Theo cựu vô địch cầu lông SEA Games Mohd Hafiz Hashim (Malaysia), đề xuất thay đổi hệ thống điểm từ 21x3 sang 11x5 sẽ có lợi cho những tay vợt thiên về tấn công và sức mạnh như Viktor Axelsen (Đan Mạch). Ngược lại, đây sẽ là bất lợi cho những tay vợt có lối chơi toàn diện hoặc có tư duy chiến thuật cao như số 1 thế giới người Nhật Kento Momota.
Điều oái oăm là tới nay, tay vợt hạng 4 thế giới người Đan Mạch đang có thành tích đối đầu kém hẳn đối thủ từng 2 lần VĐTG người Nhật: 1 thắng trong 15 lần so tài. Lần gần nhất Axelsen thua Momota là tại chung kết Malaysian Masters 2020 hồi tháng 1.
"Nếu áp dụng hệ thống điểm mới 11x5, chúng ta có lẽ sẽ thấy nhiều cú sốc. Vì ngay cả Momota, bất chấp việc đang thống trị làng cầu lông mấy năm qua, vẫn có thể dễ dàng thua đối thủ có thứ hạng thấp hơn hẳn," - Hafiz Hashim phân tích. "Thật đáng chờ mong xem Axelsen sẽ phục hận Momota như thế nào một khi hệ thống điểm mới được áp dụng.
Tôi đặt cược lúc đó tay vợt Đan Mạch sẽ thắng. Vì giống những tay vợt Đan Mạch khác, Axelsen luôn nhập cuộc với những cú đập dữ dội. Ngược lại, Momota khởi đầu thường chậm hơn. Nhiều lần chúng ta thấy Momota ở thế rượt đuổi trong 11 điểm đầu tiên. Sau đó Momota luôn vùng lên mạnh mẽ. Nhưng với hệ thống điểm 11 là thắng game, Momota sẽ không có đủ thời gian xa xỉ như vậy để tìm hiểu đối thủ."
Mohd Hafiz Hashim có lẽ là một trong những người hiếm hoi hiện nay hiểu rõ thay đổi trong lối chơi và chiến thuật sẽ như thế nào khi chuyển từ 21x3 sang 11x5. Bởi lẽ, anh từng là một trong những tay vợt cuối cùng từng trải nghiệm hệ thống điểm 7x5 giai đoạn 2001-2002.
Nhờ đó, anh thắng đồng hương Lee Tsuen Seng 7-3, 7-1, 3-7, 7-8, 7-4 để vô địch Commonwealth Games ở Manchester. Commonwealth Games 2002 chính là giải cuối cùng được Liên đoàn cầu lông thế giới (BWF, lúc đó còn có tên International Badminton Federation) tổ chức theo hệ thống điểm 7x5, thử nghiệm mới từ lúc sắp loại bỏ 15x3 ở các giải nam và 11x3 ở các giải nữ cùng đôi nam-nữ. Hệ thống 21x3 chỉ được giới thiệu từ năm 2006.