Ở SEA Games 30, nước chủ nhà Philippines đưa môn vật vào trong chương trình thi đấu. Môn vật có tất cả 14 nội dung thì Việt Nam đã giành đến 12 HCV, 2 HCV còn lại nằm trong diện “quy hoạch” cho chủ nhà Philippines. Chính 12 HCV từ môn vật giúp đoàn thể thao Việt Nam có bước tiến ngoạn mục ở những ngày cuối của SEA Games 30 để vượt Thái Lan khi hơn 6 HCV để đứng thứ 2 chung cuộc. Thêm một lần nữa, vật Việt Nam thể hiện sức mạnh vô đối ở đấu trường Đông Nam Á.
Đây cũng là môn thể mạnh của thể thao Việt Nam suốt hàng thập kỷ qua ở sân chơi này. Ở kỳ SEA Games 2003 trên sân nhà, vật mang về số lượng “khủng” với 18 HCV. Đây luôn là “mỏ Vàng” của thể thao Việt Nam qua các kỳ đại hội ở khu vực.
Và năm 2021, khi Việt Nam là chủ nhà, vật được xác định là môn có thế mạnh để mang về nhiều HCV cho đoàn thể thao nước nhà. Theo đó, dự kiến, vật sẽ đăng ký 20 nội dung (10 nam, 10 nữ) với mục tiêu bảo vệ ngôi đầu.
Đây là nhiệm vụ không quá khó khăn với bộ môn này. Thế nhưng, từ nay đến khi SEA Games 31 diễn ra vẫn còn hơn 20 tháng để các quốc gia chuẩn bị. Hiện tại, các nước Đông Nam Á đã dành sự đầu tư mạnh cho bộ môn này. Điều họ hướng đến không chỉ là SEA Games mà còn cả đấu trường Olympic. Chính vì thế, Philippines, Thái Lan, Malaysia… đã cử các VĐV đi tập huấn dài hạn tại các nước châu Âu, nơi là cái nôi của vật thế giới.
Ngoài ra, ở khu vực châu Á, họ cũng thường lựa chọn các nước phát triển mạnh môn vật như Mông Cổ, Kazhakhstan, Uzbekistan… Trong khi đó, hằng năm, các VĐV Việt Nam chủ yếu tập huấn tại Trung Quốc, quốc gia không quá mạnh về môn này. Các VĐV cũng thường tập trung, thi đấu trong nước khi số lượng các giải đấu quốc tế không nhiều.
Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, rất có thể, trong năm 2020 này, vật Việt Nam khó tập huấn cũng như tham dự các giải đấu ở quốc tế. Toàn đội xác định hai giải đấu trọng điểm để duy trì phong độ, cảm giác thi đấu là giải VĐQG và Cúp QG.
Dù luôn là “anh cả” ở Đông Nam Á nhưng nếu không có chiến lược đúng đắn, vật Việt Nam vẫn có thể ngậm trái đắng ngay trên sân nhà ở SEA Games 31.