Để trở thành một VĐV hàng đầu, cơ thể của bạn cần phải đáp ứng được những yêu cầu đặc trưng của môn thể thao bạn theo đuổi.
Các cầu thủ bóng rổ thường có thân hình cao với sải chân dài, trong khi đó, những VĐV thể dục dụng cụ lại thường có thân hình nhỏ, gọn. Những đô vật thì thường có phần thân trên đồ sộ với các bó cơ lớn, còn những kiếm thủ thì có xu hướng rắn chắc hơn ở phần thân dưới, đặc biệt là vùng đùi. Các kình ngư có lượng mỡ cao hơn các VĐV khác, còn những VĐV chạy marathon thì gần như chả có tí mỡ nào trong cơ thể.
Theo ông Mark Jenkins - chuyên gia tại một Trung tâm Fitness ở Los Angeles, bang California thì để trở thành một VĐV hàng đầu, cơ thể của bạn cần phải đáp ứng được những yêu cầu đặc trưng của môn thể thao bạn theo đuổi.
Ví dụ, các võ sĩ quyền Anh phải là những người có cú đấm mạnh và sức bền tuyệt vời để chinh chiến qua nhiều hiệp đấu. Càng sở hữu các bó cơ lớn, các võ sĩ cần phải tích lũy nhiều oxy trong cơ thể hơn.
Những VĐV bơi lội thì không cần quá cơ bắp, bởi lẽ, những bó cơ lớn chỉ tạo nên nhiều lực cản khi chuyển động dưới mặt nước, khiến cho tốc độ bơi của bạn bị hạn chế.
“Điều đó gọi là hành động cân bằng”, ông Jenkins cho biết. “Càng cơ bắp, khả năng lưu trữ oxy trong cơ thể bạn càng thấp”.
Tuy nhiên, ở một số trường hợp khác, sự thay đổi trong cơ thể chính là kết quả của việc thích nghi với các điều kiện ngoại cảnh nhất định. Ví dụ, các kình ngư thường có lượng mỡ trong cơ thể cao hơn những VĐV ở môn thể thao khác. Bởi lẽ, việc lưu trữ hàm lượng mỡ cao hơn sẽ giúp cho các VĐV có thể nổi và ngâm mình trong nước hàng giờ đồng hồ.
Một số môn thể thao thường tập trung phát triển một bộ phận nhất định trên cơ thể với mục đích giảm thiểu tối đa khả năng dính chấn thương.
“Ví dụ, các VĐV bóng rổ cần tăng cường khả năng chịu đựng ở vùng lưng. Dù là những cầu thủ cao lớn, các cầu thủ thường xuyên phải luồn cúi khi thi đấu. Do vậy, phần lưng dưới của những VĐV bóng rổ phải rất khỏe thì mới có thể giảm tải áp lực lên đầu gối”, ông Jenkins cho biết.
Các đô vật cũng cần có một tấm lưng khỏe mạnh cùng với phần thân trên rắn chắc để có thể bám chặt và quăng đối thủ xuống sàn đấu. Họ luôn phải thực hiện các bài tập đặc biệt để tăng cường sức chịu đựng của các bó cơ xung quanh vùng cổ. Từ đó, vùng khí quản của họ sẽ trở nên chai sạn hơn trước những đòn khóa siết của đối phương.
“Để có thể đạt tới đỉnh cao của một môn thể thao nào đó, các VĐV cần phải được tập luyện một cách bài bản và chuyên biệt”, ông Jenkins nhấn mạnh. “Điều đó không chỉ giúp các VĐV có được thân hình hoàn hảo mà còn tránh được những chấn thương đáng tiếc”.