Bơi lội cho trẻ em sơ sinh dưới 24 tháng tuổi

thứ năm 23-6-2016 15:29:40 +07:00 0 bình luận
Rất nhiều bậc cha mẹ băn khoăn độ tuổi nào cho con tập bơi là phù hợp. Câu trả lời có lẽ sẽ làm họ bất ngờ: hãy cho bé làm quen với bơi lội bất kể độ tuổi nào.

Với trẻ em, bơi lội có thể coi là một môn thể thao tuyệt vời. Bởi lẽ dường như không có một rào cản cụ thể nào về lứa tuổi trong bộ môn này. Rất nhiều bậc cha mẹ vẫn băn khoăn với câu hỏi: độ tuổi nào cho con tập bơi là phù hợp? Câu trả lời có lẽ hơi làm bất ngờ các bậc phụ huynh, đó là: hãy cho con làm quen với bơi lội từ bất kể độ tuổi nào. 

Thậm chí với bé từ 24 tháng tuổi trở xuống, bơi lội nên là môn thể thao đầu tiên của cuộc đời. Bơi lội kết nối những phản xạ tự nhiên của bé có từ trong bụng mẹ, vận động cơ thể được nâng đỡ trong môi trường nước.

Ở các nước phát triển, cho bé làm quen với bơi lội sớm không còn xa lạ. Mặc dù ở giai đoạn này, trí óc và thể chất của bé chưa phát triển toàn diện, nhưng bù lại các bé vẫn giữ được phản xạ bơi lội bẩm sinh từ môi trường trong bụng mẹ và phản xạ tự đóng nắp khí quản khi đầu chìm vào trong nước. Vì vậy, việc dạy cho trẻ sơ sinh bơi đơn giản là tìm cách kích hoạt phản xạ tự nhiên này của bé.

Mục tiêu của việc dạy bơi cho trẻ ở giai đoạn này là để bé làm quen với môi trường nước, trở nên thích nước và quen với phản xạ nín thở, khua tay chân để cơ thể di chuyển.

Ở lứa tuổi này của bé, sẽ là lý tưởng nếu bố mẹ chính là những người “thày dạy bơi” đầu tiên của bé. Bố mẹ có thể nghiên cứu các bài tập theo từng giai đoạn từ dễ tới khó sau đây để có thể dạy bơi cho bé đúng cách.

Giai đoạn 1:

+ Số buổi tập: 4-5 buổi. Mỗi buổi: 15-20 phút.

+ Mục tiêu: bắt đầu cho bé làm quen với nước, giúp bé có cảm giác lướt trong nước và khua chân tay một cách tự nhiên.

+ Động tác:

- Bài tập lướt người nằm ngửa: để bé nằm ngửa, giữ nhẹ phần gáy để đầu bé cao hơn mặt nước, tránh để nước vào mũi miệng bé. Bố mẹ hãy trò chuyện thu hút sự chú ý của bé đồng thời đưa đẩy nhẹ nhàng giúp bé lướt trên mặt nước. Chân bé  theo phản xạ sẽ đạp nhẹ.

Dạy Trẻ tập bơi

Lướt người nằm ngửa

- Bài tập lướt người nằm sấp: bố mẹ dùng một tay đỡ vào phần ngực và cằm của bé để bé nằm sấp chú ý giữ đầu bé hơi cao, với những bé chưa tập lặn ngụp đầu thì tuyệt đối không để bé úp mặt xuống nước. Tay còn lại đỡ phần thân của bé, đưa người bé lướt nhẹ nhàng để bé cảm nhận được nước. Bố mẹ có thể vừa làm động tác vừa trò chuyện hoặc hát cùng bé để bé thư giãn.

Dạy Trẻ tập bơi 2

Lướt người nằm sấp

Đây là hai động tác cơ bản nhất để bé làm quen với môi trường nước. Thực hiện xen kẽ 2 động tác lướt nước nằm sấp và nằm ngửa để bé quen với các trạng thái. Mỗi động tác thực hiện trong khoảng 1-2 phút và lặp lại khoảng 3-4 lần trong mỗi buổi tập.

 Video: hướng dẫn động tác giúp bé lướt người nằm ngửa và nằm sấp


Link ảnh đại diện

Giai đoạn 2:

+ Số buổi tập: 2-3 buổi. Mỗi buổi khoảng 20 phút. 

+ Mục tiêu: cho bé làm quen với việc vận động chân tay dưới nước và không hoảng sợ khi nước rớt lên vùng đầu, mặt.

+ Động tác:

- Bài tập với phao cổ và phao tay: bố mẹ đeo phao cổ và phao 2 cánh tay cho bé, thả để bé tự nổi dưới nước. Bố mẹ đứng đối diện bé, làm các động tác tay khua nước đơn giản để bé bắt chước theo. Đối với động tác chân, bố mẹ cho bé đứng gần thành bể, bồn tắm rồi cho bé đạp. Cứ co gối rồi duỗi thẳng vài lần bé sẽ quen.

- Bài tập nhỏ nước: Để bé quen với không gian xung quanh nhiều nước, bố mẹ bắt đầu dần từ việc nhỏ nước từ từ lên đầu, lên mặt bé. Khi bé đã quen dần, bố mẹ có thể mua các bình tưới cây đồ chơi nhỏ để tưới làm ướt đầu, mặt bé nhiều hơn.

Dạy Trẻ tập bơi 3

Giúp bé quen với nước chảy trên đầu và mặt

- Bài tập di chuyển và đạp chân: Mẹ dang hai tay, để bé bám vào cổ và tựa đầu lên vai mẹ và tự nổi. Sau đó mẹ di chuyển giật lùi để bé tiến theo, bé sẽ có phản xạ tự đạp chân. Lưu ý luôn để đầu bé ở trên mặt nước. Mẹ cũng nên hát hoặc chuyện trò cùng bé. 

Video: hướng dẫn bài tập di chuyển và đạp chân


Link ảnh đại diện

Giai đoạn 3:

+ Số buổi tập: 5-6 buổi. Bài tập trong giai đoạn này tương đối khó nên thời lượng cho bài tập nên ngắn hơn để bé dễ tiếp thu và làm quen dần. Thời gian 10-15 phút cho mỗi buổi tập là hợp lý. 

+ Mục tiêu: tập cho bé cách nín thở tạm thời khi úp mặt xuống nước và quan trọng nhất là hình thành phản xạ lật ngửa người khi ở dưới nước (đối với các bé từ khoảng 14 tháng trở lên)

+ Động tác:

- Bài tập lặn cùng bé: khi bé đã quen dần nước, tỏ ra thích thú và ko sợ nước nữa bố mẹ có thể tập cho bé ngụp xuống dưới nước. Bố mẹ đếm 1-2-3 rồi thổi nhẹ vào mặt bé. Theo phản xạ bé sẽ nhắm mắt hoặc nín thở tạm thời, khi đó bố mẹ thực hiện động tác như lướt người nằm sấp rồi cho bé thấp dần dưới nước, làm động tác lặn nhanh. Lưu ý: động tác của bố mẹ cần phải dứt khoát, khi cho bé lặn xuống nên hướng mặt bé về phía mình và cười với bé để bé không hoảng sợ. 

Video: hướng dẫn bài tập lặn cùng bé


Link ảnh đại diện

 - Bài tập giúp bé tự lặn và đạp chân: sau khi các bé đã quen với trạng thái có thể ngụp dưới nước, bố mẹ có thể giúp bé bài tập tự lặn và đạp chân bằng cách: bố ôm bé còn mẹ đứng đối diện ở khoảng cách gần từ 1-2 m. Bố đếm 1-2-3 nhấn nhẹ bé xuống nước và đẩy bé về phía mẹ. Bé sẽ tự biết khua nước và tiến về phía mẹ. Khi bé tới nơi mẹ ôm vào 2 nách bé nhẹ nhàng và nhấc bé dậy. Đối với những bé đã cứng cáp hơn (từ khoảng 14 tháng tuổi trở lên) khi đón bé, mẹ có thể nghiêng dần người bé rồi từ từ giúp bé lật ngửa và tự nổi trong tư thế nằm ngửa khoảng 2, 3 giây trước khi đón bé đứng dậy. Lặp lại động tác này nhiều lần sẽ khiến bé quen với phản xạ lấy hơi là phải để mặt hoặc toàn bộ cơ thể nằm ngửa.

Video: hướng dẫn bài tập giúp bé tự lặn và đạp chân


Link ảnh đại diện

 

Bài viết được thực hiện dưới sự giúp đỡ của gia đình bé An - 7 tháng tuổi (Hà Nội)

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm