Trong các môn thể thao dùng vợt, những trận đấu cầu lông thường kết thúc nhanh nhất. Trung bình một trận cầu lông nhà nghề kéo dài khoảng 40-50 phút, thậm chí càng ngắn hơn nhiều. Quãng thời gian này rõ ràng kém xa, nếu so sánh với quần vợt. Đó là lý do mà chỉ cần trận đấu kéo dài hơn 1 giờ ở nội dung đánh đơn đủ để được ví với marathon, một trong những cự ly dài nhất của môn điền kinh. Thế nhưng, đôi lúc cầu lông cũng có ngoại lệ.
Lật lại lịch sử cầu lông, nổi bật nhất là trận bán kết đôi nữ ở Giải cầu lông vô địch châu Á 2016 giữa Kurumi Yonao và Naoko Fukuman của Nhật Bản với Greysia Polii và Nitya Krishinda Maheswari của Indonesia. Trận đấu tại Vũ Hán, Trung Quốc vào ngày 30 tháng 4 năm 2016 bao gồm 3 game, kéo dài tới 161 phút (2 tiếng 41 phút), qua đó trở thành trận đấu cầu lông dài nhất mọi thời đại.
Đối với Kurumi Yonao và Naoko Fukuman, trận đấu này vô cùng quan trọng do để có suất dự Olympic Rio 2016 tại Brazil, họ cần vượt qua các đối thủ Hàn Quốc Chang Ye Na và Lee So Hee. Khi đến Vũ Hán, Kurumi Yonao và Naoko Fukuman đang kém đôi Hàn Quốc 3431 điểm trong bảng xếp hạng "Cuộc đua đến Rio". Nhưng thật tình cờ, Chang Ye Na và Lee So Hee cũng thi đấu trong trận bán kết còn lại với một đôi khác của Nhật Bản - Misaki Matsutomo và Ayaka Takahashi.
Những người đồng hương Nhật của Yanao và Fukuman là Matsutomo và Takahashi đã giúp họ rất nhiều, bằng cách đánh bại Chang Ye Na và Lee So Hee. Quyền quyết định nay nằm trong tay Yanao và Fukuman: Họ chắc suất đến Rio 2016 nếu vô địch châu Á. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng. Bởi lẽ, đối thủ của họ ở bán kết là đôi Indonesia Greysia Polii và Nitya Krishinda Maheswari cũng là hạt giống số 3 tại Giải vô địch châu Á 2016, trong khi Yanao và Fukuman không được xếp hạt giống.
Trước đó, bộ đôi người Indonesia còn cùng nhau giành huy chương đồng tại Giải vô địch thế giới BWF năm 2015 và huy chương vàng tại Asian Games năm 2014. Tuy nhiên, không ai ngờ cuộc đọ sức giữa Yanao và Fukuman với Polii và Nitya Krishinda Maheswari đã đi vào lịch sử môn cầu lông như trận đấu dài nhất mọi thời đại.
Trận đấu bắt đầu như mong đợi, khi Greysia Polii và Nitya Krishinda Maheswari dễ dàng thắng game đầu tiên với tỷ số 21-13. Tuy nhiên, Yanao và Fukuman đã thể hiện khá rõ quyết tâm lật ngược thế cờ trong game 2. Bộ đôi của Nhật đã giành giật từng điểm một, kéo đôi người Indonesia vào cuộc chiến lâu dài. Trong thế trận giằng co, đôi của Nhật kiên trì giành chiến thắng 21-19 để đẩy trận đấu vào game 3.
Ở game quyết định, hai bên so kè suốt hơn 1 giờ, quãng thời gian thường đủ để kết thúc một trận đấu cầu lông! Trong cuộc chiến bào mòn thể lực này, đôi người Nhật giành chiến thắng quyết định 24-22. “Đội Nhật Bản đã cổ vũ cho chúng tôi và chúng tôi cảm thấy tất cả chúng tôi đang cùng nhau chiến đấu", Fukuman nói với đôi mắt đẫm lệ và kiệt sức sau khi trận đấu kết thúc.
Trận đấu này dài tới 2 giờ 41 phút. Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF) công bố đây là trận đấu cầu lông dài nhất trong lịch sử - một kỷ lục vẫn còn tồn tại đến nay. Mặc dù BWF không có danh sách các trận đấu kéo dài lâu nhất được công bố công khai, nhưng đây là lần thứ hai có một trận đấu vượt qua ngưỡng 2 giờ.
Trận đấu còn lại vượt quá 2 giờ là chung kết đơn nam ở Giải vô địch thế giới IBF năm 1997 giữa Peter Rasmussen của Đan Mạch và Sun Jun của Trung Quốc. Tay vợt người Đan Mạch đã chiến thắng với tỷ số 16-17, 18-13, 15-10 sau một trận chiến kéo dài 124 phút (2 tiếng 4 phút). Đây được coi là trận đấu dài nhất trước khi Yanao/Fukuman và Polii/Maheshwari phá kỷ lục 37 phút. Tuy nhiên, Rasmussen vs Sun Jun vẫn được coi là trận đấu đơn dài nhất trong lịch sử cầu lông.
Yanao/Fukuman xem ra rất có duyên với những trận cầu bền do trước đó tại tứ kết cũng của Giải vô địch châu Á 2016, họ đánh bại Luo Ying và Luo Yu của Trung Quốc sau 117 phút, tương đương 1 giờ 57 phút. Nhưng thật không may cho Yanao/Fukuman: Đôi Nhật Bản không thể giành quyền đến Rio 2016 do ở chung kết thua các đồng hương Matsutomo và Takahashi - hạt giống số 1 tại giải này và sau đó giành huy chương vàng của Rio 2016.