Mới đây, ban tổ chức giải chạy Aoshima Taiheiyo Marathon 2019 ở Nhật Bản vừa đưa ra một quyết định khá thú vị. Theo đó, các vận động viên khi tham gia đua được phép sử dụng tai nghe nhạc, nhưng chỉ được phép đeo… một bên tai.
Quy định trên được đưa ra sau khi giải chạy này năm ngoái xảy ra một sự cố đáng chú ý. Một người đàn ông chừng 60 tuổi bị đau tim gần điểm km6. Các nhân viên y tế đã kịp thời có mặt để sơ cứu và đưa nạn nhân đi cấp cứu. Tuy nhiên, trên đường chạy có khá nhiều người đeo tai nghe nhạc nên không nghe thấy còi hiệu của xe cấp cứu. Điều này đã làm ảnh hưởng đến tốc độ xe cứu thương.
Ở một số giải chạy địa hình, việc nghe nhạc cũng bị cấm tuyệt đối. Đơn cử, tại giải Tailwind Penang Eco 100 ở Malaysia hồi tháng 6, nhà vô địch John Ellis bị ban tổ chức cộng thêm một giờ vào thành tích chung vì lỗi cố tình nghe nhạc khi chạy. Chân chạy từng vô địch giải Đà Lạt Ultra Trail 2019 hồi tháng 3 sau đó thừa nhận sai phạm và chấp nhận hình phạt.
Ở những giải 3 môn phối hợp, nơi các vận động viên vừa phải bơi, đạp xe và chạy, thì việc nghe nhạc cũng bị cấm tuyệt đối. Những người vi phạm sẽ ngay lập tức bị truất quyền thi đấu.
Vậy nghe nhạc có lợi hay hại gì mà phải có những quy định rõ ràng như vậy?
LỢI ÍCH:
- Tạo năng lượng tích cực: Vừa chạy bộ vừa nghe nhạc sẽ khiến người tập có thêm năng lượng tích cực hơn bởi được nghe những bản nhạc mình yêu thích. Việc nghe những giai điệu âm nhạc phù hợp với các bài tập thể dục sẽ khiến não bộ hưng phấn hơn, giúp người tập cảm thấy hứng thú…
- Giữ nhịp độ tập luyện: Một số người cho biết kết quả tập luyện của họ tốt hơn hẳn khi nghe nhạc. Các chuyên gia cho biết những bản nhạc có nhịp điệu rõ ràng, nhanh chừng 120 nhịp mỗi phút sẽ giúp người tập hoàn thành các bài tập có cường độ cao. Còn những nhịp nhạc chậm hơn 120 nhịp/phút phù hợp với các bài tập nhẹ nhàng, dễ thở…
- Tăng sức bền: Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Keele (Anh quốc), việc phát những giai điệu yêu thích trong lúc vận động có thể làm giảm sự mệt mỏi và giúp tăng cảm giác bắt nhịp. Người tập sẽ cảm thấy mất dần sự mệt mỏi, thay vào đó là nguồn năng lượng dồi dào sẽ khiến họ tập luyện được lâu hơn.
TÁC HẠI
- Gây nguy hiểm: Việc đeo tai nghe nhạc sẽ khiến bản thân người tập dễ gặp nguy hiểm nhất. Việc quá tập trung vào âm nhạc sẽ khiến người tập quên đi hoặc không để ý những mối nguy hiểm xung quanh. Ví dụ, người tập có thể bị ô tô, xe máy đâm vì không nghe thấy tiếng còi báo hiệu…
- Bị phụ thuộc: Nhiều người khi mới bắt đầu tập chạy đã có thói quen nghe nhạc. Nghe nhạc giúp việc tập luyện trở nên nhẹ nhàng và thú vị hơn nên rất gây “nghiện”. Chính vì thế, khi không có nhạc, người tập sẽ thấy mất cảm hứng, không còn muốn tập luyện, hoặc có tập nhưng không đạt kết quả như mong muốn.
- Giảm trải nghiệm chạy: Nếu người tập đã quá phụ thuộc vào âm nhạc khi chạy thì mối quan tâm duy nhất của họ chỉ là âm nhạc. Chính vì thế, thay vì lắng tai nghe tiếng chim hót trên cây, tiếng nước chảy róc rách bên đường hay những âm thanh, hình ảnh thú vị khác xung quanh… thì người đeo tai nghe nhạc sẽ bỏ qua hết những điều đó.
Chính vì vậy, hãy tạo thói quen tốt cho mình khi tập thể thao là đừng quá phụ thuộc vào các phụ kiện, đừng để những thứ khác làm ảnh hưởng đến trải nghiệm buổi tập của chính bạn, hay làm nguy hiểm tới bạn và người khác.