, Jose Mourinho mặc nhiên trở thành vĩ đại.