Vậy là tại Copenhagen tuần này từ 21-27/8/2023, Viktor Axelsen và Anders Antonsen - những đại diện ưu tú nhất hiện nay của cầu lông Đan Mạch - đều không thể giành ngôi vô địch thế giới. Thật ra, ngay cả huyền thoại Peter Gade cũng phải bất lực trước thách thức chinh phục thế giới trên quê hương, khi chỉ giành huy chương đồng năm 1999. Để hình dung vinh quang lên đỉnh danh vọng ngay tại Đan Mạch lớn tới mức nào đối với những "lính chì dũng cảm", cần biết trong 17 tay vợt từng vô địch thế giới của đất nước Bắc Âu này, chỉ có Steen Fladberg, Jesper Helledie và Camilla Martin đăng quang trên quê hương.
Steen Fladberg và Jesper Helledie không chỉ là những nhà vô địch cầu lông thế giới đầu tiên của Đan Mạch, mà còn chiếm một chỗ đứng trong lịch sử khi trở thành đôi nam đầu tiên của đất nước này đoạt huy chương vàng giải VĐTG. Cầu lông Đan Mạch phải chờ tới 20 năm sau mới lại thấy Lars Paaske và Jonas Rasmussen lặp lại chiến tích đó. Thế nhưng, vầng hào quang năm 1983 của Steen Fladberg và Jesper Helledie vẫn bất diệt khi họ trở thành những nhà vô địch thế giới tại Copenhagen, sau khi đánh bại các tay vợt Anh Mike Tredgett/Martin Dew 15–10 15–10 ở chung kết.
Danh hiệu của Camilla Martin tại Copenhagen 1999 thậm chí càng ghê gớm hơn. Sau khi thua Han Jingna của Trung Quốc ở vòng 3 giải VĐTG năm 1997 tại Glasgow, Scotland, Martin được cho là đã có ý định giải nghệ trong thời gian ngắn. Cầu lông Đan Mạch đã rất may mắn do rốt cuộc, cô quyết định không thực hiện ý định đó, vì 2 năm sau, cô sẽ trở thành tay vợt nữ thứ 2 của đất nước này trở thành nhà vô địch thế giới nội dung đánh đơn, kể từ Lene Koppen tại giải VĐTG đầu tiên năm 1977.
Chỉ một tuần trước giải VĐTG 1999, Camilla Martin đã thua Dai Yun trong trận tranh ngôi vô địch Sudirman Cup. Vì vậy trên sân đấu tại Brondby Arena vào ngày 23 tháng 5, đại diện chủ nhà Đan Mạch đã cảm thấy áp lực, sau khi để Dai Yun san bằng điểm số, bất chấp cô đã dẫn trước 10-3 ở game 3. Trước đó, Camilla Martin thắng đối thủ Trung Quốc này 11-6, nhưng thua lại với cùng tỷ số ở game 2.
Hành động kế tiếp của Camilla Martin được xem như một trong những quyết định sáng suốt và mang tính bước ngoặt nhất của lịch sử Giải cầu lông VĐTG. Lúc đó 25 tuổi, cô giơ ngón tay báo hiệu cho trọng tài biết mình không chấp nhận "deuce", nghĩa là khi hòa 10-10 thì ai chạm mốc 13 điểm trước là thắng. Chiến thuật này khiến Dai Yun bối rối, khi Camilla Martin giành được quyền giao cầu và ấn định chiến thắng chung cuộc với tỷ số 11-10 bằng một cú bỏ nhỏ sở trường.
Camilla Martin sau đó cho biết: “Tôi chắc chắn rằng cô ấy đã nhìn thấy một ngón tay của tôi. Cô ấy trông có vẻ không tin khi tôi cảm ơn cô ấy về trận đấu này. Tôi đã chơi một trong những trận đấu hay nhất từ trước đến nay. Khi tôi đang dẫn trước 10-3, tôi nhớ cô ấy đã bứt lên và đánh bại tôi cách đây vài ngày. Đó là lý do tại sao tôi mất kiểm soát". Ngón tay của Camilla Martin giờ đây thậm chí có thể xem như biểu tượng của cầu lông Đan Mạch, vì từ lúc đó, chưa có đại diện nào của họ đăng quang đơn nữ tại giải VĐTG.