Điền kinh Việt Nam từng làm được điều mà không nhiều môn khác có thể làm được là nhảy cao trở thành nội dung đầu tiên giành được huy chương vàng cấp châu Á ở môn Olympic. Tấm huy chương vàng với cú nhảy 1,88m của Bùi Thị Nhung tại Giải Vô địch châu Á 2003 tổ chức ở Manila (Philippines) đã trở thành dấu mốc son chói lọi cho điền kinh Việt Nam thời bấy giờ.
Đỉnh cao thành tích “thuở hàn vi”
Bắt đầu từ năm 2001 khi SEA Games 21 tổ chức tại Malaysia, nhảy cao Việt Nam xuất hiện một tài năng đầy triển vọng là Nguyễn Duy Bằng, chàng trai 19 tuổi đã giành tấm huy chương đồng với thành tích 2,11m, đứng sau các huyền thoại Loo Kum Zee (Malaysia, 2,18m) và Sean Guevara (Philippines, 2,13m). Thành tích 2,11m lúc đó trở thành kỷ lục quốc gia trong sự ngỡ ngàng của giới chuyên môn.
Rồi 2 năm sau đó, tại Giải Vô địch châu Á, một nữ VĐV nhảy cao khác đã khiến điền kinh Việt Nam nở mày nở mặt. Bùi Thị Nhung xuất sắc đánh bại hai đại kình địch thời bấy giờ là Miyuki Fukumoto (Nhật Bản) và Noengrothai Chaipetch (Thái Lan) đều có thành tích 1m84, để giành huy chương vàng châu Á với cú nhảy 1,88m.
Gọi đó là “thuở hàn vi” bởi khi đó với điều kiện thiếu thốn, điền kinh Việt Nam hoàn toàn không có danh tiếng trước những quốc gia được đầu tư kỹ lưỡng ở những môn Olympic… lại xuất hiện một tài năng cao trên 1m8 và đã đứng bục ở lần đầu tham dự SEA Games, cùng một cô gái nhỏ bé đã bay cao hơn cả những đàn chị danh tiếng…
Nhảy cao cùng giành “vàng” SEA Games
Từ những bước nhảy chập chững đầu tiên tại đấu trường Đông Nam Á, nhảy cao Việt Nam bắt đầu trở thành một “thế lực” khi huy chương vàng cả nam và nữ đều đã ghi danh các VĐV Việt Nam.
SEA Games 2005 tại Manila (Philippines) là kỳ đại hội mà nhảy cao Việt Nam thực sự thống trị. Đầu tiên phải kể đến “pha chuộc lỗi” của Bùi Thị Nhung khi chỉ giành huy chương bạc ở SEA Games 2003 trên chính quê nhà, dù trước đó vừa giành huy chương vàng châu Á. Cô gái Hải Phòng sửa sai bằng việc giành huy chương vàng với thành tích 1,89m. Chưa hết, Nguyễn Thị Ngọc Tâm cũng xuất sắc giành huy chương bạc với cú nhảy 1,86, đánh bại cả đương kim vô địch Noengrothai Chaipetch (Thái Lan), người chỉ nhảy qua mức xà 1,83m.
Còn ở nội dung nam, Nguyễn Duy Bằng đã đổi màu huy chương từ đồng 4 năm trước đó lên vàng năm 2005. Chàng trai quê Bến Tre “bay qua” mức xà 2,14m, không chỉ giành huy chương vàng SEA Games mà còn tự phá kỷ lục quốc gia 2,11m do mình lập năm 2011. Nguyễn Thanh Phong xuất sắc giành huy chương bạc với thành tích 2m11… qua đó khép lại kỳ đại hội thành công nhất cho nhảy cao Việt Nam với 2 huy chương vàng và 2 huy chương bạc.
Cùng với những thành tích ấn tượng trên, Nguyễn Duy Bằng hiện còn sở hữu thành tích 2,25m từng giúp anh đoạt huy chương đồng giải Các ngôi sao châu Á 2004 với kỷ lục 2m25. Đây cũng là kỷ lục quốc gia và là thành tích tốt hơn cả kỷ lục SEA Games 2,24m do VĐV Loo Kum Zee ( Malaysia) xác lập từ năm 1995.
Bên cạnh đó, Bùi Thị Nhung cũng sở hữu kỷ lục quốc gia 1,94m lập tại Giải điền kinh Thái Lan mở rộng ở Bangkok năm 2005. Đó đều là những kỷ lục quốc gia có dấu hiệu “không thể xô đổ” của nhảy cao Việt Nam.
“Sự thất truyền” của một môn thế mạnh
Từ những kỳ tích trên, nhảy cao Việt Nam dần đi vào thoái trào dù vẫn có thêm một vài kỳ SEA Games có huy chương vàng từ những VĐV kế cận. Ở nội dung của nữ, Dương Thị Việt Nam nổi lên là sự thay thế kịp thời nhất cho “nữ hoàng nhảy cao” Bùi Thị Nhung, người giải nghệ năm 2010.
Việt Anh bắt đầu có thành tích từ SEA Games 2009 tại Lào khi giành tấm huy chương đồng với thành tích 1,88m, xếp sau Noengrothai Chaipetch (Thái Lan), người nắm giữ kỷ lục SEA Games nhảy cao nữ 1,94m, đúng bằng thành tích Bùi Thị Nhung từng đạt được tại Giải điền kinh Thái Lan mở rộng 2005, và Wanida Boonwan (Thái Lan), người giành huy chương bạc với cùng thành tích 1,88m.
Dương Thị Việt Anh tiếp tục giành thêm huy chương vàng hai kỳ SEA Games tiếp theo năm 2011 (1,90m) và 2013 (1,84m)… trước có thành tích sa sút dần ở những năm tiếp theo. Năm 2017, Việt Anh chia sẻ huy chương vàng với Michelle Sng Suat Li (Singapore) khi có cùng thành tích 1,83m, giải đấu mà cô gái Bạc Liêu phải khóc tức tưởi vì bị xử ép.
Trong khi đó, sau khi Nguyễn Duy Bằng bất ngờ giải nghệ năm 2007, nhảy cao nam không còn tiếng tăm trên đấu trường khu vực nữa. Đào Văn Thủy được thay thế và cũng chỉ hai lần giành huy chương bạc năm 2013 và 2015 cùng với mức xà 2,13m, trước khi nhanh chóng bị quên lãng.
Dần dần, Nguyễn Thành Nhân cũng chỉ đem về tấm huy chương đồng năm 2017 với thành tích 2,18m, trước khi nhảy cao nam trắng tay tại Philippines tháng 12/2019. Nhảy cao nữ cũng chỉ an ủi bởi tấm huy chương đồng của Phạm Thị Diễm với thành tích khá thấp: 1,78m.
Rõ ràng, thành tích của nhảy cao Việt Nam đã thụt lùi rõ rệt. Những cá nhân tiếp bước Nguyễn Duy Bằng và Bùi Thị Nhung dù có thời điểm tỏa sáng nhưng thành tích cũng chưa thể nào vươn tới các đàn anh, đàn chị.
Lý do nhảy cao Việt Nam “thất truyền thành tích” là do chưa tìm được nhân tài, không được đầu tư đúng hướng hay vì những lý do nào khác?