Lệch đốt sống cổ vì tự tập thế bọ cạp
Chị Thu Hương (35 tuổi, thực hành yoga được 2 năm tại một trung tâm yoga ở Hà Nội do người Ấn Độ hướng dẫn) không quên được trải nghiệm đau đớn chỉ vì nóng vội thực hành yoga. Sau 1 năm tập luyện, từ một người chưa bao giờ tập thể dục, thể lực kém, yoga giúp chị nâng cao được thể lực và khá dẻo dai.
Khi đó, chị muốn thử sức thêm những thế khó cần kỹ thuật cao, như đứng bằng 2 tay hay tập thế bọ cạp.
Một lần, trong quá trình tự thực hành thế bọ cạp (cần khả năng tập trung kiểm soát khuỷu tay, vai, bụng tối đa), do chưa nắm được kỹ thuật cùng việc bị mất tập trung, chị ngã nghiêng người xuống sàn và không thể ngồi dậy. Rất may, lúc đó buổi tập vừa kết thúc nên vẫn còn lác đác vài học viên khác trong lớp và đưa chị đi cấp cứu. Bác sĩ chuẩn đoán chị bị lệch đốt sống cổ và buộc phải nghỉ tập một thời gian dài.
Từ đó đến nay khoảng 6 tháng, chị Hương vẫn chưa dám bước chân trở lại phòng tập.
Trường hợp của chị Hương không phải hiếm. Tại Việt Nam, chưa có thống kê nào cụ thể về lượng người phải nhập viện vì chấn thương khi thực hành yoga. Nhưng tại Mỹ, có nhiều tổ chức đã thực hiện việc thống kê chi tiết cả về số lượng người tập, phân chia theo độ tuổi cũng như số người gặp chấn thương trong yoga.
Trong một thống kê được công bố trên tạp chí sức khoẻ “Toyourhealth” của Mỹ, thời gian gần đây, số trường hợp chấn thương vì yoga tại Mỹ tăng đáng kể. Trong đó, chấn thương phổ biến nhất là bong gân (chiếm 34% tổng số trường hợp chấn thương); về khu vực chấn thương, thân dưới chiếm đa số với 42% tổng số trường hợp chấn thương. Số trường hợp bị thương nghiêm trọng tới mức không thể phục hồi chiếm 1%.
Thực hành yoga: Không vội được đâu!
Không thể phủ nhận lợi ích mà môn thể thao bắt nguồn từ Ấn Độ này đem lại. Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đều công nhận lợi ích của yoga: “Thực hành yoga và thiền rất hiệu quả trong việc giảm căng thẳng, âu lo, giải quyết các vấn đề về xương khớp cũng như cải thiện tâm lý”. Tuy nhiên, nó cũng là một môn thể thao và có nguy cơ gây chấn thương như bất cứ môn nào khác.
Thậm chí, theo tạp chí Canadian Living, yoga tiềm ẩn nguy cơ chấn thương cao hơn vì người tập thường mải mê thực hiện các tư thế mà quên đi một điều quan trọng khác: Chú ý tới sự thay đổi trong cơ thể cũng như các dấu hiệu cơ thể bị chấn thương.
Để hưởng trọn những lợi ích mà yoga đem lại, hạn chế tối đa chấn thương, điều đầu tiên người tập cần lưu ý là chọn HLV dày dặn kinh nghiệm, hiểu biết sâu rộng về giải phẫu cơ thể, nắm rõ tác động của yoga tới cơ thể người tập cũng như biết cách phòng tránh chấn thương cho người tập.
Khi bắt đầu thực hành, người luyện tập cần trao đổi, chia sẻ với HLV những chấn thương cũng như bệnh tật đang có (huyết áp cao, tim mạch, thoát vị đĩa đệm…) để HLV lưu ý tới bạn những động tác nào nên tránh.
Và, điều quan trọng nhất là: Người thực hành yoga cần khởi động kỹ, quan sát và lắng nghe cơ thể, tránh tình trạng chạy đua theo các học viên khác mà nóng vội, ép cơ thể quá đà dẫn tới chấn thương.
Minh Thư
“Tập yoga không phải để lấy thành tích. Hãy lắng nghe cơ thể trong quá trình tập luyện. Tập trung vào bản thân trong khi luyện tập và thực hiện mọi tư thế vừa sức của mình”.
Quốc Đạt, HLV Trung tâm AD yoga Hà Nội