"Thanh niên" U50 chia sẻ bí quyết đạp xe xuyên Việt chỉ trong 10 ngày

thứ năm 4-1-2018 19:41:46 +07:00 0 bình luận
Một nhóm "thanh niên" U50 đã cùng nhau chinh phục thử thách đạp xe xuyên Việt thần tốc từ Hà Nội đến Sài Gòn chỉ trong 10 ngày.

Một nhóm "thanh niên" U50 đã cùng nhau chinh phục thử thách đạp xe xuyên Việt thần tốc từ Hà Nội đến Sài Gòn chỉ trong 10 ngày.

Đạp xe xuyên Việt là giấc mơ của nhiều người yêu xe đạp trên dải đất hình chữ S. Đạp xe rong ruổi khắp đất nước Việt Nam từ Bắc chí Nam trong nhiều ngày, thậm chí cả tháng thì đã có không ít người làm được trước đây. Tuy nhiên, đạp xe đi dọc từ Hà Nội đến Tp.HCM trong vòng 10 ngày thì không phải ai cũng dễ dàng làm được.

Nhóm đạp xe xuyên Việt khởi hành trong ngày mưa phùn rét mướt của Bắc Bộ
Nhóm đạp xe xuyên Việt khởi hành trong ngày mưa phùn rét mướt đặc trưng của cùng Bắc Bộ

Anh Nguyễn Tiến Hùng (sinh năm 1968) cùng anh Phan Anh Tuấn và nhóm bạn U50 của mình vừa hoàn thành chuyến đạp xe xuyên Việt ấn tượng theo đường mòn Hồ Chí Minh.

Hiện thực hóa giấc mơ "Đường mòn Hồ Chí Minh"

Thử thách bắt đầu được nhen nhóm từ ý tưởng của trưởng nhóm Phan Tuấn khi anh muốn đạp xe xuyên Việt theo con đường hiểm mà ít cua-rơ nào muốn đi.

"Ban đầu tôi chơi xe đạp chỉ vì leo Fansipan. Hồi xưa leo Fan vất vả tôi phải tập nhóm cơ đùi liền ra phố Bà Triệu sắm xe đạp địa hình MTB 2,5 triệu đồng tập. Anh bạn đồng nghiệp người Pháp hướng dẫn tôi cách đạp, cách chơi. Trong một chuyến đi đạp xe, tôi đã không thể theo kịp một cụ hơn 70 tuổi dù trước đó tôi tập gym thường xuyên. Đó là một trong những kỉ niệm khiến tôi nhớ nhất.

Dần dần, xe đạp chiếm trọn đam mê của mình" - Phan Anh Tuấn.

“Tôi có ông chú nhà vợ bị ung thư từng bày tỏ ước mơ được đi xe máy xuyên Việt theo đường mòn Hồ Chí Minh mà không thực hiện được. Do vậy, tôi muốn đi theo cung này để hiện thực hóa nguyện ước ấy. May mắn là anh Tiến Hùng cũng muốn đạp xe xuyên Việt đợt này”.

 

Anh Nguyễn Tiến Hùng (sinh năm 1968) trong lần đầu đạp xe xuyên Việt
Anh Nguyễn Tiến Hùng (sinh năm 1968) trong lần đầu đạp xe xuyên Việt

Cả anh Tuấn và anh Hùng đều không phải là những “tay mơ” mới chơi đạp xe phong trào. Anh Tuấn đến với môn thể thao đạp xe từ cách đây 14 năm. Người đàn ông sinh năm 1972 này nằm trong số ít người Việt chơi ba môn phối hợp sớm ở Việt Nam, từ đầu những năm 2000.

“Hồi đó, cuộc đua triathlon diễn ra ở Vũng Tàu chưa được tổ chức một cách quy củ, chuyên nghiệp. VĐV tham gia chủ yếu là người nước ngoài, lác đác vài người phía Nam. Ngay cả người chơi riêng môn xe đạp cũng đã là hiếm”, anh Tuấn nhớ lại. Sau này, theo lời khuyên của bác sĩ không chạy nên anh không chơi sâu ba môn phối hợp nữa mà chuyên tâm vào đạp xe.

Đến với xe đạp muộn hơn anh Tuấn tới 7 năm song anh Hùng cũng là dân tập thể thao lâu năm từ khi còn trong quân ngũ. Ở môi trường quân đội, anh thường xuyên tập hít xà, chống đẩy và chạy bộ. Đến năm 2010, khi chạy bộ khiến anh có cảm giác không thoải mái nữa, người kỹ sư của ĐHBK Hà Nội quyết định đi theo tiếng gọi của những vòng xoay xe đạp.

Các thành viên nhóm đạp xe xuyên Việt ''thần tốc'': Nguyễn Văn Sơn (1970), Hải Phùng (1963), Ngọc Sơn (1974), Phan Anh Tuấn (1972) và Nguyễn Tiến Hùng (1968)
Các thành viên nhóm đạp xe xuyên Việt "thần tốc": Nguyễn Văn Sơn (1970), Hải Phùng (1963), Ngọc Sơn (1974), Phan Anh Tuấn (1972) và Nguyễn Tiến Hùng (1968) tại Di tích lịch sử Km0 Đường Hồ Chí Minh

Chuẩn bị kĩ càng

Để chuẩn bị cho chuyến đi xuyên Việt cuối năm, anh Tuấn lên kế hoạch trước đó 3 tháng. Anh vạch trước lộ trình từng chặng: độ dài, cao độ elevation và năng lượng phải tiêu thụ của chặng đó dựa trên công cụ trợ giúp có sẵn trên mạng.

Với quãng đường từ Hà Nội đến Sài Gòn dài hơn 1700km thì tất cả phải đạp xe trung bình mỗi ngày gần 200km, nhiều chặng có đèo dốc cao. “Những người muốn đăng ký tham gia chuyến đi cần phải được biết thông tin về yêu cầu thể lực, kỹ thuật của các chặng để liệu sức mình”, anh Tuấn cho biết.

“Nếu hôm nào đạp thực tế chỉ có 8 tiếng thì chúng tôi lấy làm mừng”, anh Hùng bổ sung. “Bạn hãy hình dung phải ngồi trên yên xe đạp bé xíu trong 8 tiếng đồng hồ liên tục. Thời gian như vậy có thể khiến mông của bạn bị...toét lở ra. Cho dù tim phổi, cơ bắp của bạn vẫn hoạt động tốt nhưng mông bạn chưa chắc đã chịu được. Do vậy, yêu cầu đối với các thành viên là cần phải chuẩn bị luyện tập ngồi đạp xe tối thiểu 4 tiếng. Mông và lưng là 2 điểm yếu nhất của các cua-rơ chạy đường dài. Hai bộ phận này mà không khỏe thì khó lòng đi xa được”.

Chặng Trường Sơn đi Khe Sanh có quãng đường ngắn nhất (135km) nhưng có độ dốc cao (gần 1700m)
Chặng Trường Sơn đi Khe Sanh có quãng đường ngắn nhất (135km) nhưng có độ dốc cao (gần 1700m)

Nhóm đạp xe xuyên Việt U50 không hề có xe máy hay xe ô tô đi kèm mang theo đồ đạc hỗ trợ. Thay vào đó, các thành viên đều

ảnh quoteĐối với người mới chơi xe đạp thì xuyên Việt đáng để thực hiện.

Bạn cần chuẩn bị kĩ cho chuyến đi: thể lực, sắp xếp thời gian, phân bổ chặng hợp lý.

Sử dụng công nghệ để tìm hiểu đường đi, địa điểm ăn uống, nghỉ ngơi.

Bạn cần phải hiểu rõ bộ máy cơ thể của chính mình.

Ăn trước khi đói nghỉ trước khi mệt.

Sẵn sàng tinh thần “đơn thương độc mã”, tự sửa xe khi gặp tình huống xấu.anh quote

phải tự mang theo các đồ dùng sinh hoạt cá nhân, phụ tùng xe thiết yếu nhất để có thể tự xoay sở khi gặp sự cố bởi thợ sửa xe ngoài cũng không thể tìm hiểu hết các loại xe nên không phải ai cũng sửa chữa được. Hoặc nếu thợ có biết sửa thì chưa chắc đã có đồ thay thế.

“Đồ chuẩn bị càng nhẹ càng tốt. Thồ thêm 1kg đồ có nghĩa là bạn phải bỏ ra rất nhiều sức lực để mang theo. Quần áo đạp 2 bộ, áo gió, đồ mặc thường phục, đồ ăn nhanh, săm lốp, đồ sửa xe. Tổng cộng khoảng 5-6kg”, anh Tuấn chia sẻ.

Đặt quyết tâm trong lần đầu đạp xe xuyên Việt, anh Hùng thậm chí còn "kiêng", không động vào một giọt bia nào 10 ngày trước khi khởi hành. Trong suốt hành trình, anh và cả nhóm cũng tránh đồ uống có cồn ở các chặng nghỉ giữa đường 

 

Trong 10 ngày, nhóm đạp xe xuyên Việt gặp mưa 6 ngày
Trong 10 ngày, nhóm đạp xe xuyên Việt gặp mưa 6 ngày

Thử thách trên đường

Đối với anh Tuấn, chuyến đi xuyên Việt lần này mang lại rất nhiều cảm xúc ngay từ khi bắt tay vào chuẩn bị. Khi xem Google Map, vị trưởng đoàn không tránh khỏi băn khoăn khi thấy đường vắng heo hút, không có nhà dân. Anh lo lắng chuyện đoàn có thể gặp cướp hoặc những kẻ xấu chặn đường khi đi vào đoạn vắng.

Trong 10 ngày rong ruổi “thiên lý” thì có tới 6 ngày nhóm phải đạp xe trong những cơn mưa.

“Đoàn xuất phát từ Hà Nội trong cơn mưa phùn, rét mướt. Mỗi khi về đến điểm nghỉ buổi tối, chúng tôi phải vệ sinh xe, giặt quần áo cho khô. Nhờ có sự chuẩn bị tốt, thay đồ xe mới trước khi lên đường nên tôi không gặp sự cố nào. Cả nhóm tổng cộng bị 2 lần đứt xích và 3 lần thủng săm”, anh Hùng kể.

Đường dốc, heo hút không có nhà dân xung quanh, nỗi lo gặp cướp khiến anh Tuấn lo ngại khi chọn con đường khó nhằn để chinh phục
Đường dốc, heo hút không có nhà dân xung quanh, nỗi lo gặp cướp khiến anh Tuấn lo ngại khi chọn con đường khó nhằn để chinh phục

Trong số 10 chặng thì chặng từ xã Trường Sơn đi Khe Sanh ngắn nhất, chỉ khoảng hơn 130km nhưng cao độ tới 1600m nên cũng không “dễ nuốt” một chút nào. Ở những chặng cam go, các thành viên chỉ có thể tranh thủ nghỉ giữa chặng vài phút để tránh phải đạp xe cuối chặng trong đêm tối. Cẩn thận hơn, các thành viên mua thêm bánh chưng để ăn chống đói ngay trên yên xe.

Hội ngộ rồi chia ly

Khi đoàn đến ngã 3 Trường Sơn, 2 nhánh Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn khiến anh Tuấn lưỡng lự không biết nên đi vào đường khó hay đường dễ. “Tôi hỏi ý kiến anh em thì anh Hải, thành viên lớn tuổi nhất đoàn (sinh năm 1963), nói với tôi cứ đi đi. Những khó khăn nếu có tạo nên sự hấp dẫn của chuyến đi. Mọi người đã chuẩn bị ngay từ đầu để đối phó với khó khăn đó rồi thì cứ tiến lên”.

Đến ngày thứ 5, đội hình được chia tách làm 2 ngả khi anh Hùng quyết định đạp solo theo đường biển, trong khi các thành viên còn lại tiếp tục đi trên cao nguyên và cùng hẹn nhau ở Sài Gòn vào ngày thứ 10 (21/12).

''Năm anh em trên một chiếc xe tăng'' trên đỉnh dãy Trường Sơn huyền thoại
"Năm anh em trên một chiếc xe tăng" trên đỉnh dãy Trường Sơn huyền thoại

Trải nghiệm phải thử trong đời

“Trong 4 ngày đầu tiên, tôi ngày nào cũng bung tới 105% sức, toàn về sau đoàn 10-15 phút mỗi ngày. Thể lực bản thân bị bào mòn mà tôi nhẩm tính những ngày sau vẫn “nặng” không kém gì những ngày đầu. Tôi quyết định rẽ xuống đi đường ven biển, phù hợp với thể lực của mình hơn bởi tôi không phải gồng lên hết cỡ”, anh Hùng chia sẻ.

 

Nhóm đạp xe xuyên Việt trên cầu Dakrong
Nhóm đạp xe xuyên Việt trên cầu Dakrong

“Sau 4 ngày đạp chung cùng mọi người, tôi tách ra để đạp xe một mình theo đường biển, đi qua các cung Sa Huỳnh, Sông Cầu, Tuy Hòa, Mũi Né còn mọi người đi trên cao nguyên. Tôi đã có thời gian chiêm nghiệm những góc nhìn mới về những vấn đề cũ, về gia đình, về cuộc sống trong 6 ngày đạp xe một mình. Tôi nhận ra rằng “cuộc đời là những chuyến đi” hay “đi để trở về” không hề là những câu nói sáo rỗng. Có đi mới thấy đất nước mình đẹp và được gặp nhiều người thú vị. Có đi xa để nhớ những con người rất đỗi thân thuộc với mình”, anh Hùng đúc rút.

''Cuộc đời là những chuyến đi'', ''Đi xa để trở về'' không phải là những câu nói sáo rỗng
"Cuộc đời là những chuyến đi", "Đi xa để trở về" không phải là những câu nói sáo rỗng

“Đạp xe có cái hay là chúng tôi được đến thăm những vùng đất mới lạ, được ngắm nhìn cảnh đẹp đất nước mình một cách chậm rãi trên yên xe đạp, không phải môn thể thao nào cũng có được cơ hội trải nghiệm như vậy”, anh Tuấn trải lòng.

"Thể thao hướng đến cuộc sống lành mạnh. Khi đặt mục tiêu chơi thể thao cao hơn, xa hơn, nhanh hơn thì cuộc sống cũng càng lành mạnh hơn. Số cuộc nhậu nhẹt ngày càng giảm đi. Không thể vừa nhậu nhẹt nhiều mà chơi thể thao tốt được" - Nguyễn Tiến Hùng

Vừa khám phá vừa chinh phục thử thách tốc độ
Vừa khám phá vừa chinh phục thử thách tốc độ

“Khác với hình thức đạp xe ‘phượt’ xuyên Việt một cách thong dong, chúng tôi vừa đi vừa cảm nhận vừa khám phá vừa chinh phục thử thách về tốc độ. Còn nhớ năm 2003, tôi đạp xe 16 ngày trong tình trạng “lê lết” cùng anh bạn đồng nghiệp người Pháp. Hồi trước, tôi phải mua bản đồ địa chính giấy, tính toán ước lượng khoảng cách rồi lần mò đi thuê khách sạn, nhà nghỉ, chứ không có chuyện tìm thông tin rồi đặt phòng trước như bây giờ. Lần này, tôi và các anh em đạp xe với cảm giác được tận hưởng vô cùng”.

Hội ngộ tại Dinh Độc Lập sau 10 ngày rong ruổi trên quãng đường gần 2000km
Hội ngộ tại Dinh Độc Lập sau 10 ngày rong ruổi trên quãng đường gần 2000km

Sau 10 ngày, anh Hùng đã hội ngộ với nhóm bạn U50 của mình tại Dinh Độc Lập, kết thúc chuyến đạp xe xuyên Việt “hành xác” để đời.

"Sau nhiều chuyến đi, tôi nhận thấy media là yếu tố quan trọng. Nhiều lúc muốn chia sẻ với vợ con về hành trình mà ảnh và video ghi lại ít quá" - Phan Anh Tuấn. 

Chuyến đạp xe xuyên Việt qua các con số:

2.000: số km thực tế
24.500: tổng độ cao leo (mét)
34.000: số kcal tiêu thụ, tương đương với năng lượng của 12, 5kg thịt bò hoặc 220 lon beer, 160 bát cơm.
Lịch trình của nhóm Hà Nội - Tp.HCM
Ngày 1: Hà Nội - Thái Hòa, 258km, leo 2.030m
Ngày 2: Thái Hòa - Hóa Tiến, 232km, leo 2.031m
Ngày 3: Hóa Tiến - Trường Sơn, 170km, leo 3.281m
Ngày 4: Trường Sơn - Khe Sanh, 126km, leo 3.042m
Ngày 5: Khe Sanh - Đông Giang, 216km, leo 3.736m
Ngày 6: Đông Giang - Đak Glei, 170km, leo 3.464m
Ngày 7: Đal Glei - Playku, 192km, 1.974m
Ngày 8: Playku - Hồ Lak, 160km, leo 1.700m
Ngày 9: Hồ Lắk, Đồng Xoài 200km rẽ ql28 đi qua Gia Nghĩa
Ngày 10: Đồng Xoài -SG 110km
Lịch trình 6 ngày cuối của anh Tiến Hùng theo đường ven biển từ ngày 5:
Ngày 5: Khe Sanh - Huế: 130km
Ngày 6: Huế - Quãng Ngãi: 220km
Ngày 7: Quãng Ngãi - Sông Cầu: 215km
Ngày 8: Sông Cầu - Cam Đức (Cam Ranh): 212km
Ngày 9: Cam Đức - Phan Thiết: 217km
Ngày 10: Phan Thiết - dinh Độc Lập: 182km
Anh Nguyễn Tiến Hùng tại Dinh Độc Lập sau khi đạp xe solo 6 ngày cuối
Anh Nguyễn Tiến Hùng tại Dinh Độc Lập sau khi đạp xe solo trong 6 ngày cuối: "Không có sức khỏe thì không thể thực hiện được ước mơ"

 .

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm