Liên đoàn cầu lông thế giới (BWF) vừa thông báo về việc từ năm 2021, các giải đấu của tổ chức này sẽ sử dụng cầu lông nhựa tổng hợp thay cho cầu truyền thống làm từ lông gia cầm.
BWF cho biết quá trình nghiên cứu và phát triển cầu nhựa tổng hợp đã được tiến hành kiểm tra theo nhiều cách trong mấy năm qua cùng thương hiệu Yonex. Mục đích của việc thay đổi cầu là nhằm giúp cầu có hạn sử dụng dài hơn và giảm bớt chi phí tổ chức.
Cầu truyền thống làm bằng lông ngỗng nên trong quá trình thi đấu dễ bị hỏng, buộc các tay vợt phải đổi cầu vài lần trong mỗi trận. BWF cho biết với thay đổi cầu, số cầu sử dụng mỗi trận dự kiến giảm 25%, đồng thời đem lại lợi ích kinh tế cho môn cầu lông.
TTK BWF Thomas Lund đánh giá quyết định thay cầu là "bước tiến tích cực cho môn thể thao này". "Mục tiêu hướng tới là đảm bảo cầu không còn phụ thuộc vào vật liệu tự nhiên nữa," Thomas Lund tuyên bố. "Chúng tôi cũng nghe vài tay vợt hàng đầu thế giới tham gia thử nghiệm cầu nhựa của Yonex cho biết họ dễ dàng thích ứng với việc chuyển từ cầu truyền thống sang cầu nhựa tổng hợp. Đây là tin quá tốt."
Dù vậy, Thomas Lund cũng thòng lại một câu là hãy chờ xem phản ứng của các tay vợt ở World Tour ra sao. Trước đó, cầu nhựa mới được thử nghiệm tại 3 giải hạng thấp vào năm 2018 là Italian International, United States International Challenge và Indonesian International Challenge.
Tuy nhiên, huyền thoại Lee Chong Wei lại cho rằng khác biệt giữa 2 loại cầu là rất lớn. "Tôi không rõ người ta sử dụng cầu nhựa có phải là thứ mà chúng tôi từng dùng qua không. Nếu đúng vậy, khác biệt rất lớn," cựu sao 37 tuổi đã giải nghệ đánh giá. "Cầu nhựa không bay như cầu truyền thống, mà bay nhanh hơn."
Yeoh Seng Zoe - tay vợt Indonesia từng thử nghiệm cầu nhựa ở Indonesian International Challenge 2018 - tỏ vẻ không thích thay đổi này, ngay cả khi nhờ đó mà anh vào bán kết. Yeoh Seng Zoe tin rằng thay đổi cầu của BWF sẽ giết chết sức hấp dẫn của trò chơi.
"Tôi từng thử, nhưng cảm thấy cầu nhựa không phù hợp với các giải quốc tế vì làm giảm số pha đánh cầu qua lại," anh giải thích. "Cầu nhựa có lợi cho tay vợt thiên về tấn công. Nếu bạn có cú đập mạnh, chỉ cần đập 1 phát là có điểm. Thật sự rất khó kiểm soát tình hình. Các trận đấu sẽ kết thúc chóng vánh, làm khán giả mất hứng. Tôi không chắc người khác có nghĩ vậy không, nhưng tôi tin là thế."