Huyền thoại cầu lông PV Sindhu trúng tiếng sét ái tình
Trong danh sách các vận động viên tranh Cúp Chiến Thắng 2024, cầu lông Việt Nam có 3 tay vợt được đề cử: Nguyễn Thùy Linh ở hạng mục Nữ VĐV của năm, Lê Đức Phát ở hạng mục Nam VĐV của năm và Nguyễn Thị Thu Huyền tranh hạng mục VĐV trẻ của năm.
Ở hạng mục Nữ VĐV của năm, Nguyễn Thùy Linh sẽ tranh phiếu cùng 7 "bông hồng thép" giống cô như Diệp Thị Hương môn canoeing, Phạm Thị Huệ môn rowing, Bạc Thị Khiêm môn taekwondo, Hoàng Thị Mỹ Tâm môn karate, Nguyễn Thị Thật môn xe đạp, Nguyễn Thị Bích Tuyền môn bóng chuyền và Trịnh Thu Vinh môn bắn súng.
Hành trang của Nguyễn Thùy Linh trong cuộc đua danh giá này là suất dự Olympic Paris 2024, nơi cô từng là vận động viên hiếm hoi của Thể thao Việt Nam có cơ hội tới Pháp với tư cách hạt giống.
Nguyễn Thùy Linh còn lập kỷ lục 3 lần vô địch đơn nữ Vietnam Open, sự kiện Super 100 này là giải đấu quốc tế lớn nhất mà nước ta đang tổ chức.
Nguyễn Thùy Linh cũng có một kỷ lục nữa trong năm nay với ngôi á quân mang tính lịch sử tại Đức mở rộng, sự kiện thuộc đẳng cấp Super 300 mà chưa có tay vợt nữ nào của Việt Nam từng vào tới chung kết.
Những chiến tích đó giúp cô duy trì vị thế trong Top 30 thế giới khi tiến đến Thế vận hội Mùa hè tại Paris, nơi chỉ có tay vợt hạng 11 thế giới Beiwen Zhang trong nỗ lực có đoạn kết đẹp cho kỳ Olympic cuối cùng của sự nghiệp mới cản bước của tay vợt đơn nữ số 1 Việt Nam.
Ở hạng mục Nam VĐV của năm, Lê Đức Phát sẽ chịu áp lực từ Trần Quyết Chiến môn Billiard Carom 3 băng, Phạm Quang Huy môn bắn súng, Lê Tuấn Minh môn cờ vua, Nguyễn Văn Khánh Phong môn thể dục dụng cụ, Lê Quốc Phong môn bắn cung, Hoàng Nguyên Thanh môn điền kinh và Lại Gia Thành môn cử tạ.
Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà Lê Đức Phát được chọn làm người cầm cờ cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại Lễ khai mạc Olympic Paris 2024.
Trên đường đến Paris, tài năng Quân đội đã quyết định tập luyện xuyên Tết năm nay để giành ngôi vô địch giải Uganda International Challenge 2024, qua đó gia tăng hy vọng lấy suất dự Thế vận hội Mùa hè. Tổng cộng, Lê Đức Phát bổ sung được 2 ngôi vô địch và 2 huy chương đồng quốc tế tại Uganda, Nigeria, Kazahktan và Bangladesh.
Riêng đối với Lê Đức Phát, vòng loại Olympic năm nay có thể ví như con đường đau khổ, vì không chỉ cần vượt qua các đối thủ “cân sức, cân tài”, mà còn phải chống chọi với những chấn thương.
Sau tất cả, Lê Đức Phát đã có mặt tại Paris. Trong ngày hội lớn của thể thao đa môn ở Pháp, Lê Đức Phát đã không gây thất vọng khi đánh bại Fabian Roth, tay vợt Đức từng trong nhóm trực tiếp tranh suất dự Olympic lần này với anh. Kế đến, Lê Đức Phát buộc hạt giống số 13 người Ấn Độ Prannoy phải lội ngược dòng để giành chiến thắng.
Cuối cùng là cô em út Nguyễn Thị Thu Huyền tranh giải VĐV trẻ của năm với Đặng Thị Hồng môn bóng chuyền, Nguyễn Thị Hương môn canoeing, Bành Gia Huy môn cờ vua, Phạm Lê Xuân Lộc môn xe đạp, Võ Thị Mỹ Tiên môn bơi lội, Trần Minh Trí môn cử tạ và Nguyễn Thị Nhi Yến môn điền kinh.
Nguyễn Thị Thu Huyền mới 13 tuổi, nhưng sớm có trong tay ngôi vô địch Giải đồng đội quốc gia 2024 và huy chương vàng đơn nữ Giải các nhóm tuổi thiếu niên quốc gia 2024.
Nhưng rõ ràng, dấu ấn lớn nhất của cô học sinh này trong năm nay là ngôi á quân giải Vô địch Cầu lông Trẻ châu Á 2024 lứa tuổi U15 - U17 vào tháng 8. Bởi lẽ, lịch sử cầu lông Việt Nam chưa từng có đại diện ở trận tranh chức vô địch tại một giải đấu thuộc cấp độ trẻ của châu lục.