Qua hai ngày đấu, có thể thấy rõ các tuyển thủ Việt Nam đã phải gồng mình gắng sức như thế nào ở đấu trường châu lục đỉnh cao quá khó, trong điều kiện thời tiết nắng nóng rất khắc nghiệt. Ngay cả chân chạy “thép” Phạm Hồng Lệ sau những nỗ lực tột cùng trên đường chạy 10.000m gần như không thể đứng vững và nôn khan khi về đích.
Một người có thể lực sung mãn và sự dẻo dai như Lương Đức Phước cũng đã kiệt sức, nằm vật ra sân và thở không ra hơi sau cuộc đấu “tới ngưỡng” với các đối thủ vượt trội cả về thể hình, trình độ ở nội dung 1.500m nam. Còn Nguyễn Thị Oanh nỗ lực tranh tài ở cự ly 1500m trong tình trạng sức khỏe không tốt (bị ốm)….
Điều kỳ lạ, trong tất cả các trường hợp như vậy, đều không thấy có một y bác sĩ nào của ĐTVN xuất hiện, để chăm sóc, hỗ trợ hay tư vấn cho các tuyển thủ như đáng ra phải thế.
Thật khó tin, nhưng đúng là điền kinh Việt Nam đã sang cử sang Thái Lan dự tranh giải vô địch châu Á với một đội hình gồm 20 tuyển thủ mà không có y bác sĩ nào theo kèm. Trước đó, trong suốt thời gian tập huấn chuẩn bị, đội cũng không có y bác sĩ chuyên trách nào.
Nếu tuyển thủ nào gặp vấn đề về sức khỏe, đau ốm hay chấn thương sẽ phải nhờ cậy đến phòng y học của các Trung tâm HLTTQG, nơi đảm trách việc chăm lo chung cho ĐTQG.
Theo tìm hiểu, nghịch cảnh không có y bác sĩ chuyên trách khi tập huấn hay dự giải quốc tế không phải là chuyện riêng của ĐTQG điền kinh. Những năm trước, như đội hình chủ lực của đội tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội đều có 2 y bác sĩ đồng hành trong từng buổi tập. Mỗi khi đội đi đấu giải đều có ít nhất một người được đưa vào danh sách.
Tuy nhiên, hiện tại ĐTQG khi tập trung hay dự tranh các giải đấu đều không có y bác sĩ do vướng mắc về thủ tục. Cụ thể, khi thành lập một ĐTQG không có chức danh riêng cho y bác sĩ, nên không thể triệu tập họ và cũng không có nguồn để trả lương.
Tại giải vô địch châu Á, nghịch cảnh không có y bác sĩ nào, khiến các tuyển thủ thua thiệt đủ đường, với nhiều nguy cơ về sức khỏe, chấn thương, thậm chí nếu không cẩn thận hoàn toàn có thể rủi ro dính doping khi dùng các loại thuốc điều trị các bệnh thông thường như cảm sốt viêm họng, đau bụng.....
Trong khi đó, các HLV cũng vất vả hơn nhiều, và luôn trong trạng thái lo lắng thấp thỏm cho thể trạng của học trò dù đã nỗ lực "kiêm nhiệm" việc chăm lo sức khỏe, phòng ngừa chấn thương cho quân của mình.
Công việc quen thuộc của các thầy cô, mất nhiều thời gian, sau mỗi buổi tập, ngày đấu là giúp học trò các bài tập, xoa bóp phục hồi. Cũng may, đến thời điểm này của giải, chưa có tuyển thủ nào gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe hay dính chấn thương.
Được biết, ngành thể thao cũng đang cố gắng tìm cách để giải quyết bài toán cấp bách ĐTQG tập huấn, đấu giải không y bác sĩ, nhất là với một đội có số lượng tuyển thủ đông nhất, nhiều nội dung nhất, với rất nhiều giải đấu quan trọng như điền kinh.
Theo thông tin mới nhất từ ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, ngay sau giải vô địch châu Á, ĐTQG điền kinh sẽ kịp có y bác sĩ chuyên trách để chuẩn bị cho Asian Games tại Hàng Châu vào cuối tháng 9 tới, như “đại quân” tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội sẽ có 2 người.