Để chọn mua vợt cầu lông tốt và phù hợp cho người mới chơi, cần lưu ý những điểm sau:
Độ nặng hay nhẹ của vợt (số U)
Thông số này được ký hiệu bằng chữ U trên tem dán hoặc được khắc lazer gần phần đầu của cán vợt (ở phần cán tiếp giáp với thân vợt), hay in hẳn lên thân vợt (còn gọi là đũa vợt). Số U trên cán càng lớn, vợt càng nhẹ.
2U: 90-94 gr.
3U: 85-89 gr.
4U: 80-84 gr.
5U: Dưới 80 gr.
Với người châu Á nói chung, 3U (85-89 gr) là trọng lượng vợt vừa phải. Người có cánh tay và cổ tay khỏe có thể chọn 2U (90-94 gr). Nữ giới và trẻ em, thiếu niên có thể chọn loại nhẹ hơn như 4U (80-84 gr) hoặc 5U (dưới 80 gr). Nếu tính thêm trọng lượng dây và băng quấn cán, chiếc vợt sẽ nặng thêm trên dưới 10 gr nữa.
Nhưng thông thường, những chiếc vợt có trọng lượng nhẹ, trong khoảng từ 80-84g sẽ là lựa chọn lý tưởng nhất dành cho những người mới bắt đầu chơi. Trọng lượng nhẹ cho phép người mới chơi thay đổi và phục hồi tốc độ một cách nhanh chóng, đồng thời giúp giao cầu nhanh hơn và thay đổi hướng đánh, ứng biến nhanh hơn trong trận cầu.
Ngoài ra, trọng lượng trong khoảng từ 80-84g còn tạo điều kiện tốt hơn để người mới chơi tập luyện những kỹ năng khó như đánh cầu vòng qua cổ, qua vai mà hạn chế được những chấn thương có thể xảy ra.
Chu vi cán vợt
Thông số này có ký hiệu ghi bằng chữ G cũng ở trong tem, ngay bên cạnh số chữ U trọng lượng. Số G càng lớn, cán vợt càng nhỏ. Người có bàn tay to thường chuộng cán chu vi G2, G3, còn người trung bình trở xuống thường chọn G4, G5.
Như vậy, khi đọc tổng thể tem dán về tính chất vợt, có thể thấy 3UG4 hoặc 4UG5 thường là vợt hợp với người Việt. Chọn cán vợt phù hợp sẽ giúp người chơi cầm nắm vợt dễ chịu và chắc chắn hơn. Ngoài ra, chu vi cán có thể thay đổi bởi “cách quấn cán vợt”.
Có nhiều bạn thích quấn to để đập cầu mạnh hơn, hiệu quả hơn. Nhưng khuyết điểm của việc quấn to là người chơi rất khó xoay chuyển vợt, đặc biệt là trong những trường hợp từ tấn công sang phòng thủ. Khi quấn to, cán vợt gần như tròn và các cạnh bị bao cong nên rất khó để cảm nhận được mặt vợt, từ đó người chơi khó khăn hơn trong việc đánh cầu đúng điểm ngọt của mặt vợt.
Trường hợp khi quấn cán nhỏ quá, điểm lợi thế là tay cầm vợt sẽ linh hoạt hơn khi cán vợt gần như nằm gọn trong tay, nhược điểm của vợt quấn cán nhỏ là cầm sẽ lỏng lẻo, cảm giác không ổ định và đập cầu ít ra lực, chưa kể sử dụng quấn cán nhỏ và quá mỏng còn tăng nguy cơ chai tay, nhất là vị trí ngón trỏ khi chịu phần lớn lực đẩy trong các pha cầu.
Vì vậy, chọn cỡ cán vợt và cách quấn cán phù hợp với cỡ tay của chính mình là tốt nhất. Điều này phụ thuộc vào việc bạn chơi cầu thường xuyên, chăm chỉ luyện tập để tay có cảm giác đánh tốt nhất và thông qua quá trình đánh cầu lâu dài để tìm được cỡ cán vợt hợp với tay mình.
Chiều dài vợt
Chuẩn là min 665mm và max 680mm.
Vợt công: Nặng đầu (heavy head) hay offensive (công). Phù hợp với các cú đập, đánh mạnh, cầu đi sâu xuống cuối sân.
Vợt công - thủ: Cân bằng (even balance).
Vợt thủ: Nhẹ đầu (light head) hay defensive (thủ). Phù hợp với các cú chặn cầu, cắt cầu, đẩy cầu, chém cầu.
Những khái niệm này có khi được ghi trên thân vợt, chữ khá nhỏ, phải chú ý mới thấy. Người nào đánh công tốt có thể dùng vợt nặng đầu, lối chơi toàn diện có thể chọn vợt cân bằng và đánh thiên về thủ phản tạt có thể dùng vợt nhẹ đầu.
Hoặc nếu xét về tuổi tác thì người chơi trẻ khỏe, hay đập cầu, tạt cầu, lấy thế công làm chính thì thường thích vợt nặng đầu. Ngược lại, người cao tuổi, tuổi trung niên yếu sức hơn, hay đánh lắt léo, lấy thế thủ và thế gài cầu làm chính thì thường thích vợt nhẹ đầu.
Độ dẻo của vợt
Rất dẻo: Đánh cầu lắt léo, khó điều khiển cầu nhưng đối phương khó đoán hướng.
Dẻo: Đánh cầu nhẹ, khéo. Phù hợp lối chơi tiết kiệm sức và nặng về phòng thủ.
Trung bình: Loại này công thủ đều đạt mức độ trung bình. Với người chơi nghiệp dư giỏi, loại này rất phù hợp. Khi chọn mua loại này, nên chú ý đến trọng lượng và điểm cân bằng để chọn phù hợp với sở trường.
Cứng: Đánh cầu mạnh. Phù hợp với người trẻ, có sức mạnh.
Rất cứng: Cú đập cực mạnh, chuẩn xác. Cú giật cổ tay uy lực. Loại này phù hợp với các vận động viên chuyên nghiệp.
Người có lực cổ tay mạnh ưa dùng vợt thân cứng. Nếu lực cổ tay hơi yếu nên chọn vợt hơi dẻo hơn. Với vợt thân dẻo, độ linh hoạt khi sử dụng cũng cao hơn. Thực tế, các nhà sản xuất cũng có “chiêu” làm tăng độ dẻo thân vợt dù thân làm bằng chất liệu cứng, nói nôm na là “tăng lực”.
Dù sao, hiệu quả sử dụng các loại vợt “tăng lực” này còn tùy vào tài nghệ của người chơi chứ không cứ “tăng” là tốt. Ngoài ra, có nhà sản xuất ghi rõ trên thân vợt chữ offensive (công) hoặc defensive (thủ) cho dễ chọn cái hợp “gu”.
Nếu người chơi không phải là vận động viên chuyên nghiệp thì việc loại vợt nào chuyên dùng để đánh đơn hay đánh đôi cũng không quan trọng lắm. Dân phong trào thường lấy đánh đôi làm chính.
Với người mới chơi, nên chọn những cây vợt dẻo và nhẹ một chút cho dễ điều khiển. Khi đã đánh tốt thì mới cần chọn vợt khắt khe hơn.
Mức độ trợ lực
Không trợ lực: Cán bằng vật liệu thép, không trợ lực.
Có trợ lực ít: Cán bằng Graphite thường.
Có trợ lực: Cán bằng Graphite module cao*.
Trợ lực cao: Cán bằng Graphite module cao* có pha Titan hoặc các bon dạng sóng, cấu trúc Nano.
Trợ lực cao nhất: Cán bằng Graphite module* cao có titan, cấu trúc Nano nhóm, khung vợt rộng bản có muscle.
Thường những người mới bắt đầu chơi nên chọn loại vợt có điểm cân bằng thấp kết hợp với một trọng lượng nhẹ vừa phải, phù hợp với bản thân. Những cây vợt này tuy không cho phép sử dụng nhiều lực hơn cho cú đánh, tuy nhiên lại rất dễ để kiểm soát vì người mới chơi thiếu kinh nghiệm và sức ở tay yếu.
* Vợt chế tạo từ Graphite module cao mới có khả năng chống xoắn cán, khi đập mạnh cầu không trúng đường tâm dọc.
Cân bằng động
Chỉ số này giúp vợt không rung khi va đập với quả cầu.
Người mua có thể tự kiểm tra bằng cách ép chặt cán vợt lên mặt phẳng, lấy ngón tay bật nhẹ vào đỉnh vợt theo hướng vuông góc. Nếu đỉnh vợt rung thẳng, không lắc ngang là vợt cân bằng động tốt. Nếu lắc ngang là sản phẩm hỏng bị loại hoặc hàng giả.
Độ căng
Độ căng là yếu tố quan trọng cơ bản nhất khi chọn vợt cầu lông cho người mới chơi. Với người mới chơi thì nên chọn mức căng vợt trung bình, không quá căng. Đối với người chơi có kinh nghiệm lâu năm và có xu hướng sử dụng nhiều lực vào cú đánh thì sẽ thích một mức độ căng cao hơn ở khoảng 22-23lbs.
Thương hiệu
Sau khi lựa chọn vợt cầu lông qua thông số thì người mới chơi cầu lông nên chọn vợt theo thương hiệu. Hiện tại thị trường cầu lông có khá nhiều thương hiệu nổi tiếng và được nhiều người lựa chọn như Yonex, Victor, Lining, Apacs... Tuy nhiên, tùy vào điều kiện kinh tế mà người chơi sẽ có nhiều lựa chọn khác nhau.
Với giá từ 1 triệu trở lên, bạn có thể lựa chọn cho mình những cây vợt từ những hãng tên tuổi và chất lượng như Yonex, Victor, Lining… Đây là những hãng vợt lớn với công nghệ tối tân cùng chất lượng rất được đảm bảo.
Không những thế, những cây vợt này có các thông số cực kỳ ấn tượng, phù hợp với từng phong cách chơi và kinh nghiệm chơi cầu của bạn. Bên cạnh đó, những sản phẩm từ những hãng này luôn được bảo hành chuyên nghiệp.
Với mức giá dưới 1 triệu, bạn có thể chọn những hãng vợt như VNB, Proace, Apacs... Đây là những hãng vợt giá rẻ nhưng chất lượng cũng tương đối cao, kiểu dáng bắt mắt với độ bền chấp nhận được.