Hiện tại, miền Bắc đang trong những ngày lạnh nhất của mùa đông. Những ngày đầu năm 2019 ghi nhận nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, những vùng núi xấp xỉ trên dưới 0 độ C. Vậy nên, phải làm gì để giữ ấm và vẫn duy trì được thói quen tập thể dục?
Mới đây, Khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) mới tiếp nhận một nam bệnh nhân bị đột quỵ khi tập thể dục buổi sáng sớm tại khu vực ven Hồ Tây. Đây là địa điểm tập thể dục quen thuộc, đặc biệt là chạy bộ và đạp xe, của người dân thủ đô. Trường hợp trên được những người đi đường đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời.
Dấu hiệu của người bị đột quỵ
3 dấu hiệu cơ bản về đột quỵ dưới đây là điều mà tất cả mọi người nên biết:
+ Người bị đột quỵ có dấu hiệu: líu lưỡi, nói ngọng, méo miệng (liệt mặt), liệt nửa người, đau đầu đột ngột, choáng váng, chóng mặt, mất thị lực đột ngột… Khi gặp những người có dấu hiệu này, hãy nhanh chóng yêu cầu họ “Cười-Nói-Chào” để quan sát.
Theo các chuyên gia, khi bệnh nhân cười, chúng ta sẽ quan sát được khuôn mặt của họ có bình thường hay mất cân đối. Còn khi “nói”, chúng ta sẽ biết được bệnh nhân có líu lưỡi, nói ngọng không. “Chào” sẽ biết được tay họ có bị yếu hoặc còn cử động được không.
Nếu gặp những người có biểu hiện trên, hãy gọi ngay cấp cứu (số điện thoại khẩn cấp 115) hoặc tìm phương tiện đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý.
Cách sơ cứu đúng làm giảm nguy cơ tử vong do đột quỵ
Trước khi đưa được bệnh nhân đến bệnh viện, những người phát hiện ra họ có thể xử lý nhanh để làm tăng cơ hội sống sót hoặc giảm biến chứng.
+ Cho bệnh nhân nằm cao đầu. Để bệnh nhân nằm nghiêng nếu thấy có dấu hiệu nôn, tránh chất nôn trào ngược vào họng gây ngạt.
+ Không được cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì, kể cả nước lọc.
+ Tạo không gian cho bệnh nhân thở: không để đông người đứng vây quanh xem, cởi bớt khuy áo để ngực thoáng, lau sạch chất nôn, tháo răng giả (nếu có)… Đặc biệt, không xoa bóp, bấm huyệt hay tự điều trị bằng các loại thuốc khi chưa có chỉ dẫn của bác sĩ…
Những nhóm người có nguy cơ bị đột quỵ
Những người có các yếu tố nguy cơ như: cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, béo phì, hút thuốc lá… khi gặp yếu tố khách quan tác động như quá nóng hoặc quá lạnh dễ bị đột quỵ.
Trong những ngày lạnh giá, cơ thể có hiện tượng co mạch, huyết áp tăng đột ngột, gây xuất huyết và dẫn đến đột quỵ.
Những người có thói quen tập thể dục buổi sáng nên cân nhắc có nên ra khỏi nhà quá sớm (trước 4-5h sáng) hay không. Hãy lắng nghe cơ thể mình và cả thời tiết để không xảy ra trường hợp đáng tiếc.
>>> Từ vụ xe Lexus gây tai nạn ở Trích Sài: Hiểm họa với dân chạy bộ quanh Hồ Tây
>>> Muôn vàn cách chống rét của runner tại Hanoi City Trail 2019