– Thể thao 24h: Có thông tin ông đã tự ứng cử vào chức danh Chủ tịch LĐBC khóa tới. Thực hư chuyện đó thế nào?
– Tổng cục phó Trần Đức Phấn: Không có chuyện đó. Từ lâu, khi đang làm TTK, tôi đã nhiều lần xin rút vì muốn tập trung cho bên quản lý nhà nước. Cá nhân tôi cũng hiểu rõ cái khó của sự kiêm nhiệm, nhưng vì điều kiện và một số ràng buộc nên chưa dứt được. Với vị trí Chủ tịch khóa mới thì càng không, nhất là khi tôi hiểu rõ trọng trách của một lãnh đạo Tổng cục TDTT. Suốt 2 năm qua, chúng tôi đã tích cực, nỗ lực tìm nhân sự sau khi Chủ tịch Lê Minh Hồng khẳng định không tiếp tục tham gia khóa tới, song bất thành. Cuối cùng, Thường vụ Liên đoàn cùng ngành thể thao đã quyết định tôi sẽ phải đứng ra gánh vác nhiệm vụ. Xin nhắc lại, đó là nhiệm vụ mà tôi với tư cách một cán bộ công chức, đảng viên phải chấp hành. Tôi hiểu rằng, chuyện kiêm nhiệm là một việc cực chẳng đã. Tôi cũng xác định sẽ chỉ đảm trách 1-2 năm để chờ tìm kiếm gương mặt mới.
– Tại sao bài toán tìm kiếm Chủ tịch lại khó đến thế, khi mà bóng chuyền Việt Nam đang được đặc biệt quan tâm, yêu thích?
Đó là một thực tế không chỉ riêng với LĐBC Việt Nam. Chúng tôi đã liên hệ, vận động hàng loạt trường hợp, từ lãnh đạo các cơ quan nhà nước tới doanh nghiệp song đều không thành công. Có người đã nhận lời song lại từ chối vào phút chót.
Ngoài lý do quá bận rộn cùng gánh nặng với cơ quan, doanh nghiệp của mình, họ cũng thấy rõ rằng giờ đây nếu chỉ làm Chủ tịch một Liên đoàn có những đòi hỏi, yêu cầu hoàn toàn khác, chứ không thể chỉ đứng trên danh nghĩa, hỗ trợ về uy tín và quan hệ như trước. Chưa kể, họ còn có thể bị ảnh hưởng đến bản thân do sức ép, hoạt động của Liên đoàn, thậm chí có thể còn rơi vào tình thế “tai bay vạ gió”.
– Ông có cho rằng việc Đại hội LĐBC bị chậm tới 18 tháng vì lý do không tìm được nhân sự Chủ tịch là một điều không nên?
Phải nhìn nhận thẳng thắn, đây là một điều cần phải rút kinh nghiệm không chỉ với LĐBC. Dù nó xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể nhưng phần nào đó cũng bởi cách làm còn khá bị động và thiếu sự chuẩn bị dài hơi.
– Riêng về tổ chức và mô hình, LĐBC Việt Nam trong khóa mới sẽ có thay đổi gì, thưa ông?
Có thể tạm thời Chủ tịch vẫn kiêm nhiệm song TTK sẽ phải chuyên trách, với một văn phòng đủ mạnh. Các tiểu ban chuyên môn, nhất là mảng tiếp thị tài trợ và truyền thông cũng phải có bước đột phá, trong đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của Trưởng, Phó ban cũng như có nhân sự chuyên trách.
– Với các mục tiêu khác, cụ thể như với ĐTQG, giải VĐQG sẽ có gì đổi mới để tạo nên một cuộc đột phá nhằm phát huy, tận dụng cao nhất tiềm năng, điều kiện thuận lợi của bóng chuyền Việt Nam?
Với ĐTQG, bóng chuyền phải nhắm tới tầm mức châu lục, đơn cử nữ sẽ phấn đấu lọt vào Top 5. Trong đó, cả đội nam và đội nữ sẽ xác lập nên một chiến lược, lối chơi riêng, dưới sự dẫn dắt dài hạn của chuyên gia ngoại.
Chúng tôi cũng đã lên lộ trình giảm quy mô giải VĐQG từ số lượng 12 đội nam, 12 đội nữ hiện tại xuống còn 8 đội để thực sự nâng chất. Mảng đào tạo trẻ hiện đã có những chuyển biến rõ rệt nhưng phải tiếp tục tập trung đẩy mạnh, theo một hệ thống và chương trình thống nhất.
Xin cảm ơn ông!
Phúc Tường (thực hiện)
Trước LĐBC Việt Nam, LĐ Taekwondo Việt Nam đã bất lực trong việc tìm kiếm Chủ tịch đến mức phải “đôn” TTK Trương Ngọc Để lên kiêm nhiệm. Khóa mới của Liên đoàn này từ 2013 đã gần như giậm chân tại chỗ trong sự tụt hậu kéo dài, bởi thực tế ngay cả vị trí TTK cũng quá sức với ông Để.
“Rất chia sẻ và thông cảm với những khó khăn của LĐBC Việt Nam, song tôi vẫn cho rằng việc chậm Đại hội khóa VI tới gần 2 năm và đưa lãnh đạo Tổng cục TDTT kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch khóa mới vẫn là một sự bất hợp lý. Với cách làm này, về mặt gốc rễ, LĐBC Việt Nam vẫn sẽ không thể thay đổi được gì”.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao,
TTK Liên đoàn Thể dục Việt Nam, Nguyễn Hồng Minh