HLV Vũ Ngọc Lợi cho hay, trước cuộc đấu quyết định trên đường chạy tiếp sức 4x400m nữ, các đội đều nghiên cứu kỹ đội hình, chiến thuật, thông số của nhau. Và có vẻ như việc nắm bắt thông tin tổ 4x400m nữ Việt Nam thuận lợi hơn cho các đối thủ, bởi cách đây hai tháng, chính bộ tứ Nguyễn Thị Huyền - Nguyễn Thị Hằng- Nguyễn Thị Ngọc - Hoàng Thị Minh Hạnh từng giành HCV SEA Games.
Huyền và Hằng thậm chí còn tranh tài đoạt HCV đường chạy tiếp sức 4 x400m hỗn hợp nam-nữ. Trong đó, ở cả hai nội dung này kỷ lục gia Nguyễn Thị Huyền đều là người chạy cuối mang tính quyết định.
Theo phương án dự kiến, bốn vị trí chạy ở chung kết giải châu Á trên đất Thái Lan vẫn được xác định giống như SEA Games 32 lần lượt là Ngọc- Hạnh- Hằng và Huyền. Thế nhưng như tiết lộ của HLV Vũ Ngọc Lợi, vào giờ chót, ban huấn luyện đã có điều chỉnh quan trọng, khi quyết định thay đổi vị trí chạy giữa Huyền và Hằng. Hằng sẽ chạy cuối còn Huyền chạy thứ 3. Có hai lý do dẫn đến sự điều chỉnh ấy.
Đầu tiên, Hằng đã chạy cực tốt ở đường chạy tiếp sức 4 x400m hỗn hợp nam nữ hôm trước, với phong độ ổn định, độ lì đáng nể. Trên thực tế, ở nhiều giải đấu, “chuyên gia chạy tiếp sức” này cũng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh người chạy cuối cho các đội tiếp sức của Hà Nội.
Và nguyên nhân thứ hai, xuất phát từ chính màn trình diễn, kết quả chỉ đứng hạng 5 nội dung cá nhân 400m rào nữ cùng sức ép khó tránh mà Huyền gặp phải. Để Huyền chạy thứ 3, BHL muốn phần nào đó giảm áp lực cho chị, đồng thời tận dụng tối đa khả năng tăng tốc, nước rút, đẳng cấp hàng đầu của cựu binh này nhằm tạo lợi thế trước lượt chạy cuối.
Và cuối cùng chiến thuật ấy đã thành công mĩ mãn, góp phần lớn vào thành quả là một tấm HCV ngoạn mục, thuyết phục, bên cạnh trình độ, quyết tâm cùng nỗ lực cao độ của các VĐV. Ở đây, những tính toán của ĐTVN đều đã đúng, khiến các đối thủ chính, như Sri Lanka, Ấn Độ và đặc biệt Nhật Bản phải bất ngờ.
Trở lại với diễn biến trên đường chạy, người chạy đầu tiên Nguyễn Thị Ngọc dù không có thể trạng tốt song đã thi đấu đầy nỗ lực để giúp Việt Nam duy trì sự bám đuổi và trao gậy ở vị trí thứ 4, không cách qua xa đối thủ xếp thứ 3.
Đến lượt Hoàng Thị Minh Hạnh chạy thứ 2 đã tốt lên trông thấy khi VĐV của Hà Nội tiếp tục vượt lên và bám đuổi hai đối thủ, đặc biệt là VĐV Sri Lanka. Để rồi đúng như dự báo của ông thầy ruột Vũ Ngọc Lợi, chính Huyền đã mang đến khác biệt khi chạy thứ 3.
"Bà mẹ một con" 30 tuổi này nhận gậy khi đang bị đối thủ Sri Lanka dẫn ngay phía trên và xa hơn là VĐV Nhật Bản. Dù vậy, Nguyễn Thị Huyền đã có màn bứt tốc vượt đối thủ Sri Lanka trước khi nước rút khó tin ở khoảng 80m cuối vượt vượt qua cả VĐV Nhật Bản để trao gậy cho Nguyễn Thị Hằng chạy cuối ở vị trí dẫn đầu với khoảng cách an toàn.
Từ bước ngoặt ấy, người chạy cuối Nguyễn Thị Hằng với những bước chạy sung mãn, bản lĩnh cao về đích đầu tiên.
Thông số chuyên môn 3 phút 32 giây 36 của các nhà vô địch châu Á Huyền – Hằng- Hạnh- Ngọc cao hơn thành tích 3 phút 33 giây 05 từng giúp chính họ đoạt HCV SEA Games 32 cách đây 2 tháng.
Nó cũng cao hơn thành tích 33 giây 22 của bộ tứ giành HCV giải vô địch châu Á 2017 mà giờ chỉ còn sót lại đúng Nguyễn Thị Huyền trong đội hình.
Theo giới chuyên môn, nếu được đầu tư trọng điểm, với sự tập trung cao nhất, đội hoàn toàn có thể tiếp tục nâng cao thông số chuyên môn, để có thể tranh chấp huy chương tại ASIAD ở Hàng Châu sau đây cũng chỉ hơn 2 tháng.
Các cô gái vàng 4x400m nữ tiếp sức vỡ òa hạnh phúc trả lời phỏng vấn ngay sau khi giành HCV châu Á 2023