Việt Nam "lười" tập thể thao so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, sau Thái Lan, Singapore, Malaysia, Phillippines, Indonesia và chỉ nhỉnh hơn 2 quốc gia láng giềng Lào, Campuchia.
>> "Running man" chạy từ Hồ Gươm lên Nội Bài đón U23 Việt Nam trở về
>> Runner chạy marathon trong đêm cổ vũ U23 Việt Nam chiến thắng
Đây là dữ liệu được chỉ ra từ "Bản đồ thể thao toàn cầu" năm 2017 của Strava, 1 trong 5 ứng dụng theo dõi các hoạt động thể thao "hot" nhất hiện nay. Ứng dụng này được hơn 10 triệu lượt tải và cài đặt trên chợ ứng dụng Android.
Ứng dụng Strava cho phép người dùng có thể theo dõi nhiều môn thể thao khác nhau: đạp xe, chạy bộ, bơi v.v…nhờ định vị GPS. Ở Việt Nam, Strava cũng là ứng dụng được người chơi thể thao sử dụng nhiều nhất, nhất là đạp xe và chạy bộ.
“Bản đồ thể thao toàn cầu” này được Strava thu thập từ hơn 1 tỷ hoạt động công khai của người dùng. Các hoạt động thể thao được người sử dụng đánh dấu riêng tư, không chia sẻ ra bên ngoài thì sẽ không được Strava đưa vào. Ngoài ra, những hoạt động thể thao ảo như đạp xe trong nhà với phần mềm giả lập Zwift cũng không được tính bởi nó tạo ra các dữ liệu GPS giả.
Trên toàn thế giới, Mỹ và châu Âu là 2 khu vực rực sáng nhất trên bản đồ. Điều này cũng không có gì lạ bởi 2 khu vực phát triển này luôn đi đầu về công nghệ. Người tham gia chạy bộ, đạp xe rất nhiều và quan trọng hơn cả là đa số đều sử dụng thiết bị theo dõi như smartphone (cài ứng dụng theo dõi chạy bộ, đạp xe) hay đồng hồ GPS.
Ở khu vực châu Á, cường quốc Nhật Bản là quốc gia yêu thể thao nhất khi gần như cả lãnh thổ Nhật Bản được tô sáng. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam còn “le lói” khá khiêm tốn. Thái Lan, Phillippines, Malaysia, Singapore và Indonesia đều cho thấy người chạy bộ rất nhiều. Việt Nam chỉ nhỉnh hơn được 2 quốc gia láng giềng Lào và Campuchia.
Trên dải đất hình chữ S, Hà Nội và Tp.HCM là hai thành phố đi đầu cả nước về phong trào thể thao. Hiện tại, hai "đầu tàu kinh tế" của cả nước này có khá nhiều nhóm chạy bộ đường dài thu hút từ 5000 tới hơn 1 vạn thành viên như Hội những người thích chạy đường dài (LDR), Sunday Running Club, VietRunners & Friends.
Dễ nhận thấy, người chơi thể thao, cụ thể là chạy bộ ở Hà Nội thường chạy bộ ở những nơi công cộng như Công viên Thống Nhất, hồ Gươm, hồ Tây, hồ Thành Công. Trừ công viên Thống Nhất hay hồ Tây, những địa điểm còn lại đều có diện tích khá hẹp. Ngoài ra, những nơi có hệ thống đèn chiếu sáng cũng thu hút người tham gia nhiều hơn vì an ninh được đảm bảo hơn.
Ở ngoài phạm vi trung tâm Hà Nội, Tam Đảo, Ba Vì và Sóc Sơn là 3 địa điểm được người chơi thể thao ghé thăm nhiều, nhất là các cua-rơ. Sa Pa (Lào Cai) rực sáng nhất miền núi phía Bắc bởi nơi đây là địa điểm diễn ra giải Vietnam Mountain Marathon, giải chạy qui mô lớn nhất Việt Nam trong 5 năm qua với cự ly dài nhất tới 100km.
Tại Tp.HCM, các runner đều tập trung chạy nhiều ở khu phố đi bộ Nguyễn Huệ, Dinh Độc Lập, các SVĐ, khu Bờ Kè, các khu đô thị hiện đại có nhiều đường chạy đẹp như Phú Mỹ Hưng (nơi tổ chức giải HCMC Marathon), Sala (nơi tổ chức giải HCMC International Marathon).
Ở khu vực miền Trung, Đà Nẵng là địa phương có nhiều người chơi thể thao nhất. Không có gì khó hiểu bởi thành phố đáng sống nhất Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để chơi thể thao, có biển, có núi rừng, thậm chí đường trong thành phố có làn riêng dành cho người chạy bộ. Các tỉnh, thành phố còn lại đều khá thưa thớt người chơi thể thao.
Bản đồ nhiệt của Strava mặc dù chỉ đưa ra kết quả của những người chơi thể thao có cài đặt và sử dụng Strava nhưng ứng dụng chạy bộ phổ biến nhất thế giới này phần nào cho thấy mức độ yêu thể thao hay tình trạng “sức khỏe” của một quốc gia.
>> Kế hoạch giúp bạn tập chạy 5 km trong 6 tuần
>> Trời rét dưới 10 độ C mặc gì để chạy?
Việt Nam vẫn đang là quốc gia lười quốc gia vận động nhất khu vực Đông Nam Á. Hi vọng, hình ảnh các tuyển thủ U23 Việt Nam thi đấu lăn xả trong 3 trận liên tiếp phải đá hiệp phụ tại giải vô địch U23 châu Á sẽ là liều thuốc kích thích để nhiều người Việt Nam tập thể thao hơn.