Topas là đơn vị tổ chức 3 giải chạy địa hình lớn nhất ở Việt Nam hiện nay là Vietnam Trail Marathon (Mộc Châu), Vietnmam Jungle Marathon (Pù Luông) và Vietnam Mountain Marathon (Sapa). Trước thềm VMM 2019 diễn ra từ 20-22/9/2019 tại Sapa (Lào Cai), HLV Henrik Leth Jorgensen chia sẻ kinh nghiệm của mình về chạy đường mòn.
- Anh đã đại diện cho đội tuyển quốc gia Đan Mạch tham gia các cuộc đua. Cảm giác của anh như thế nào trong lần đầu tiên tham gia? Thi đấu trong màu cờ quốc gia có ý nghĩa như thế nào đối với anh?
Lần đầu tiên tôi xuất hiện trong đội tuyển quốc gia là lúc 17 tuổi. Đó là một cảm giác rất đặc biệt khi cuối cùng tôi cũng đạt được một điều gì đó mà mình đã tập luyện trong một thời gian dài. Đại diện cho đội tuyển quốc gia luôn mang lại cảm giác khác biệt bởi vì lúc đó bạn không chỉ chạy vì niềm vui thích của bản thân mà còn bởi ai đó đã lựa chọn bạn, bởi vì họ tin rằng bạn có thể hoàn thành tốt nhất khi cần.
- Anh có thể chia sẻ về nền tảng chạy bộ của mình?
Tôi bắt đầu chạy bộ định hướng năm 1988 khi tôi 9 tuổi. Tôi đã có hơn 10 năm trong bộ môn định hướng của đội tuyển quốc gia. Sau đó tôi bắt đầu huấn luyện trong bộ môn định hướng và bây giờ là huấn luyện viên cho vận động viên ở tất cả cấp độ, từ những người mới bắt đầu đến vận động viên đội tuyển quốc gia. Cuộc đua dài nhất tôi từng tham gia là 246km.
- Anh cũng tham gia các cuộc đua mạo hiểm đồng đội, vậy đâu là chìa khóa để cả đội có thể phối hợp tốt cùng nhau?
Đội của tôi, Yeti, gồm 3 nam và 1 nữ bởi vì các cuộc tranh tài quốc tế luôn yêu cầu các đội hỗn hợp. Trong một cuộc đua đồng đội, việc bạn trung thực và cởi mở thực sự rất quan trọng. Bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, thật sự mệt, từ việc thiếu ngủ và bởi vì các cuộc đua kéo dài trong nhiều giờ liên tục (cuộc đua dài nhất tôi đã tham gia là 128 giờ).
Trong những thời điểm đó bạn cần phải rất trung thực với đồng đội về trình trạng của bản thân, cả thể chất và tinh thần, và nhận thức được khi nào các thành viên trong đội sẽ yêu cầu một điều gì đó (sự giúp đỡ, đồ ăn, lời khuyên). Đó là bởi vì họ nhìn thấy những điều mà bạn không nhìn thấy ở bản thân mình và họ cũng cố gắng để tối ưu hóa toàn đội.
- Đâu là cuộc đua khốc liệt nhất anh từng tham gia?
Một trong các cuộc đua khốc liệt nhất đối với tôi là Giải vô địch đua mạo hiểm thế giới (Adventure Racing World Championships) tại Brazil trong năm 2008. Nhóm của tôi đã đua trong 110 giờ với chỉ 12 giờ ngủ.
Khí hậu và thời tiết thực sự rất khác biệt so với Đan Mạch. Đua trong nhiệt độ cao hơn nhiệt độ cao nhất chúng tôi từng trải qua ở Đan Mạch ít nhất 10 độ rất khó khăn. Và các giai đoạn của cuộc đua dài hơn chúng tôi đã chuẩn bị cho nó. Hai lần trong suốt cuộc đua chúng tôi đã ngồi trên kayak của mình trong hơn 20 giờ. Chúng tôi đã gặp rắc rối với các đồ dụng cụ, tôi đã leo xuống một hẻm núi suốt đêm với chỉ một chiếc đèn đội đầu màu đỏ nhỏ xíu. Và tất cả các thành viên trong đội của tôi đều gặp vấn đề với bụng dạ trong suốt cuộc đua. Nhưng cả đội đã hợp tác rất tốt và chúng tôi đã làm được điều đó trong suốt cả chặng đường cho đến tận vạch đích.
- Ai là người có sức ảnh hưởng và/hoặc truyền cảm hứng lớn nhất đến anh?
Đó là huấn luyện viên của đội tuyển trẻ quốc gia khi tôi còn là vận động viên định hướng.
Anh ấy có rất nhiều kinh nghiệm và kiến thức, cũng như thực sự rất giỏi trong việc nhìn ra từng cá nhân phải tập luyện cái gì, chứ không chỉ dựa trên các kiến thức chung. Và anh ấy cũng khiến các nhóm chạy giúp đỡ lẫn nhau mặc dù chúng tôi là đối thủ của nhau khi chạy.
- Anh tổ chức các chuyến tập luyện chạy bộ đường mòn. Theo kinh nghiệm của anh, mọi người nên thay đổi điều gì nhất để cải thiện việc chạy bộ đường mòn của họ?
Tôi nghĩ điều quan trọng nhất đối với hầu hết các vận động viên chạy bộ tôi đã làm việc cùng là tầm nhìn. Học hỏi mọi người để nhìn xa hơn về phía trước cho họ thời gian tốt hơn để phản ứng trước các trở ngại. Và thực tế thì điều này khá dễ để tập luyện. Bạn có thể bắt đầu bằng việc nhắm mắt khi đi bộ. Và chỉ thỉnh thoảng mở mắt trong thời gian rất ngắn. Khi bạn cảm thấy an toàn bạn có thể bắt đầu chuyển sang đi bộ nhanh, vẫn giữ mắt nhắm trong phần lớn thời gian. Bạn sẽ mất một thời gian để làm quen, nhưng bạn có thể thử với tất cả các cuộc chạy của mình và sau một thời gian bạn sẽ cảm thấy an toàn trên các cung đường mòn.
Điều quan trọng thứ hai là nhịp chân của bạn. Có thể thay đổi nhịp chân khi cần thiết sẽ mang lại sự an toàn và tính linh động cho cuộc chạy của bạn. Điều này cũng dễ dàng để tập luyện, đặt các chướng ngại vật trên mặt đất, khoảng cách giữa chúng nên lớn hơn một chút so với chiều dài chiếc giày của bạn. Khi chạy qua các chướng ngại vật, hãy bước từng bước một giữa chúng và đẩy nhịp độ lên nhanh nhất có thể.
- Khi tập luyện cho một cuộc đua đường dài, một tuần tập luyện điển hình của anh diễn ra như thế nào?
Tôi cố gắng lên kế hoạch tập luyện theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn khoảng vài tuần, với mỗi giai đoạn tập trung vào một vấn đề cụ thể, nhưng cùng nền tảng cơ bản. Đó là bài tập chạy dài, chạy cường độ cao, chạy đồi và một cuộc chạy đơn giản. Ngoài ra, tôi cũng thêm vào các bài tập dài nếu đó là tuần tập luyện “sức bền” hoặc bài tập cường độ cao nếu đó là tuần tập luyện “tốc độ”.
Tôi cũng thêm một vài bài tập cụ thể tùy theo tính chất từng cuộc đua mà tôi đang tập luyện. Ví dụ, khi tập luyện cho Everesting.dk tôi đã có 4 tuần tập luyện đặc biệt tập trung vào độ cao thẳng đứng. Tôi đặt mục tiêu đạt được 2000, 4000, 3000 và cuối cùng là 6000m độ cao trong những tuần đó.
Tôi cũng cố gắng đạt được số km tương đương của cuộc đua trong một tuần, tập trung phần lớn khối lượng tập luyện trong thời gian cuối tuần bằng việc chạy liên tiếp. Việc này phải được thực hiện ít nhất 4 tuần trước ngày đua. Ví dụ nếu đó là một cuộc đua dài 100 dặm (160km), tôi sẽ chạy 40 dặm (64km) từ thứ hai - thứ năm và 60 dặm (96km) từ thứ 6 - chủ nhật.
- Anh sống ở một nơi khá bằng phẳng của thế giới, làm thế nào để anh tập luyện ở những ngọn đồi dài hơn?
Tôi chạy khá nhiều trên đường chạy địa hình. Không phải trên đường mòn nhưng bên cạnh đường mòn. Điều này đã giúp tăng sức mạnh cho đôi chân tôi. Tôi cũng tập các bài tập nhảy và bài tập sức mạnh khác nữa.
Đổ dốc luôn là bài tập khó nhất để chuẩn bị. Nhưng chạy nhanh nhất có thể khi bạn xuống dốc trên những con đường trải nhựa có thể giúp đùi bạn quen với việc rung lắc.
- Anh có bài tập chạy cường độ cao yêu thích nào không?
Tôi thích chạy trên những ngọn đồi, vì thế thỉnh thoảng tôi thực hiện các cuộc chạy nơi tôi đẩy nhịp độ khi lên dốc và giảm nhẹ khi xuống dốc. Và thỉnh thoảng là ngược lại. Tôi hiếm khi thực hiện các bài tập cường độ cao trên đường bằng, vì thế tốc độ cao nhất của tôi không thực tốt.
- Anh có thể chia sẻ một vài lời khuyên của mình đến những người muốn bắt đầu chạy bộ và hoàn toàn mới với các môn thể thao?
Đi bộ. Và hãy kiên nhẫn.
Bắt đầu bằng việc đi bộ và học đi bộ nhanh. Bằng cách đó bạn có thể đạt được nhịp tim khá cao lúc bắt đầu và bạn không làm tổn thương đầu gối hoặc cẳng chân quá nhiều. Từ từ bạn có thể bắt đầu chạy những đoạn ngắn. Bắt đầu bằng việc đi bộ 3 phút, chạy 1 phút. Sau đó bạn đi bộ ít hơn và chạy nhiều hơn. Và sau một vài tháng bạn có thể tập chạy toàn bộ thời gian.
Nếu bạn kiên nhẫn, cơ thể bạn sẽ thích nghi với các yêu cầu thể chất trước khi bạn bắt đầu chạy hoàn toàn trong suốt quá trình tập luyện. Hầu hết mọi người bắt đầu chạy từ ngày đầu tiên, và điều đó có nghĩa là bạn có thể cảm thấy đau và thường có thể bị chấn thương sau một thời gian ngắn. Chạy không nên gây ra đau đớn, nhưng cảm thấy mệt là chuyện hoàn toàn bình thường.
- Anh áp dụng chế độ dinh dưỡng như thế nào trong suốt cuộc đua?
Nhanh nhất và dễ dàng nhất là carbon hydrat. Nhưng với các cuộc đua dài hơn, việc bạn ăn quan trọng hơn so với việc bạn ăn gì. Tôi cố gắng mang các thực phẩm cung cấp năng lượng khác nhau, vì thế tôi luôn có thể tìm thấy thứ gì đó thích hợp với mình.
Ăn từng chút một toàn bộ thời gian sẽ tốt hơn so với việc ăn nhiều trong vài lần. Tôi thích gel, kẹo và các đồ ăn năng lượng dễ nhai khác.
- Thế còn sau cuộc đua thì thế nào? Món ăn yêu thích của anh để ăn mừng sau cuộc đua?
Bia lạnh và khoai tây chiên. Một ít hoa quả tươi. Và một món ăn đặc nóng vài giờ sau khi về đích.
- Anh nghĩ gì về Strava? Tốt cho chạy bộ hay đem quá nhiều kỹ thuật đến các cung đường mòn?
Tôi là một người đam mê công nghệ và thích các con số. Vì thế tôi sử dụng Strava. Nhưng chủ yếu là để so sánh việc tập luyện của chính bản thân mình. Tôi có tạo ra một vài cung đường trong khu vực tập luyện của mình và thích thử sức bản thân để xem việc tập luyện của tôi có tiến triển gì không.
Tôi cũng sử dụng Strava khi ghé thăm các khu vực mới. Nó giúp tôi tìm kiếm các địa điểm tốt một cách dễ dàng hơn.
- Anh áp dụng chiến lược “tốc độ” nào trong một cuộc đua đường dài và anh có thể chia sẻ một vài lời khuyên của mình cho những vđv chạy đường dài lần đầu tiên?
Trong chạy bộ định hướng, tốc độ rất khác so với các loại hình chạy bộ khác, bởi vì bạn chạy một mình và phải định hướng, còn trong các cuộc đua mạo hiểm bạn cần phải để ý tới toàn bộ đội của mình khi thiết lập tốc độ.
Nhưng nguyên tắc chính của tôi là bắt đầu chậm hơn những gì tôi muốn. Tôi không sử dụng thiết bị kiểm soát nhịp tim trong khi đua mà cố gắng “lắng nghe” cơ thể mình.
Bí quyết là hãy duy trì nhịp tim cân bằng trong suốt cuộc đua và tránh để nhịp tim lên mức cao nhất.
- Nhiều người cho rằng chạy đường mòn chủ yếu là một trò chơi tinh thần. Anh có đồng ý với điều này không và bí quyết nào để giữ vững tinh thần khi cơ thể bắt đầu cảm thấy đau?
Chạy dài và đua mạo hiểm chủ yếu là thử thách về mặt tinh thần. Chuẩn bị kỹ lưỡng về thể chất rất quan trọng đối với việc chuẩn bị về tinh thần.
Trong cuộc đua tôi luôn cố gắng chia nó thành các phân đoạn và mỗi lúc chỉ tập trung vào một phân đoạn. Thường thì các trạm tiếp sức sẽ hữu ích cho việc chia các phân đoạn này.
Tôi thường đãi bản thân bằng việc cho phép mình thưởng thức một vài món ăn đặc biệt, đổi giày hoặc có lẽ là nghe nhạc ở những điểm này. Nhưng trước hết phải là khi tôi đã đạt được một mốc cụ thể nào đó trong cuộc đua. Bởi nhờ đó mà tôi có thể có 3-4 điểm đặc biệt trong suốt chặng đua để ngóng đợi.