Ông Sang nhận xét như vậy từ cách đây 10 năm. Đến giờ, điều này vẫn hoàn toàn đúng. Thậm chí sự thật còn phũ phàng hơn nếu nhìn vào các tài năng trẻ đã “già”, nhân tố mới, cùng cách phát hiện đào tạo tập huấn của cầu lông Việt.
Hiện tại dù ở tuổi 37, đang ở sườn bên kia của sự nghiệp, tụt lại xa so với nhóm hàng đầu thế giới song Tiến Minh vẫn đang phải “gánh” cả cầu lông Việt tại các giải quốc tế.
Chính xác hơn, nếu không có Tiến Minh, môn này chẳng còn gì để thi thố với quốc tế. Tại các giải quốc nội, Tiến Minh chưa cần bung hết sức cũng thắng mọi “đàn em” dễ như lấy đồ trong túi.
Giới chuyên môn từng rất kỳ vọng vào một Phạm Cao Cường có thể kế tiếp đàn anh. Phát lộ tài năng một cách ấn tượng ở tuổi 16, Cường có xuất phát điểm lý tưởng hơn Tiến Minh nhiều, từ chiều cao trên 1,8m, con nhà nòi với hai người anh ruột từng là tuyển thủ quốc gia, lại được đầu tư trọng điểm cực sớm.
Thế nhưng đến giờ, tay vợt 24 tuổi vẫn đang nằm ngoài Top 100 đơn nam thế giới. Sau Tiến Minh, câu hỏi bao giờ có một tay vợt nam lọt vào Top 50, chứ chưa nói đến Top 20 hay Top 10, cũng chưa có lời giải.
Lực lượng nữ có vẻ nhỉnh hơn với nhiều điều kiện thuận lợi, song hai người dẫn đầu Vũ Thị Trang và Nguyễn Thùy Linh nếu lọt được vào Top 30 hay giành HCĐ SEA Games cũng đã là cả một kỳ tích.
Có lẽ cầu lông Việt, đúng như lời ông Sang, đừng hỏi bao giờ có Tiến Minh thứ hai, đơn giản vì những gì “tượng đài” này làm được quá khó và mẫu hình của anh quá đặc biệt.
Không thể có một tay vợt nào thể hình hạn chế, đặc biệt so với quốc tế, mà lại có thể trở thành một đấu thủ có tốc độ nhanh hàng đầu thế giới, với sự linh hoạt và bền bỉ hiếm có như Minh.
Cũng không thể có một tay vợt nào trong suốt 18 năm, tính từ khi gia nhập cầu lông đỉnh cao, ngày nào cũng như ngày nào tập luyện, sinh hoạt theo một quy trình chuyên nghiệp ngặt nghèo, với ý thức cùng sự cầu tiến cao độ.
Cũng không thể có một tài năng nào có sự hội tụ hoàn hảo giữa tài năng, sự khổ luyện, khát khao cháy bỏng của bản thân với sự chăm lo ủng hộ tuyệt đối của gia đình.
Ngoài ra, còn phải kể đến khả năng vượt lên mặt bằng chung thấp, những điều kiện hạn chế của cầu lông Việt.
Có lẽ, đích nhắm thời kỳ hậu Tiến Minh mà cầu lông Việt có thể đặt ra chỉ là việc phát hiện, đào tạo nên ngày càng nhiều tài năng trẻ, từng bước nâng cao thứ hạng, thành tích quốc tế vừa sức như Top 30- 50 thế giới, giành huy chương tại SEA Games và các giải tầm trung trong hệ thống của Liên đoàn Cầu lông Thế giới. Bên cạnh nội dung đơn, Việt Nam có thể tập trung cho các nội dung đôi, có phần dễ thở hơn.
Tuy nhiên ngay cả đích nhắm vừa sức ấy cũng đang vô cùng gian nan, gắn với những bó buộc, thiếu hụt lớn.
Như tổng kết vô cùng chính xác của chuyên gia Huỳnh Ngọc Liên, người nhiều năm gắn bó và đau đáu với môn này thì có ba nguyên nhân khiến cầu lông Việt Nam chưa thể đột phá, cho dù đang có một phong trào bùng nổ, một hệ thống tốt, một lực lượng VĐV đông.
- Thứ nhất, chúng ta chưa mạnh dạn thuê HLV chất lượng nên chưa có được chương trình đào tạo, tập huấn, thi đấu chuyên nghiệp.
- Thứ hai, chúng ta chưa có sự phối hợp giữa ngành Thể thao và Giáo dục để rồi nhiều tay vợt dưới 18 tuổi vì tập trung nhiều hơn cho việc học văn hóa mà chỉ tập luyện cầm chừng.
- Thứ ba, chúng ta không thiếu tài năng nhưng rất ít tay vợt trẻ Việt Nam được tạo điều kiện thi đấu quốc tế thường xuyên để phát triển chuyên môn.
Thật đáng buồn, qua nhiều năm, cả ba “vấn đề” trọng yếu ấy vẫn chưa có chuyển biến gì, thậm chí nhiều mặt còn tệ hơn.
Và cầu lông Việt Nam vẫn “bó tay” trong việc phát hiện đào tạo tài năng trẻ và vô vọng trong mục tiêu có người tiếp bước Tiến Minh.
Và Tiến Minh sẽ mãi là một trường hợp đột xuất, ngoại lệ của cầu lông Việt.